Nhiều người lao động phải vay với lãi suất hơn 100%

20/04/2023 - 19:09

PNO - Tại tọa đàm “Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 20/4, các chuyên gia cho rằng do hoạt động cho vay quá dễ dãi, cho vay lãi suất cao... khiến người vay không có khả năng trả nợ - nguyên nhân dẫn đến nhiều hình thức đòi nợ “phản cảm”.

Bà Vũ Thế Vân - Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TPHCM (Hepza) - cho biết, trải qua 2 năm dịch COVID-19, công nhân hiện vẫn gặp khó khi các doanh nghiệp giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất. Tổng thu nhập của công nhân chỉ dao động từ 5,5 - 15 triệu đồng/tháng (tùy vị trí, thâm niên) trong khi chi phí nhà trọ, học hành cho con cái... nhiều nên nhu cầu vay vốn trang trải cuộc sống rất cấp thiết.

Hiện mới chỉ có 170.000 trong tổng số 300.000 công nhân thuộc công đoàn vay được tại CEP (tổ chức tài chính vi mô). Hàng trăm ngàn lao động khác khi cần tiền đều phải vay mượn từ bên ngoài với lãi suất cao, thậm chí là tìm đến tín dụng đen.

Một trụ sở cho vay qua ứng dụng tại quận Q.4, TPHCM bị cơ quan chức năng kiểm tra
Một trụ sở cho vay qua ứng dụng tại quận 4, TPHCM bị cơ quan chức năng kiểm tra

Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, người lao động có thu nhập thấp nhưng đang phải vay với lãi rất cao. Ngay cả gói cho vay mua nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng hỗ trợ, người lao động chưa tiếp cận được.

"Các tổ chức, ngân hàng nên cân đối các hình thức, lãi suất, để mang đúng tinh thần của chính sách hỗ trợ cho người lao động trong lúc khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch của người lao động trong xã hội" - bà Trân đề xuất. 

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam có quy định lãi suất cho vay trên 20% là không hợp pháp song thực tế chưa có biện pháp, kế hoạch nào để kiểm soát hoạt động cho vay nặng lãi. Cũng do áp dụng luật chưa chặt chẽ nên lãi suất tín dụng tiêu dùng lên tới 20-30%; các tiệm cầm đồ, tín dụng đen còn tính lãi cao hơn rất nhiều, có thể lên đến vài trăm %.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho hay khi vay tiền, công nhân luôn mong muốn trả được nợ, không ai muốn trở thành nợ xấu vì sau này rất khó vay. Sở dĩ người dân, công nhân không trả nổi nợ, bị các đối tượng đòi nợ thuê khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự… là do lãi suất vay quá cao, thu nhập lại giảm, vượt quá khả năng trả nợ của họ. 

Theo thạc sĩ, luật sư Phạm Văn Đức (Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm), có tình trạng tín dụng đen lôi kéo sinh viên, người nghèo thiếu hiểu biết hứa cho vay với lãi suất 0% nhưng thực chất lãi suất lên đến hơn 100%. Từ đó nảy sinh tình trạng nhiều người lên mạng lập nhóm vay tiền rồi xù nợ, bị các đối tượng cho vay đòi nợ một cách “phản cảm”.

Cũng có tình trạng các tổ chức tín dụng cho vay quá dễ dãi nên dẫn đến khó đòi nợ. “Các công ty tài chính đã làm đúng luật chưa? Các công ty tài chính cần nâng cao nhiệm vụ thẩm định người vay, có tài sản đảm bảo và dòng tiền đi vay nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ” - luật sư Phạm Văn Đức nói. Để không xảy ra tình trạng thu hồi nợ “phản cảm” như các vụ việc xảy ra vừa qua, theo các chuyên gia cần phải dẹp bỏ tín dụng đen.

“Cá nhân quảng cáo đầy trên cột điện, tại sao chúng ta không dẹp bỏ tình trạng này? Theo quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng tối đa 20% nhưng nếu hợp đồng không ghi lãi suất hoặc lãi suất quá cao lên 60-70% thì người đi vay nên yêu cầu giải thích rõ ràng. Các tổ chức tín dụng nên giảm bớt tiền lãi, công bố rõ lãi suất cho người vay để hạn chế nhũng nhiễu. Nếu khách vay bị nợ xấu, tổ chức tín dụng bán nợ cho một công ty đòi nợ thì phải đảm bảo làm sao đơn vị đòi nợ đó phải có người đòi nợ chuyên nghiệp, có năng lực, đạo đức…” - luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) kiến nghị.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI