Nhiều người nhập viện vì rượu bia quá độ ngày tết

21/02/2024 - 05:59

PNO - Kỳ nghỉ tết năm nay, tuy số ca tai nạn giao thông liên quan nồng độ cồn giảm mạnh nhưng những trường hợp bị biến chứng phải nhập viện do uống rượu bia vẫn không ít. Nhiều bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch, phải nằm hồi sức tích cực.

Ngộ độc cồn công nghiệp, viêm tụy cấp

Từ 30 tháng Chạp tới hết mùng 7 tết, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận 900 trường hợp. Trong đó, 145 ca là tai nạn nói chung. Ngoài ra, còn có 17 ca liên quan đến nồng độ cồn. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thụy Trang - Phụ trách Khoa Cấp cứu - cho biết: những ca phải nhập viện cấp cứu ghi nhận có nồng độ cồn thường trong bệnh cảnh như chấn thương do té ngã, xô xát, viêm dạ dày, viêm tụy, xơ gan dẫn tới hôn mê, thậm chí ngộ độc methanol (cồn công nghiệp).

Bác sĩ Nguyễn Thụy Trang thăm khám cho một bệnh nhân bị đau bụng vùng thượng vị dữ dội
Bác sĩ Nguyễn Thụy Trang thăm khám cho một bệnh nhân bị đau bụng vùng thượng vị dữ dội

Nặng nhất là bệnh nhân N.V.S. (54 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh). Ông S. có di chứng tai biến, tiền sử dùng rượu nhiều năm. Mùng 2 tết, ông đã uống rất nhiều rượu trong bữa cơm tối. Sau đó, ông lừ đừ, khó thở nên được người thân đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhà. Ông S. đã được đặt ống thở rồi chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất.

Kết quả xét nghiệm xác định chỉ số methanol trong máu ông S. là 83,35mg/100ml. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp và được điều trị bằng ethanol. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn cần phải nằm viện để theo dõi thêm. Trước ông S. có 1 trường hợp cũng ngộ độc methanol nhưng chưa hồi phục, đang điều trị tại Khoa Nội hô hấp.

Tính từ 30 tháng Chạp tới nay, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất ghi nhận 6 trường hợp bị viêm tụy cấp liên quan uống bia rượu phải nhập viện. Bên cạnh đó, còn rất nhiều trường hợp viêm tụy cấp nhẹ, sau khi được xử trí đã về điều trị ngoại trú.

Ông P.V.Đ. (ngụ quận Tân Bình) là trường hợp viêm tụy cấp do rượu bia điển hình. Từ khi nghỉ tết, ngày nào ông Đ. cũng uống bia rượu. Tới mùng 5 tết, sau bữa ăn trưa, ông đau bụng dữ dội ở vị trí thượng vị kèm ói nhiều. Ban đầu, ông tưởng rằng mình uống rượu nhiều nhưng không ăn nên bị đau dạ dày. Tuy nhiên, cơn đau vùng thượng vị này rất lạ, lan cả ra sau lưng. Không chịu nổi, ông đã đi khám ở bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển qua cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất.

Theo bác sĩ Nguyễn Thụy Trang, rượu bia quá độ là một trong những nguyên nhân làm hẹp ống dẫn lưu của tuyến tụy, khiến dịch tụy bị tắc nghẽn không lưu thông xuống ruột được. Chính điều này đã gây viêm tụy.

Rượu bia quá độ còn khiến dễ mất kiểm soát hành vi, dễ gây hấn, xô xát. Đêm mùng 2 tết, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận nam thanh niên L.X.H. (19 tuổi, ngụ quận Bình Tân) bị chấn thương vùng ngực, bụng do xô xát sau khi nhậu. Lúc nhập viện, nồng độ cồn trong máu của H. đo được là 102mg/100ml.

Bệnh nhân tỉnh nhưng nồng độ ô xy máu giảm, có vết thương ở ngực phải, gãy xương sườn, tràn máu và tràn khí màng phổi, gan có vết thương do vật sắc nhọn. Tính tới mùng 10 tết, tình trạng bệnh nhân vẫn chuyển biến phức tạp do vết thương ở gan bị nhiễm trùng. 

Xơ gan do rượu

Uống rượu bia quá độ trong thời gian dài dễ dẫn tới bệnh lý về gan. Ông Đ.P.H. (60 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đã được chẩn đoán viêm gan do rượu, nhưng trong những ngày tết vẫn tiếp tục uống rượu bia. Tối mùng 5 tết, ông bị đau tức hạ sườn phải dữ dội, nôn ra máu và được người nhà đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan do rượu, tĩnh mạch thực quản và dạ dày bị giãn gây xuất huyết tiêu hóa. Đây là biến chứng của tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa của bệnh xơ gan do rượu. Ở giai đoạn này, gan bị tổn thương nặng nề, không thể hồi phục.

Theo bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh - từ đầu kỳ nghỉ tết tới nay, lượng bệnh nhân tai nạn giao thông liên quan tới bia rượu giảm mạnh. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn ghi nhận 2 trường hợp xơ gan, 1 trường hợp viêm tụy cấp, vài trường hợp ói ra máu do loét dạ dày. Tất cả bệnh nhân này đều có tiền sử dùng nhiều bia rượu. Những người bị xơ gan do rượu phải nhập viện thường ở độ tuổi trên 50, uống bia rượu lâu năm. 

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, trong kỳ nghỉ tết 2024, bệnh viện chỉ ghi nhận 2 trường hợp tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu (giảm 16% so với cùng thời điểm năm 2023). 

Bác sĩ Nguyễn Thụy Trang nhận định, năm nay người dân đã có ý thức uống rượu bia thì không lái xe. Điều này thu được kết quả đáng mừng là số ca tai nạn giao thông do bia rượu giảm mạnh. Dù vậy, thói quen uống bia rượu quá độ vẫn còn rất phổ biến.

Bác sĩ khuyến cáo mức độ sử dụng an toàn đối với nam giới là dưới 2 đơn vị cồn/ngày (tương đương 150ml rượu vang hoặc ít hơn 2 lon bia). Nữ giới chỉ nên sử dụng bằng 50% mức độ an toàn khuyến nghị cho nam giới. Tác hại lâu dài của bia rượu là suy giảm chức năng gan, tổn thương cơ tim, tăng huyết áp, gia tăng nguy cơ ung thư (vú, đại trực tràng, gan, vòm họng…).

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI