Nhiều người tắm biển Vũng Tàu bị sứa cắn, nên xử lý cách nào?

23/04/2019 - 06:00

PNO - Biển Vũng Tàu đang vào mùa sứa biển sinh sản, khách du lịch trong lúc xuống tắm biển Vũng Tàu đã bị sứa cắn gây mẩn đỏ, ngứa ngáy. Vậy bị sứa biển cắn phải làm sao?

Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, từ giữa tháng 4/2019 khách du lịch đến bãi tắm tại thành phố Vũng Tàu khá đông với gần 140.000 lượt khách xuống tắm biển.

Nhưng đây cũng là thời gian sứa biển vào mùa sinh sản, du khách nên cẩn thận khi tắm biển, tránh bị tai nạn từ sứa.

Nhieu nguoi tam bien Vung Tau bi sua can, nen xu ly cach nao?
Bệnh viện Da Liễu tiếp nhận vài trường hợp viêm da do sứa cắn nhưng ở mức độ nhẹ

Theo thống kê của Ban Quản lý, có trên 50 khách du lịch bị sứa cắn được nhân viên y tế sơ cứu, bôi thuốc. Phần lớn, các trường hợp này do tiếp xúc với sứa khi tắm biển với các dấu hiệu: ngứa, đau rát, đỏ vùng da. 

Còn tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận một số bệnh nhân từ 20 đến hơn 30 tuổi đến điều trị sứa cắn. Tuy nhiên, người bệnh đến khám không biết do sứa cắn, chỉ khi bác sĩ khai thác bệnh sử, người bệnh mới nhớ đã chạm vào sứa trong lúc bơi lội.

Các bệnh nhân đều bị sứa cắn ở chân, có người bị một hai vết cắn, nhưng có người phải chịu nhiều vết thương rải rác toàn thân. 

May mắn, tất cả trường hợp chỉ bị viêm da, sưng tấy, không ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng khác, nên được bác sĩ kê toa thuốc uống, thuốc bôi để điều trị ngoại trú.

Như chị T.T.P. (25 tuổi, nhà ở quận Gò Vấp) cho biết: “Trời Sài Gòn nắng nóng liên tục nên tuần rồi tôi cùng nhóm bạn xuống Vũng Tàu tắm biển. Khi xuống nước được 10 phút, tôi cảm giác tắm biển Vũng Tàu bị ngứa. Lên tới bờ thì da ở hai chân ngứa và đỏ tấy nhưng một lúc rồi thôi nên tôi không để ý.

Ngày hôm sau, khi thay đồ tôi mới thấy da phồng rộp liền đến bệnh viện khám liền. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ côn trùng cắn chứ không biết do sứa biển”.

Nhieu nguoi tam bien Vung Tau bi sua can, nen xu ly cach nao?
Da phòng rộp mụn nước vì chạm vào sứa lửa, ảnh internet

ThS.BS Vũ Thị Phương Thảo ở Bệnh viện Da Liễu TP.HCM – cho biết, mùa hè, ngoài việc cảnh giác bị kích ứng, nhiễm trùng da do côn trùng đốt, người dân cũng nên cẩn thận với sứa cắn khi tắm biển. 

Sứa có thể gây viêm da tiếp xúc, viêm da kích ứng, có những trường hợp có thể gây phù nề ở nơi tiếp xúc sứa, thậm chí nhiều cơ quan khác gây khó thở, mệt mỏi.

Thường những vết sứa cắn sẽ có biểu hiện giống như viêm da kích ứng. Đầu tiên, vết cắn chỉ đau, đỏ ửng, rộp mụn nước, còn nặng hơn sẽ gây viêm sâu, nhiễm trùng. Một số ít trường hợp dẫn đến nhiễm trùng nặng, phù nề đường thở, gây khó thở, mệt mỏi, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ bị choáng, nhức đầu, suy hô hấp.

Nhieu nguoi tam bien Vung Tau bi sua can, nen xu ly cach nao?
Có những trường hợp người bị sứa cắn phải đến bệnh viện do chuyển biến bệnh quá nặng, ảnh: Planetdeadly.

Theo bác sĩ Thảo, mặc dù bệnh viện chưa tiếp nhận bệnh nhân bị bệnh nặng nề do sứa cắn nhưng người dân không nên chủ quan khi đi tắm biển, nhất là trẻ em với làn da nhạy cảm dễ nhiễm trùng..

Bác sĩ Thảo nói thêm, khi bị sứa cắn phải rời khỏi vùng nước có sứa, rửa vết thương bằng nước ấm, thoa thuốc tại chỗ để giảm sưng, đỏ, giảm viêm. Quan sát vết thương, nếu toàn thân bị đỏ, đau nhiều nơi, ngứa ngáy liên tục không dứt phải đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được khám kỹ hơn, lấy ra những tua sứa còn sót, kết hợp điều trị chuyên môn. 

Không nên chườm đá, đắp kem đánh răng, chà cát ở bãi biển, hay sử dụng các biện pháp dân gian truyền miệng vì có thể sẽ làm vết thương nhiễm trùng nặng nề hơn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI