Nhiều người nhiễm giun móc suýt mất mạng

09/07/2020 - 07:47

PNO - Đa số người nhiễm giun móc đều có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, biếng ăn mà không biết. Cho đến khi chịu hết nỗi, đi bệnh viện thì cơ thể đã suy kiệt.

Chảy máu ồ ạt do nhiễm giun móc

Gần đây, anh T.V.H. (ở tỉnh Đồng Nai) luôn cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, không muốn ăn uống kèm theo đi phân lỏng, da tái nhợt, huyết áp không ổn định, thường chóng mặt, mệt mỏi. Anh H. đi các bệnh viện (BV) khám, nội soi dạ dày, tá tràng, nhưng không tìm được nguyên nhân. Sau đó, anh H. đau bụng ngày một nhiều, phân đen, tay chân mỏi nhừ, cơ thể không có sức, sụt cân. Anh đến TP.HCM khám, bác sĩ (BS) nhận định “bị mất máu kéo dài chưa rõ nguyên nhân”.

Bác sĩ Võ Thị Thu Hà khám lại cho bà N.
Bác sĩ Võ Thị Thu Hà khám lại cho bà N.

Anh H. được truyền máu, truyền dịch nâng cao thể trạng, khi sức khỏe ổn định, BS đã nội soi đại tràng cho anh nhưng vẫn không phát hiện tổn thương. Tiếp tục hội chẩn, làm các xét nghiệm, thực hiện chẩn đoán hình ảnh, khảo sát mạch máu, ổ bụng, ruột non… theo dõi xuất huyết tiêu hóa, BS nghi ngờ ruột non của anh H. có vấn đề nên nội soi thám sát. Trong lúc nội soi, ê-kíp BS phát hiện ổ giun hơn 30 con bám trên niêm mạc ruột non của anh H., gây tổn thương một đoạn ruột non. Xung quanh ổ giun này, niêm mạc bị chảy nhiều máu. Đây cũng là nguyên nhân khiến anh H. suy kiệt suốt thời gian qua. 

Tương tự trường hợp anh H., một thời gian dài, bà C.K.N. (ở TP.HCM) thường đau bụng, mệt mỏi, biếng ăn, nằm suốt trên giường. Sau đó, bà N. đi tiêu phân đen, đau bụng âm ỉ, ăn uống kém dần. Người nhà cứ nghĩ bà bệnh thông thường nên mua thuốc đau bụng cho uống. Đến khi bà N. khó thở, người thân phát hiện đưa đến BV Quận 2 điều trị.

Lúc này, tình trạng bà N. đã suy kiệt, da xanh, nhợt nhạt, tay chân lạnh, choáng váng và thở mệt. Các BS tại Đơn vị chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật BV Quận 2 nhận thấy bà N. mất máu quá nặng, có thể đe dọa đến tính mạng nên lập tức hội chẩn với các BS Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực quyết định truyền hơn 1 lít máu, truyền dịch cứu bà.

Theo BS Võ Thị Thu Hà, Đơn vị chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật, khi bà N. qua cơn nguy hiểm, BS phát hiện bà N. bị suy tim, đái tháo đường týp 2, các xét nghiệm sơ bộ đều cho thấy bà mất máu rất nặng chưa rõ nguyên nhân. BS quyết định gây mê, nội soi đường tiêu hóa cho bà N. và phát hiện ở vùng tá tràng có rất nhiều giun móc, ổ giun hút máu khiến vết thương tại đây bị loét, chảy máu. Điều trị hơn 20 ngày, bà N. đã khỏe mạnh, da hồng hào, ăn uống ngon miệng, không còn đau bụng. 

Nhiễm giun móc, ít gặp nhưng rất nguy hiểm

Theo BS Hà, tuy hiện nay rất ít gặp trường hợp bệnh nhân nhiễm giun móc, nhưng vẫn còn người bệnh rơi vào nguy hiểm khi mắc phải. Thông thường, người bệnh ở độ tuổi trẻ và trung niên không chủ động tầm soát giun móc mà vô tình phát hiện khi khám bệnh khác. Bởi giun móc, giun mỏ không gây triệu chứng tức thì, không có biểu hiện bệnh rõ rệt, nhiều trường hợp bệnh tiến triển âm thầm gây mất máu mạn tính. Nguy hiểm ở chỗ cơ thể người bệnh lại dần thích nghi sự mất máu này, nên rất khó để nhận biết bệnh. Vì vậy, người bệnh thường bị suy kiệt do mất máu mà không biết.

Các loại giun này có răng hình bán nguyệt sắc bén, chúng ngoạm vào niêm mạc nơi ký sinh để hút máu. Trong khi hút máu, giun tiết ra chất chống đông làm cho máu nơi tổn thương chảy rỉ rả không dừng. Khi dịch chuyển qua nơi khác trong cơ thể, chúng lại hút máu và khiến chỗ này lại chảy máu. Cứ như thế gây nên tình trạng viêm loét, chảy máu liên tục. Giun móc còn tiết ra các chất ức chế sinh trưởng hồng cầu làm người bệnh mất máu kéo dài, thậm chí có thể tử vong.

Một trong những nguyên nhân gây nhiễm giun móc là tiếp xúc với ấu trùng sống trong phân, đất, cỏ… Chúng xâm nhập qua da hoặc đi vào cơ thể người khi ăn thức ăn, uống nước nhiễm ấu trùng. Khi vào cơ thể, ấu trùng phát triển rồi ký sinh ở nhiều cơ quan, nhẹ là chúng ẩn dưới da gây ngứa, đỏ ở nơi ký sinh, có thể phát hiện bằng mắt thường, nặng hơn gây chảy máu, mất máu. 

BS Hà cho biết, để phòng tránh nhiễm giun sán nói chung và giun móc nói riêng, người dân nên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ sáu tháng một lần. Người làm công việc trồng trọt, chăn nuôi hay thường xuyên tiếp xúc với đất, phân bón nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm, xét nghiệm giun. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI