|
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc đang khám cho trường hợp bị bệnh lý tuyến giáp - Ảnh: Thanh Huyền |
Chỉ số suy giáp cao gấp mấy chục lần là bình thường
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa Ung thư học Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng khoa Tuyến vú, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cảnh báo về tình trạng bệnh nhân tuyến giáp bỏ tái khám sau phẫu thuật. Cụ thể, tại bệnh viện mình, bác sĩ Phúc ghi nhận tới 20% bệnh nhân sau mổ tuyến giáp tái khám trong vòng vài tháng đầu, sau đó dần mất liên lạc và tự ngưng điều trị. Những trường hợp này chủ yếu là người trẻ ở độ tuổi từ 25-40. Việc ngưng tái khám bắt nguồn từ tâm lý chủ quan (nghĩ rằng phẫu thuật là đã khỏi bệnh).
Nhiều người cố trì hoãn đi khám vì thấy không quá nguy cấp, với lý do bận rộn công việc, học tập… Cho tới khi sức khỏe xuất hiện những triệu chứng bất thường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, họ mới đến bệnh viện. Khi đi khám đau nhức xương khớp, táo bón kéo dài, khô da, rụng tóc, họ mới vô tình phát hiện cơ thể thiếu hoóc môn tuyến giáp do không được theo dõi và kiểm soát tốt.
Một trong số đó là chị P.T.D. (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) tới Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám vào ngày 17/2 vì bị tê tay, sưng đau khớp. Tại thời điểm khám, bác sĩ Phúc còn nhận thấy gương mặt chị D. có dấu hiệu sưng phù, da khô.
Khi hỏi ra, bệnh nhân cho biết mình tăng khoảng 6kg so với trước đây, đi lại và vận động cũng trở nên chậm chạp. Bác sĩ hỏi han bệnh sử, chị D. kể mình bị ung thư tuyến giáp, từng phẫu thuật cắt bỏ toàn phần tuyến giáp cách đây 1 năm. Vài tháng đầu, bệnh nhân có tái khám và uống thuốc bổ sung hoóc môn tuyến giáp. Tuy nhiên, sau đó, thấy bệnh tình ổn định, chị đã ngưng thuốc.
Từ đó tới nay, bệnh nhân vẫn chưa đi tái khám. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị suy giáp do cơ thể không được bổ sung hoóc môn tuyến giáp. Khi bị suy giáp, cơ thể sẽ có các biểu hiện như chị D. đang gặp phải. Nếu không chẩn đoán và can thiệp kịp thời, suy giáp còn gây các biến chứng tim mạch và chuyển hóa nguy hiểm, thậm chí là hôn mê và tử vong.
Chị D. được chỉ định làm xét nghiệm máu, kết quả cho thấy chỉ số TSH >100 mIU/L. Chỉ số TSH bình thường chỉ ở ngưỡng 0.35-4.5 mIU/L. Khi chỉ số TSH >10 mIU/L, bệnh nhân được chẩn đoán là suy giáp. Chị D. có chỉ số TSH vượt ngưỡng nhiều lần, chứng tỏ bị suy giáp rất nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được kê thuốc bổ sung hoóc môn tuyến giáp và yêu cầu phải tái khám định kỳ bên cạnh việc dùng thuốc suốt đời với liều lượng canh chỉnh theo chỉ định của bác sĩ.
Hoóc môn tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa. Nếu tuyến này sản xuất không đủ (suy giáp) sẽ khiến sự trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm hơn. Biểu hiện rối loạn điển hình được ghi nhận là tình trạng táo bón, nhịp tim chậm. Do chị D. đã cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp nên cơ thể không thể tự sản sinh hoóc môn tuyến giáp nữa, bắt buộc phải bổ sung từ bên ngoài để bù đắp phần hoóc môn bị thiếu hụt.
Chưa hết, bên cạnh việc theo dõi tình trạng suy giáp, chị D. phải kiểm tra tiến triển của bệnh ung thư xem có cần thiết phải uống thuốc i ốt phóng xạ hay không. Nếu uống thuốc i ốt phóng xạ liều lượng cao, bệnh nhân cần lưu lại bệnh viện, cách ly với mọi người từ 3-7 ngày, chỉ được về nhà khi được đánh giá là an toàn, không lây nhiễm phóng xạ cho người xung quanh.
Cường giáp phẫu thuật rồi vẫn tái phát
Không riêng chị D., anh N.Đ.V. (39 tuổi, ngụ Cần Thơ) cũng đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám vì hay bị đánh trống ngực, bực bội, cáu gắt. Cách đây 5 năm, anh V. từng phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp do cường giáp không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Sau ca mổ, nghĩ rằng mình đã hoàn toàn khỏi bệnh, anh V. bỏ tái khám. Kết quả xét nghiệm máu và siêu âm cho thấy phần tuyến giáp còn dư của bệnh nhân bị cường giáp trở lại. Như vậy, cường giáp vẫn có nguy cơ bị tái phát sau phẫu thuật nên bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ để kiểm soát tốt các biến chứng.
Theo bác sĩ Phúc, các biến chứng sau phẫu thuật tuyến giáp được chia thành 2 giai đoạn: cấp tính trong vòng 24 giờ sau mổ và biến chứng mạn tính xuất hiện sau mổ 6-12 tháng.
Biến chứng cấp tính sau mổ (hiếm gặp) là chảy máu, đa phần dễ xảy ra trong 8 giờ đầu. Ở giai đoạn này, bệnh nhân nằm ở phòng hồi sức sau mổ, cần can thiệp phẫu thuật khẩn. Nếu không được cầm máu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nghẹt thở, tử vong. Ngoài ra, khi phẫu thuật bướu lớn, xâm lấn thần kinh, lúc bóc tách, phẫu thuật viên dễ làm tổn thương dây thần kinh thanh quản. Bệnh nhân có thể bị liệt dây thanh 1 bên gây khàn tiếng; liệt dây thanh 2 bên gây khó thở, thở rít…
Những biến chứng mạn sau phẫu thuật tuyến giáp phải kể đến là các sang chấn gây khàn tiếng kéo dài. May mắn rằng đa phần bệnh nhân bị khàn tiếng sẽ hồi phục trong khoảng từ 1-6 tháng, chỉ khoảng 2% bệnh nhân bị khàn hoặc mất tiếng vĩnh viễn. Bệnh nhân cắt bỏ toàn phần tuyến giáp chắc chắn bị suy giáp nên phải uống thuốc suốt đời. Những ai cắt một thùy tuyến giáp, tỉ lệ suy giáp chỉ chiếm từ 10 - 15% nhưng vẫn cần được theo dõi sát để can thiệp thuốc men kịp thời.
Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp. Những bệnh nhân ung thư giáp được khuyến cáo áp dụng phương pháp mổ hở truyền thống để việc bóc tách các mô bệnh kỹ càng hơn. Còn lại, người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp mổ nội soi qua đường nách, quầng vú, miệng để đảm bảo tính thẩm mỹ, giấu sẹo. So với phương pháp mổ nội soi qua đường nách, mổ nội soi tuyến giáp qua đường miệng hoàn toàn không nhìn thấy sẹo. Tuy nhiên, mổ nội soi đường miệng chỉ áp dụng được với bệnh nhân có thể tích tuyến giáp nhỏ, còn thông qua đường nách thì các trường hợp thể tích lớn sẽ lấy ra dễ dàng hơn.
Cần lưu ý không phải trường hợp bệnh lý tuyến giáp nào cũng có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật tuyến giáp chỉ áp dụng với các trường hợp ung thư, bướu giáp đa nhân, phình giáp đa hạt (khối bướu lớn hơn 4cm), cường giáp không đáp ứng điều trị nội khoa. Với các trường hợp cường giáp thai kỳ (sẽ tự phục hồi), basedow (nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp) thì không chỉ định mổ.
Để xác định trường hợp cường giáp không đáp ứng với điều trị nội khoa, bệnh nhân cần được đánh giá sau 12-18 tháng. Khoảng 50% bệnh nhân cường giáp đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Dù vậy, khi bệnh tình ổn định, cổ người bệnh vẫn phình to hơn bình thường, rất khó thu nhỏ lại như cũ. Với những ca cường giáp do basedow, nên hạn chế phẫu thuật bởi nguy cơ dễ bị khàn tiếng, tê tay. Ước tính, 30 - 40% bệnh nhân basedow bị khàn tiếng tạm thời, gần 50% bị tê tay tạm thời sau mổ tuyến giáp.
Sau phẫu thuật tuyến giáp bao lâu thì có thể bị suy giáp? Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc, sau phẫu thuật tuyến giáp, bệnh nhân chỉ cần bỏ thuốc khoảng 2-3 tuần là bắt đầu có các triệu chứng của tình trạng suy giáp. Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, tê tay, táo bón, khô da, lên cân, cơ thể sưng phù, đau nhức xương khớp, nhịp tim chậm (suy tim). Khi bị suy giáp nặng, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôn mê do suy giáp: tự ngưng thuốc hoặc bổ sung hoóc môn tuyến giáp không đủ sau phẫu thuật cắt toàn phần. |
Thanh Huyền