Nhiều người không biết đang nợ thuế thu nhập cá nhân

12/04/2024 - 07:34

PNO - Khoảng 3-4 năm trước, chị Minh Hạnh (quận Bình Tân, TPHCM) làm thêm, được trả 21 triệu đồng. Chị không biết rằng, mình có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế trên khoản thu nhập này. Gần đây, chị được cán bộ thuế liên hệ, yêu cầu làm thủ tục quyết toán nếu không muốn bị phạt về hành vi trốn thuế.

Giật mình khi nghe báo nợ thuế

Chị Minh Hạnh cho biết, chị làm việc cho văn phòng đại diện một cơ quan có trụ sở chính ở TP Hà Nội. Cách đây 4 tháng, chị nhận được cuộc gọi từ một cán bộ của Tổng cục Thuế, thông báo về 2 khoản thu nhập bên ngoài mà chị không khai với cơ quan thuế để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Vị cán bộ thuế này yêu cầu chị làm thủ tục quyết toán thuế; nếu không, cơ quan thuế sẽ gửi giấy phạt về hành vi trốn thuế. Tổng số tiền thuế mà chị Hạnh nợ là 1,6 triệu đồng, sau 3 tháng quá hạn nộp thuế, chị phải nộp thêm phí phạt 0,03%/ngày, tương đương 10,8%/năm.

“Thấy việc ra Hà Nội tốn kém, tôi nhờ các công ty dịch vụ làm giúp tờ khai thuế, họ báo phí dịch vụ 6 triệu đồng. Sau đó, tôi tìm đến Cục Thuế TPHCM thì được hướng dẫn khai thuế online nhưng tôi cũng không biết phải khai như thế nào cho đúng nên phải nhờ bạn bè làm nghề kế toán hỗ trợ. Mãi đến tháng 1/2024, tôi mới hoàn thành thủ tục khai và nộp thuế” - chị Hạnh kể.

Người lao động làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Chi cục Thuế quận Bình Tân, TPHCM
Người lao động làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Chi cục Thuế quận 6, TPHCM

Chị Ngọc Nhàn - giảng viên một trường đại học lớn ở TPHCM - cũng vừa được cơ quan thuế thông báo nợ thuế từ năm 2021 đến năm 2023 với tổng nợ kèm tiền phạt khoảng 60 triệu đồng. Theo chị, ngoài thu nhập từ việc giảng dạy ở trường mình, chị còn có nguồn thu nhập khác từ việc thỉnh giảng, làm công trình nghiên cứu. Chị Nhàn nghĩ các đơn vị chi trả tiền cho chị đã khấu trừ thuế TNCN 10% là xong. Nhưng sau đó chị mới biết, do chị có ký hợp đồng khoán với bên thứ hai, thứ ba, tổng thu nhập của chị khá cao nên mỗi cuối năm, chị phải tổng hợp tất cả nguồn thu nhập để tính thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Theo chị Nhàn, rất nhiều giảng viên ở trường chị và các trường khác bị truy thu thuế TNCN. Có trường hợp nợ thuế và tiền phạt chậm nộp thuế trong 5-6 năm qua gần 500 triệu đồng.

Cơ quan thuế cũng có lỗi

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TPHCM - cho biết: theo Thông tư 111/2013 (về khấu trừ thuế TNCN), đối với người có thu nhập từ nhiều nơi, cách thu thuế TNCN khác nhau tùy theo hình thức hợp đồng. Nếu người lao động có ký hợp đồng với công ty A từ 3 tháng trở lên thì tính thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế suất từ 5 - 35% theo mức thu nhập từ 5 đến trên 80 triệu đồng/tháng). Nếu người lao động có thêm thu nhập với công ty B, có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng thì cũng tính thuế TNCN lũy tiến từng phần; nếu ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng thì có 2 trường hợp: mức lương dưới 2 triệu đồng/lần hoặc tháng thì không khấu trừ thuế TNCN, nếu mức lương từ 2 triệu đồng/lần hoặc tháng thì phải khấu trừ thuế TNCN 10%.

Ông Nguyễn Thái Sơn phân tích: chị Minh Hạnh có thu nhập từ 2 triệu đồng/lần hoặc tháng nên theo quy định, phải khấu trừ thuế TNCN 10%. Giảng viên Ngọc Nhàn có ký hợp đồng lao động với bên thứ hai từ 3 tháng trở lên nên phải tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần, số tiền mà các bên khấu trừ 10% chỉ là tạm tính. Do đó, đúng theo quy định thì mỗi cuối năm, chị Ngọc Nhàn phải tổng hợp các nguồn thu nhập để quyết toán thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Người có nghĩa vụ nộp thuế phải tự khai, tự chịu trách nhiệm với những gì mình đã khai. Nếu hậu kiểm phát hiện người đó không khai, không nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ truy thu và phạt.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TPHCM - thông tin, có khá nhiều người làm công ăn lương đang bị truy thu thuế TNCN từ nhiều năm về trước. Đó là do nhiều người nghĩ số tiền nhận được từ nơi này nơi kia không đáng bao nhiêu nên không cần phải đóng thuế TNCN hoặc ngành thuế không thể nào biết được để truy thu. Không ít trường hợp nợ thuế cộng tiền phạt lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo ông, lỗi trong chuyện này là do sự hiểu biết về nghĩa vụ quyết toán thuế TNCN của người dân còn hạn chế, nhưng cũng do cơ quan thuế chưa tuyên truyền đủ để người dân biết. Do đó, cơ quan thuế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nghĩa vụ thuế. Cuối năm, cơ quan thuế có thể gửi thông báo qua email, điện thoại nhắc nhở người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình.
“Không phải cứ có 2 nguồn thu nhập là phải khấu trừ thuế TNCN. Sau khi đã giảm trừ gia cảnh bản thân (11 triệu đồng/tháng) và người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng), tùy theo mức thu nhập còn lại mà có nghĩa vụ đóng thuế hay không. Mức thu nhập sau giảm trừ từ 5 triệu đồng đến trên 80 triệu đồng mới chịu thuế TNCN theo thuế suất từ 5 - 35%. Người lao động có từ 2 nguồn thu nhập trở lên nên tự làm phép tính, nếu thuộc trường hợp phải nộp thuế TNCN thì nên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình” - luật sư Nguyễn Đức Nghĩa nói.

Đã nghỉ việc, vẫn bị công ty cũ kê lương

Một độc giả là chị N.C. vừa phản ánh với Báo Phụ nữ TPHCM về việc chị đã nghỉ việc từ lâu nhưng trên ứng dụng tra cứu thông tin quyết toán thuế TNCN online, vẫn hiển thị thông tin công ty cũ trả lương cho chị 132 triệu đồng trong năm 2023.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho biết, có tình trạng công ty lấy hồ sơ của người lao động cũ hoặc hồ sơ đăng ký tuyển dụng trước đó để khai khống thu nhập chịu thuế nhằm trốn thuế. Đa phần người lao động chỉ vô tình biết mình có thu nhập từ công ty “lạ” thông qua ứng dụng tra cứu thông tin thuế TNCN hoặc khi có thông báo của ngành thuế. Khi gặp trường hợp này, người nộp thuế phải báo ngay cho cơ quan thuế, phải ký cam kết không có thu nhập từ công ty khai khống thuế. Sau đó, ngành thuế sẽ kiểm tra, xử lý doanh nghiệp khai khống này.

Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, việc công ty cũ vẫn khai khống khoản tiền trả cho chị C. sẽ gây phiền toái cho chị. Nếu tổng mức thu nhập từ công ty mới và công ty khai khống trong ngưỡng phải chịu thuế TNCN thì chị C. phải quyết toán thuế TNCN nhiều hơn. Trường hợp chị C. không biết khoản lương khống này, không quyết toán TNCN đầy đủ thì chị C. có thể bị phạt về hành vi chậm nộp thuế, trốn thuế.

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Thanh 13-04-2024 10:55:01

    Quá rắc rối đẩy rủi ro về người nộp thuế

  • Pham Duc Toan 12-04-2024 19:18:42

    Nổi ám ảnh của người đi làm công ăn lương
    Mình hưởng lợi được gì sau khi đã nộp thuế

  • Nico 12-04-2024 15:52:01

    Hiện tại doanh nghiệp toàn lấy CCCD để khai lập bảng lương, lên quyết toán thuế TNCN cuối năm, để làm chi phí. Nếu doanh nghiệp không trích lại 10 khi trả lương, thì vấn đề này sao người lao động biết. Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp, khi quyết toán thuế định kỳ, cơ quan thuế nên truy thu 10% lương thời vụ của DN, ai lại đi đòi người lao động.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI