Nhiều người lớn bị tự kỷ mà không hay biết

20/02/2025 - 14:19

PNO - Khi nói đến chứng tự kỷ, người ta vẫn nghĩ đối tượng chính là trẻ em. Tuy nhiên, các chuyên gia y khoa cho biết, người lớn cũng bị, nhưng ít được chú ý.

Tình trạng tự kỷ ở người lớn ít được chú ý đến. Ảnh minh họa bởi  Laurène Boglio
Tình trạng tự kỷ ở người lớn ít được chú ý đến. Ảnh minh họa bởi Laurène Boglio

Elisa Miker - một nữ doanh nhân tại Hoa Kỳ - cho biết cô thường không có ý thức gì về các chuẩn mực xã hội. Cô có những thói quen của mình và ít giao tiếp. Ban đầu, cô nghĩ đó là tính cách. Cho đến khi vài năm trước, cô được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, ngay sau khi cô con gái của cô cũng mắc chứng bệnh tương tự.

“Nếu cuộc sống của bạn luôn hỗn loạn, không thoải mái, không thấy phát triển và chỉ cảm thấy mình liên tục phải tồn tại và chuyển từ việc này sang việc khác, thì tôi khuyến khích mọi người đi khám bệnh" - người phụ nữ 33 tuổi này chia sẻ.

Các dấu hiệu phổ biến của chứng tự kỷ bao gồm khó khăn trong giao tiếp xã hội và tập trung vào một số thói quen hoặc chủ đề nhất định... Những vấn đề này có thể không được chú ý trong suốt thời thơ ấu của một người.

Nhưng so với trẻ nhỏ, người lớn ít được chẩn đoán tự kỷ bởi ít được chú trọng hoặc do thiếu các chuyên gia y tế được đào tạo để làm việc cụ thể với người lớn.

Rối loạn phổ tự kỷ là một loạt các khó khăn về trí tuệ, ngôn ngữ và xã hội, như tuân theo thói quen một cách cứng nhắc, có sở thích cố định hoặc ám ảnh hay khó khăn trong việc duy trì giao tiếp bằng mắt, hoặc hiểu giao tiếp phi ngôn ngữ.

Tự kỷ thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu, và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả trẻ em nên được sàng lọc sớm nhất là sau 18 tháng.

Nhiều người lớn cũng đã tìm hiểu sâu hơn về sự đa dạng thần kinh của chính họ - thường là sau khi con cái họ được chẩn đoán hoặc sau khi xem các bài đăng trên mạng xã hội và nhìn lại chính mình.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2024 trên JAMA Network Open cho thấy tỷ lệ chẩn đoán tự kỷ ở người lớn từ 26 đến 34 tuổi tăng 452% từ năm 2011 đến năm 2022. Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2021 tại Vương quốc Anh phát hiện ra rằng từ năm 1998 đến năm 2018, số ca chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đã tăng 787%.

Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này có thể là do tỷ lệ mắc bệnh tăng lên. Tỷ lệ chẩn đoán gia tăng ở người lớn, phụ nữ và những người có chức năng cao cho thấy khả năng nhận dạng tăng cường là nền tảng cho những thay đổi này.

Một số đặc điểm của chứng tự kỷ có thể không được chú ý cho đến khi trưởng thành, hoặc có thể được che giấu một số hành vi nhất định. "Người lớn biết học cách bù đắp theo thời gian", Whitney Ence - một nhà tâm lý học tại Đại học California San Francisco, người làm việc với những người lớn mắc chứng tự kỷ - cho biết.

Ngoài ra còn có sự chồng chéo các triệu chứng giữa các rối loạn khác nhau, hội chứng tâm lý khác, có thể làm phức tạp thêm việc chẩn đoán chứng tự kỷ ở người lớn. Tiến sĩ Arthur Westover - bác sĩ tâm thần chuyên về chứng tự kỷ tại Trung tâm Y tế Tây Nam của Đại học Texas - cho biết.

“Tuy nhiên, bạn đừng quá lo ngại hoặc bị nhầm lẫn. Là con người, ai cũng có thói quen, có những niềm vui riêng... khi bạn thích có một chút niềm vui và cảm thấy tốt hơn với thói quen đó, thì không có nghĩa là bạn bị tự kỷ. Tự kỷ còn khác hơn thế nữa" - Westover nói.

Mặc dù có nhiều công cụ sàng lọc trực tuyến, chứng tự kỷ là một chẩn đoán phức tạp. Việc chẩn đoán chứng tự kỷ khi trưởng thành càng tốn kém và mất một thời gian hơn. Westover cho biết tình trạng thiếu hụt lớn các chuyên gia làm việc với người lớn mắc chứng tự kỷ, cũng khiến cho tình trạng bệnh này của người lớn không được để ý đến.

Tiến sĩ Arthur Westover cho biết, nếu bạn nghi ngờ mình bị chứng tự kỷ thì nên đến khoa tâm thần hoặc tìm nhà tâm lý học. Ở đó, bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ phỏng vấn bạn về quá trình trải qua từ nhỏ, rồi gia đình, bạn bè... Họ có thể cung cấp cho bạn một bài kiểm tra chẩn đoán tự kỷ chuẩn hóa, hoặc sẽ sử dụng phán đoán lâm sàng của riêng họ, bởi hiện nay, không có quét não hoặc xét nghiệm máu để phát hiện tự kỷ.

Trọng Trí (theo Euronews, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI