Phim do nền tảng iQiYi sản xuất, có sự tham gia của những diễn viên trẻ đang được lòng công chúng Trung Quốc như: Tiêu Chiến, Hoàng Cảnh Du, Chung Sở Hi....
Quân đội vương bài được giới thiệu lấy bối cảnh năm 1983, trong đó những nhân vật chính có xuất thân, hoàn cảnh khác nhau, ban đầu ở trạng thái thù ghét, sau đó chuyển sang làm bạn, đồng đội. Ngoài ra, trong phim cũng nói về chuyện tình yêu của họ.
Trong đoạn trailer chỉ 1 phút 40 giây, khán giả Việt Nam nhận ra những bất thường xoay quanh bộ phim này. Trong phim có đề cập đến việc đội quân này tham gia gỡ mìn, chiến đấu tại Quảng Tây, một tỉnh giáp biên giới với Việt Nam. Đối chiếu với lịch sử, nhiều khán giả cho rằng nội dung phim có thể liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam, năm 1979.
Trang phục được sử dụng trong phim tương đồng với trang phục của quân đội Trung Quốc trong giai đoạn tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam 1979. Trong phim cũng xuất hiện cảnh quân đội Trung Quốc giáp lá cà với những người nguỵ trang trong cây cỏ, dùng súng tiểu liên AK.
|
Hình ảnh so sánh sự tương đồng của trang phục trong phim (ảnh dưới) và trang phục thực tế của quân đội Trung Quốc trong giai đoạn chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 (ảnh trên) |
Trong phim cũng xuất hiện cảnh pháo binh, lực lượng quân đội được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất trong các cuộc chiến ở Vị Xuyên (Hà Giang). Nơi đây đã có rất nhiều chiến sĩ của Việt Nam đã hy sinh để giành lại biên giới thiêng liêng của tổ quốc.
Sau khi trailer phim xuất hiện, nhiều thông tin gây nhiễu loạn, hiểu nhầm xuất hiện trên mạng xã hội tại Trung Quốc. Trong đó, có một bài đăng trên Weibo thu hút sự chú ý của dư luận khi đề cập đến phim này: “Phim lấy bối cảnh những năm 1980, khi lực lượng quân sự của Việt Nam mạnh lên không ngừng, họ cũng bắt đầu có ý nghĩ xấu đối với lãnh thổ của Trung Quốc và phát động một loạt cuộc quấy rối và xâm phạm biên giới của Trung Quốc”.
|
Hoàng Cảnh Du và Tiêu Chiến trong phim |
Hiện, phim chưa phát sóng, nhưng với những thông tin mang tính bịa đặt, xuyên tạc lịch sử đang được lan truyền rộng khắp này, càng khiến dư luận không khỏi lo lắng khi bộ phim được phát hành, dự kiến vào cuối năm nay trên CCTV8 (một trong những kênh truyền hình thuộc hệ thống truyền hình trung ương Trung Quốc) và iQiYi, nền tảng phát sóng trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, hiện đang có mặt tại nhiều quốc gia.
Trên fanpage Trung tâm xử lý thông tin, Tifosi… bài phân tích về những mối nguy thông tin từ Quân đội vương bài được hàng nghìn người quan tâm. Trong đó, có nhiều bình luận đi từ lo ngại đến phản đối như: “Những diễn viên tham gia phim này có lượng người hâm mộ trẻ rất hùng hậu, ngay ở Việt Nam. Thật sự tôi lo ngại nếu những thông điệp xuyên tạc lịch sử được truyền tải thông qua sự nhập vai của họ”, “Sự mập mờ, đánh lận con đen về lịch sử rất nguy hại. Vì thế, bộ phim này cần được xem xét cẩn trọng, thậm chí cấm tại Việt Nam”, “Tôi sẵn sàng tẩy chay phim này, nếu có những xuyên tạc về lịch sử”, “Đó là lý do tôi không xem bất kỳ phim nào của Trung Quốc, khi thấy có nội dung liên quan đến quân đội, lịch sử”…
Dĩ nhiên, sự lo lắng của công chúng, dư luận nước nhà là hoàn toàn có lý do. Trước đây, hàng loạt phim Trung Quốc khiến dư luận phẫn nộ khi cài cắm đường lưỡi bò, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam như: Người tuyết bé nhỏ, Nhất sinh nhất thế, Lấy danh nghĩa là người nhà, Một đời một kiếp, Điệp vụ biển đỏ, Em là thành trì doanh lũy…
Phim Thịnh Đường huyễn dạ lại sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế để lồng ghép vào, xem như âm nhạc truyền thống Trung Quốc. Những sự việc diễn ra liên tục, khiến dư luận không khỏi hoài nghi: liệu có một mưu đồ nào đang được "đội mũ" sản phẩm giải trí hay không?
|
Bản đồ lưỡi bò được cài cắm trong phim Em là thành trì doanh lũy |
Những năm qua, truyền thông quốc tế đều có chung nhận định, phim ảnh trở thành quyền lực mềm để quảng bá cho sức mạnh của Trung Quốc. Không riêng Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng bày tỏ sự lo ngại trước điều này.
Một số công ty Trung Quốc đổ tiền đầu tư cho các công ty sản xuất phim ảnh ở Hàn Quốc. Một số phim Hàn nhưng lại xuất hiện yếu tố văn hoá, ẩm thực Trung Quốc, thậm chí quảng bá cho món ăn đặc trưng của xứ sở kim chi nhưng xuất xứ lại là Trung Quốc như: Joseon Exorcist, Vincenzo… Công chúng Hàn Quốc từng lên án dữ dội, buộc dừng chiếu phim, NSX phải xin lỗi công khai bởi họ cho rằng về lâu dài dễ khiến công chúng ngộ nhận họ không có văn hoá đặc trưng mà chỉ là sự vay mượn từ Trung Quốc.
Nỗi lo sợ đến từ phim ảnh, các sản phẩm giải trí có nguồn gốc từ Trung Quốc là có thật. Đặc biệt, môi trường số, sự phát triển của công nghệ đã giúp các sản phẩm văn hoá giải trí vượt khỏi biên giới của các quốc gia, len lỏi vào tận đời sống thường nhật của người dân. Việc quản lý triệt để vẫn là bài toán khó của các cơ quan quản lý văn hoá.
Trong bối cảnh chủ quyền quốc gia, bảo vệ lãnh thổ luôn “nóng”, những giá trị văn hoá bị lập lờ, “mượn tạm”, “cầm nhầm” suốt những năm qua, một lần nữa công chúng Việt Nam cần cẩn trọng và đề cao cảnh giác trước Quân đội vương bài và những sản phẩm mang đến nguy cơ tương tự. Thị trường giải trí vốn đa dạng, nhiều lựa chọn, nhưng chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hoá dân tộc là duy nhất và bất khả xâm phạm.
Trung Sơn