Công ty 20 tỉ đồng là... lớp dạy năng khiếu
Ngày 5/9, chị V.P.Đ. (34 tuổi) và người nhà đã lặn lội từ Quảng Ngãi vào TPHCM để đi tìm Công ty TNHH Quảng cáo và Truyền thông SunMedia (gọi tắt là Công ty SunMedia), được giới thiệu là có địa chỉ ở 68 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6. Nhưng khi đến nơi, chị mới tá hỏa khi biết đây là trung tâm năng khiếu chứ không có công ty truyền thông nào cả!
Chị Đ. kể, cuối tháng 8/2023, qua mạng xã hội, chị được một người phụ nữ tiếp cận, giới thiệu là “nhân viên của Công ty SunMedia”. Nhân viên này cho biết, hiện công ty đang thực hiện dự án truyền thông cho 1 tập đoàn lớn nên cần tuyển cộng tác viên thời vụ. Quyền lợi của cộng tác viên là được trả công theo sản phẩm. “Ban đầu tôi cũng nghi ngờ, nhưng nhân viên đó gửi qua Zalo cho tôi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty SunMedia có đóng mộc đỏ của cơ quan chức năng, trong đó có thông tin công ty được thành lập vào tháng 6/2023, vốn điều lệ lên đến 20 tỉ đồng. Trong giấy còn có địa chỉ trụ sở công ty và người đại diện pháp luật, nên tôi tin tưởng” - chị Đ. kể.
|
Địa chỉ số 68 Kinh Dương Vương, quận 6 là một trung tâm dạy năng khiếu, không phải trụ sở Công ty SunMedia |
Cũng theo chị Đ., ban đầu, “nhân viên” của Công ty SunMedia phân công chị bình luận để tăng tương tác, do đơn vị này bảo trợ truyền thông. Sau khi hoàn thành, chị Đ. nhận được tiền công là 20.000 đồng vào tài khoản. 3 ngày sau, chị Đ. được trả tiền công lên đến 600.000 đồng.
Tiếp đến, Công ty SunMedia yêu cầu chị bỏ ra 20 triệu đồng để mua đơn hàng để trở thành nhân viên chính thức của Công ty SunMedia. Quyền lợi của nhân viên chính thức là được hưởng phần trăm trên doanh thu sản phẩm bán ra và lương cứng hằng tháng. Bỏ ra 20 triệu đồng thì sẽ nhận được 22 triệu đồng, cộng với lương và phần trăm doanh số bán hàng của tập đoàn thuê Công ty SunMedia làm truyền thông.
“Khi họ yêu cầu bỏ ra số tiền lớn, tôi cũng có chút nghi ngờ. Tôi lên Google tra cứu thì thấy có cả hồ sơ doanh nghiệp và các bài viết giới thiệu về Công ty SunMedia nên buông lỏng cảnh giác. Hơn nữa, tôi thất nghiệp, ở nhà chăm con nhỏ mấy tháng nay nên muốn kiếm thêm thu nhập từ công việc mới” - chị Đ. chia sẻ.
Sau khi đóng 10 triệu đồng, chị Đ. được thông báo đã nhận được tiền vốn và hoa hồng vào “tài khoản công ty” và phía Công ty SunMedia thông báo số tiền trên đang được “bảo lưu”. Chị Đ. phải hoàn thành những đơn hàng tiếp theo thì mới được rút tiền. Khi chị Đ. đã đóng hơn 100 triệu đồng và nhiều lần yêu cầu cho rút tiền thì nhân viên Công ty SunMedia cho biết, công ty sẽ cho rút vào lúc 17g ngày 29/8.
Đến hạn, chị Đ. truy cập vào “tài khoản công ty” để chuyển tiền về tài khoản của mình thì nhận được hiển thị “mật khẩu không đúng”. Chị Đ. thắc mắc thì nhân viên Công ty SunMedia thông báo rằng: do chị Đ. nhập sai mật khẩu nhiều lần nên đã bị lỗi hệ thống. Họ yêu cầu chị đóng thêm 100 triệu đồng nữa để được cấp mã OTP rút tiền. Trong vòng 24 giờ, nếu không đóng số tiền trên thì hệ thống sẽ tự hủy số tiền trong “tài khoản công ty”.
Sợ mất tiền, chị Đ. vội đi “vay nóng” 100 triệu đồng để nạp vào. Nhưng sau đó các đối tượng lừa đảo lại yêu cầu chị nộp thêm.
“Nghi ngờ bị lừa đảo, tôi và người thân bắt xe vào TPHCM tìm đến công ty để đòi tiền. Nhưng tại 68 Kinh Dương Vương không có Công ty SunMedia mà là một trung tâm dạy năng khiếu. Người ta cũng không biết Công ty SunMedia và Giám đốc T.C.L. là ai” - chị Đ. nói trong nước mắt.
Tương tự, chị H.T.N.Y. (31 tuổi, quê Bình Dương) cũng là nạn nhân của Công ty SunMedia. Chị Y. cho biết, dù đã rất cảnh giác khi nhận được lời mời của “nhân viên” Công ty SunMedia, nhưng khi tra cứu trên mạng, thấy công ty là đơn vị truyền thông tổ chức nhiều sự kiện lớn, chị đã đóng gần 30 triệu đồng với hy vọng trở thành nhân viên chính thức. “Nghe tôi kể về việc tham gia Công ty SunMedia, một người bạn khuyên tôi hãy cảnh giác. Hôm 3/9, tranh thủ dịp nghỉ lễ, tôi đến TPHCM kiểm tra thì biết đây là công ty “ma”. Tôi liên hệ đòi tiền lại thì nhân viên công ty đã xóa tài khoản mạng xã hội, chặn liên lạc” - chị Y. cho biết.
Một cán bộ UBND phường 13, quận 6 cho biết, bên trái đường Kinh Dương Vương là phường 12, bên phải là phường 13, quận 6. Số 68 Kinh Dương Vương thuộc phường 13 chứ không phải phường 12 như các đối tượng lừa đảo cung cấp.
Ngoài ra, địa chỉ nói trên chưa từng tồn tại doanh nghiệp có tên Công ty SunMedia có vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Có thể khẳng định Công ty SunMedia là công ty “ma”.
Làm sao tránh bẫy lừa đảo?
Kỹ sư Trần Việt Pháp - chuyên gia bảo mật của một hệ thống bán lẻ tại TPHCM - cho biết, chiêu trò lừa đảo của Công ty SunMedia thực chất là “bổn cũ soạn lại”. Nó là chiêu trò lừa đảo “chốt đơn hàng” đã rất phổ biến trước đây, nhưng điểm mới là các đối tượng dùng photoshop để làm giả chứng nhận đăng ký kinh doanh và tạo cả hồ sơ công ty trên mạng để tạo lòng tin nhằm đánh lừa nạn nhân.
“Việc tạo lập những trang mạng viết bài quảng bá cho các công ty “ma” là rất dễ. Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể dùng kỹ thuật mạng để đưa hồ sơ của các công ty “ma” này lên tốp tìm kiếm. Người dân không nên kiểm tra các công ty lừa đảo bằng tìm kiếm, đối chứng thông tin trên mạng mà phải kiểm tra trực tiếp hoặc thông qua hồ sơ của cơ quan chức năng” - kỹ sư Trần Việt Pháp chia sẻ.
|
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giả mạo của Công ty SunMedia |
Cũng theo kỹ sư Trần Việt Pháp, thời gian gần đây xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo. Hầu hết các chiêu trò này đánh vào nhu cầu việc làm của người dân. Để phòng tránh, mọi người nên thận trọng với những lời quảng cáo việc làm trên mạng, các công ty mới thành lập.
Cần hết sức thận trọng với đề nghị chuyển tiền đặt cọc, chuyển tiền đặt đơn hay chuyển một khoản phí nào đó để tìm việc. “Lừa đảo trên không gian mạng sẽ vẫn tiếp diễn phức tạp trong thời gian tới. Phương thức lừa đảo sẽ diễn biến, thay đổi liên tục” - kỹ sư Trần Việt Pháp cảnh báo.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, chiêu trò lập công ty truyền thông “ma” để lừa tiền có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, các nạn nhân hãy nhanh chóng trình báo vụ việc với cơ quan công an nơi mình cư trú.
“Qua các vụ lừa đảo thời gian gần đây, có thể thấy việc điều tra, xử lý các đối tượng là không dễ dàng. Bởi, các đối tượng hoạt động theo nhiều phân cấp, đối tượng chủ mưu lừa đảo thường ở nước ngoài. Các đối tượng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, nhưng số tiền này sẽ nhanh chóng được chuyển qua tài khoản thứ ba và được rút tiền ở nước ngoài nên quá trình truy vết gặp rất nhiều khó khăn. Để ngăn chặn lừa đảo, tôi cho rằng cần có chính sách quy định siết chặt việc mở thẻ ngân hàng để tránh việc các đối tượng lừa đảo qua mạng lợi dụng” - luật sư Nguyễn Tri Đức chia sẻ.
Lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm vào các nhóm đối tượng: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng. Cảnh giác với chiêu trò cài app để ưu đãi giảm thuế Bộ Công an vừa phát cảnh báo về chiêu trò cài đặt ứng dụng khai báo thuế online để được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế VAT để lừa đảo. Theo đó, cơ quan công an vừa nhận được trình báo của ông V.V.T. (ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị nhóm đối tượng giả danh cán bộ thuế huyện Long Thành liên hệ đề nghị cài đặt ứng dụng khai báo thuế online để được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế VAT. Tin lời đối tượng, ông T. thực hiện cài đặt ứng dụng HCMTAX theo hướng dẫn liên kết với tài khoản ngân hàng và sau 1 đêm tài khoản của ông đã bị “bốc hơi” gần 1,2 tỉ đồng. |
Hoàng Lâm