Nhiều người trẻ bị suy thận, vì sao?

26/03/2024 - 06:03

PNO - Nếu như trước đây, bệnh suy thận giai đoạn cuối thường thấy ở người cao tuổi thì nay, những bệnh nhân độ tuổi 17 đến 40 đã chiếm đến 20 - 30% số lượng bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc uống thuốc tùy tiện, lối sống thiếu lành mạnh… gây ảnh hưởng nặng nề đến chức năng thận.

Phải lọc máu suốt đời

Chờ đến giờ vào chạy thận, chị N.T.T. - 23 tuổi, ở tỉnh Bình Dương - ngồi tựa lưng vào ghế, nặng nề thở hắt, tay chân căng phù, đau nhức. Quá mệt mỏi, chị vào xin bác sĩ được lọc máu sớm.

Cách đây 3 năm, đang làm việc tại một công ty, chị cảm thấy mệt, choáng váng rồi té xỉu. Tỉnh lại ở bệnh viện, chị mới biết mình bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối, phải chạy thận suốt đời. Ban đầu, nghe bác sĩ nói phải lọc máu 2 lần/tuần, chị nghĩ bác sĩ nhầm lẫn, bởi chị vốn khỏe mạnh, chỉ ngất xỉu 1 lần không thể nào lọc máu suốt đời được.

Nghĩ vậy nên khi xuất viện, chị không đi chạy thận. Tuy nhiên, 2 hôm sau cả người chị phù lên, rất mệt, lại phải vào bệnh viện.

Chị chia sẻ: “Lần đầu tiên đi chạy thận, tôi mới hốt hoảng nhận ra, ở đây có rất nhiều bệnh nhân có tình trạng như tôi. Từ khi bệnh, tôi cũng chỉ có thể nhặt ve chai, hôm nào khỏe hơn thì ngồi may gia công tại nhà, mọi chi phí sinh hoạt, trị bệnh đều phải nhờ vào chồng, anh chị trong nhà”.

Bác sĩ Nguyễn Bách thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân nam trẻ tuổi bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối
Bác sĩ Nguyễn Bách thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân nam trẻ tuổi bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối

Vừa chạy thận xong, chị T.H.M. - 27 tuổi, ở quận 10, TPHCM - mệt mỏi thay đồ chuẩn bị về nhà. Nhắc về bệnh của mình, chị M. tỏ ra hối hận, bởi đó là hậu quả từ việc chị lạm dụng các sản phẩm giảm cân mua trên mạng xã hội. Quá tin tưởng người bán, chị uống từ trà thanh lọc, viên thanh lọc, viên giảm cân cấp tốc… không nghe khuyên can từ người thân, bạn bè. Chỉ sau 1 tháng, chị M. bị hội chứng thận hư nặng, phải lọc máu cấp cứu.

Bác sĩ kịp thời cứu được tính mạng của chị M. nhưng chức năng gan, thận bị tổn thương nghiêm trọng. Để tiếp tục sống, chị phải đến bệnh viện chạy thận nhân tạo định kỳ 3 lần/tuần.

Từ khi chị M. bị bệnh, chi phí đi lại, thuốc thang quá mức thu nhập, cuộc sống bấp bênh, chị và chồng ly hôn. Không thể đi làm, không có thu nhập ổn định, chị đành phải giao con cho chồng nuôi dưỡng.

Còn anh N.P.T. - 40 tuổi, ở quận 5, TPHCM - cảm thấy mọi thứ như đổ sụp khi bác sĩ thông báo phải chạy thận mỗi tuần 3 lần. Trong một lần khám sức khỏe định kỳ tại công ty, anh được chẩn đoán suy thận mạn tính giai đoạn 2. Lúc này, anh vẫn thấy mình khỏe mạnh, không có bệnh nền. Vì vậy, dù bác sĩ chỉ định phải uống thuốc, ngăn sự tiến triển nhanh đến giai đoạn cuối, anh vẫn bỏ ngoài tai.

Anh T. lên mạng tìm hiểu về bệnh, tin tưởng sẽ khỏi bệnh nếu nhai 7 hạt đậu đen xanh lòng và uống trà G.L. để… thanh lọc thận. Chỉ trong 3 tháng không kiểm soát, điều trị theo phác đồ của bác sĩ, anh T. rơi vào suy thận giai đoạn cuối, có chỉ định lọc máu.

Anh nhớ lại: “Lúc này, tôi tăng số lượng hạt đậu đen lên vì hy vọng sẽ mau khỏi. Nhưng chỉ 2 ngày sau, da của tôi sạm đen, người không còn chút sức lực, khó thở, chóng mặt, rồi xỉu ngay tại công ty. Tỉnh lại đã thấy ở trong bệnh viện, đang chạy thận”.

Hiện chi phí đi lại, lọc thận lên đến hơn 6 triệu đồng/tháng. Khối lượng công việc, thu nhập của anh đang giảm sút từng ngày. Mọi chi tiêu trong nhà giờ phải trông chờ vào số giờ tăng ca của vợ.

Dùng thuốc tuỳ tiện

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, nếu như trước đây suy thận giai đoạn cuối thường thấy ở người cao tuổi thì hiện nay số bệnh nhân trẻ bị suy thận phải lọc máu đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh nhân trong độ tuổi rất trẻ từ 17 đến 40 tuổi chiếm đến 20 - 30%. Trong đó, hầu hết nhóm bệnh này lần đầu phát hiện bệnh thận cũng là lúc suy thận ở giai đoạn cuối, phải đặt catheter chạy thận cấp cứu.

Người trẻ mắc bệnh suy thận thường do bệnh lý viêm cầu thận, chủ yếu gặp ở nam giới. Khi mắc bệnh, người bệnh không có biểu hiện cụ thể, chỉ cảm thấy huyết áp cao và phát hiện sớm bằng xét nghiệm. Tuy nhiên, người trẻ thường hay chủ quan, tự chịu đựng, “lướt” bệnh, vì vậy đa số người được chẩn đoán viêm cầu thận khi đã ở giai đoạn muộn.

Một số nguyên nhân dẫn đến suy thận là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, gút, sử dụng thuốc giảm đau, thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng tùy tiện, không hợp lý, không rõ nguồn gốc… không theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ dẫn tới hậu quả suy gan, gây ảnh hưởng nặng nề đến chức năng thận.

Bên cạnh đó, suy thận cũng khá thường gặp ở người bệnh bị viêm ống kẽ thận. “Đây là điều rất đáng lo bởi viêm ống kẽ thận thường thấy ở người bệnh có chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động, gặp rất nhiều ở người Việt” - bác sĩ Nguyễn Bách nói.

Bác sĩ Nguyễn Bách chia sẻ: mỗi người đều có thể chủ động tầm soát suy thận mạn nhưng thường hay bỏ qua. Tầm soát, phát hiện sớm nguy cơ rất đơn giản qua việc xét nghiệm máu, nước tiểu, nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu. Phát hiện, điều trị ở giai đoạn sớm, không để diễn tiến thành suy thận giai đoạn cuối sẽ giúp người bệnh có thể hồi phục với chi phí thấp, không phải “ôm” máy lọc suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh thận là bị phù, thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, da nhợt nhạt, sạm màu, đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít hơn bình thường, huyết áp tăng cao, giấc ngủ không sâu… Khi đó bệnh nhân cần đến bệnh viện khám ngay.

“Quan trọng là người trẻ cần nâng cao ý thức phòng bệnh. Có chế độ ăn uống lành mạnh, không tiêu thụ nhiều muối, hạn chế thức ăn đóng gói sẵn. Tập thể dục nâng cao sức khỏe, duy trì cân nặng hợp lý. Khi bị bệnh, phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không quá chủ quan trong việc tìm kiếm, sử dụng thuốc…” - bác sĩ Nguyễn Bách khuyến cáo.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI