Nhiều người trẻ đi xóa hình xăm để dễ xin việc

18/04/2021 - 16:26

PNO - Một nghiên cứu về hiệu quả xóa xăm tại TPHCM cho thấy độ tuổi đi xóa xăm nhiều nhất từ 16 đến 25.

Ngày 18/4, Liên chi hội Da liễu TPHCM kết hợp với Bệnh viện Da liễu TPHCM tổ chức hội nghị khoa học thường niên lần thứ 17 với sự tham dự của hơn 500 bác sĩ trong ngành da liễu, thẩm mỹ khu vực phía Nam.

Nghiên cứu của bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, Bệnh viện Da liễu TPHCM thực hiện lấy mẫu từ tháng 9/2018 đến 9/2019 với 30 bệnh nhân tại Khoa Thẩm mỹ da đã thống kê độ tuổi trung bình đi xóa xăm là 28, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là độ tuổi 16-25, chủ yếu là học sinh, sinh viên. 80% người đi xóa xăm có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong số này, 60% là nữ, 40% là nam. Tiêu chuẩn chọn mẫu là thời gian xăm trên 3 tháng.

Trong nghiên cứu này, lý do đi xóa xăm chiếm nhiều nhất (36,7%) là để xin việc, sau đó là nguyên nhân do không phù hợp tuổi, không thích.

Đặc điểm hình xăm tại Việt Nam là kích thước nhỏ hơn 30cm2, chủ yếu là đơn sắc, kích thước nhỏ, thời gian xăm ngắn hơn các nghiên cứu khác trên thế giới. Điều này được bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em lý giải là tuy người Việt Nam thích xăm nhưng khó xin việc, nhiều e ngại nên chọn hình xăm nhỏ và để dễ xóa xăm hơn.

Những trường hợp trong nghiên cứu này được xóa xăm bằng phương pháp laser Pico giây. Kết quả cho thấy, xóa hoàn toàn hình xăm chỉ chiếm 7,7%; rất tốt chiếm 90%; tốt (còn mờ) chiếm 88,5% và 11,5% trường hợp thất bại.

Một trường hợp thất bại khi xóa xăm
Một trường hợp thất bại khi xóa xăm

Bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em nhận định: phương pháp điều trị xóa hình xăm bằng laser cho thấy có hiệu quả cao đối với các màu cơ bản như đen, xanh dương. Tuy nhiên với các màu pha như đỏ, vàng, cam vẫn là một thách thức và là vấn đề cần được nghiên cứu nhiều hơn. Hiệu quả xóa xăm tùy thuộc vào kỹ thuật xăm, màu sắc, type da, thời gian xăm và vị trí xăm...

Công nghệ xăm càng nhiều cải tiến, việc xóa xăm ngày càng gặp nhiều khó khăn. Laser Pico giây được xem là phương pháp xóa xăm có hiệu quả cao nhưng cần bác sĩ chuyên khoa da liễu thực hiện.

Ngoài ra, có các phản ứng thường xảy ra như phù nhẹ, đau rát, bóng nước nên bệnh nhân cần được tư vấn kỹ trước khi thực hiện.

Xăm là thủ thuật đưa sắc tố vào da bằng kim hay các dụng cụ sắc nhọn khác nhằm tạo nên các dấu hiệu, hình ảnh trên cơ thể con người. Trên thế giới, tỷ lệ xăm là 10-20% dân số, tỷ lệ xóa xăm là 14-17%. Một số tác dụng phụ khi xóa xăm: đau, tăng hoặc giảm sắc tố da, nổi bóng nước, đỏ da kéo dài, phù, xuất huyết điểm.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI