Nhiều người 'dính bẫy' cầm cà vẹt giá cao

23/08/2017 - 07:51

PNO - Nhiều tiệm cầm đồ quảng cáo có dịch vụ cầm cà vẹt với số tiền từ 80 - 95% giá trị xe với lãi suất thấp, nhưng trên thực tế không ít người ngậm “quả đắng” từ hình thức cầm đồ này.

Hợp đồng “giả”, giá trị thật

Anh T.V.C. (22 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, cuối tháng 5/2017, do cần tiền, anh cầm cố chiếc xe máy. “Được bạn giới thiệu dịch vụ cầm cà vẹt xe máy có thể nhận số tiền tương đương 80-95% giá trị xe, tôi liên hệ ngay”, anh C. chia sẻ. Sau khi liên hệ điện thoại, anh C. được hẹn đến một cửa hàng cầm đồ tại Q.9, TP.HCM.

Tại đây, một người đàn ông xưng là chủ tiệm cầm đồ cho biết, cửa hàng chỉ nhận cầm cà vẹt xe đăng ký tại TP.HCM. Xe của C. đăng ký ở tỉnh, “muốn cầm, phải làm hợp đồng mua bán để hợp thức hóa việc thế chấp”.

Nhieu nguoi 'dinh bay' cam ca vet gia cao
Chị L. viết đơn nhờ luật sư trợ giúp pháp lý việc mình bị lừa cầm đồ nhưng thực chất là bán xe giá rẻ

Anh C. thuật lại: “Chiếc xe tôi mua gần 45 triệu đồng, sử dụng khoảng một năm, được cầm 22 triệu đồng. Chủ tiệm cầm đồ hướng dẫn tôi làm một giấy mua bán, đi công chứng. Sau đó, tiệm cầm đồ giữ cà vẹt rồi viết cho tôi một giấy cho thuê xe. Họ hứa, sau 15 ngày, tôi mang tiền đến thanh toán đủ cả gốc lẫn lãi thì sẽ hủy hợp đồng mua bán, nhận lại xe”.

Sau 15 ngày, anh C. đến tiệm cầm đồ lấy xe như thỏa thuận thì chủ tiệm yêu cầu anh phải trả gốc lẫn lãi 31 triệu đồng (tương đương mỗi ngày trả lãi 600.000 đồng). Nếu không đồng ý, chủ tiệm sẽ lấy lại xe vì “đã hết thời hạn cho thuê”.  “Không còn cách nào khác, tôi đành phải vay mượn để đủ tiền đóng cho họ. Vay 22 triệu mà mỗi ngày phải đóng đến 600.000 đồng là một hình thức cầm đồ lãi suất cắt cổ”, anh C. bức xúc.

Đầu tháng 8 vừa qua, chị N.T.A.L. (30 tuổi, quê Long An, tạm trú Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng phải tìm đến một văn phòng luật sư ở TP.HCM để nhờ trợ giúp pháp lý liên quan đến vụ việc “cầm đồ, mất xe”.

Theo chị L., đầu tháng 7/2018, vợ chồng chị mang cà vẹt xe máy đến một tiệm cầm đồ ở P.11 (Q.6, TP.HCM) cầm cố. Tại đây, chủ tiệm cầm đồ giả vờ “chê” xe chị L. cà vẹt ở tỉnh Long An nên không thể cầm giá cao. Để được cầm cố cà vẹt xe 15 triệu đồng, chị L. phải làm hợp đồng mua bán với người đàn ông tên N.V.V. (ngụ Q. Bình Tân), sau đó ông V. sẽ làm giấy cho chị L. thuê lại xe để “hợp thức hóa” việc giao xe, nhận tiền. Hai bên thỏa thuận, sau 15 ngày, chị L. trả đủ 11,2 triệu đồng (gồm 10 triệu tiền cầm đồ và 1,2 triệu tiền lãi), ông V. sẽ hủy hợp đồng mua bán, trả xe lại cho chị. 

Sau 15 ngày, chị L. tìm gặp ông V. trả tiền, nhận xe mới “tá hỏa” khi biết ông này đã bán xe của mình cho một người phụ nữ ở Q.6. Người này yêu cầu chị L. phải giao lại xe vì đã hết thời hạn cho thuê. 

Bát nháo dịch vụ, khó xử lý

Dịch vụ “cầm cà vẹt tương đương giá trị xe” đang nở rộ tại TP.HCM. Điều đáng nói, để được cầm cố tài sản, hầu hết khách hàng đều bị các chủ tiệm cầm đồ “gài” làm hợp đồng mua bán.

Chiều 14/8, chúng tôi liên hệ với số điện thoại 0973xxx834 được giới thiệu là của tiệm cầm đồ Q.H (Q.Gò Vấp). Biết chúng tôi đang có nhu cầu cầm xe máy biển số ở một tỉnh miền Trung, chủ tiệm cầm đồ ra điều kiện: “Xe biển số tỉnh anh không giữ giá cao được. Loại xe này cầm 10 triệu thì em phải làm hợp đồng mua bán với anh, đúng 15 ngày, em đến trả gốc lẫn lãi anh bỏ hợp đồng”.

Ngoài ra, người đàn ông còn cho biết, lãi suất vay 10 triệu là 170.000 đồng/ngày. Do đã có hợp đồng bán xe nên tiền này sẽ được “hợp thức hóa” bằng việc chủ tiệm cầm đồ sẽ viết cho chúng tôi giấy thuê xe với giá 170.000 đồng/ngày. Khi chúng tôi đặt vấn đề làm hợp đồng mua bán sẽ dễ gặp rủi ro thì ông này giải thích: “Hợp đồng bán xe chỉ là để hợp thức hóa thủ tục vay giá cao, xe em vẫn giữ thì ai có thể lấy được. Bây giờ vay giá cao chỉ có cách vậy thôi”. Tương tự, chúng tôi gọi điện vào số điện thoại 0918xxx566 cũng được hướng dẫn cầm cà vẹt xe với cách làm hợp đồng 
mua bán...

Nhieu nguoi 'dinh bay' cam ca vet gia cao
Một tờ rơi quảng cáo cầm cà vẹt xe máy bằng 90% giá trị xe

Trao đổi với chúng tôi về hình thức cầm cố tài sản nói trên, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, một số tiệm cầm đồ quảng cáo “cầm cà vẹt xe giá cao”, yêu cầu làm hợp đồng mua bán, thực chất đó là hình thức cho vay lãi cao.

“Việc làm hợp đồng mua bán, thật ra là hợp đồng giả, che giấu một giao dịch bất hợp pháp khác. Khi có bằng chứng, cơ quan chức năng sẽ hủy bỏ các giao dịch. Hậu quả của các giao dịch vô hiệu là các bên hoàn lại cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi phải bồi thường. Tuy nhiên, khi đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết, chủ tiệm cầm đồ sẽ lấy cớ là khách bán xe cho họ, có hợp đồng mua bán, có công chứng” - luật sư Hùng phân tích.

Đại diện các văn phòng luật sư cho biết, không chỉ mất xe, tài sản, thời gian gần đây rất nhiều người bị mất nhà, mất đất vì cách làm hợp đồng mua bán “giả mà thật” như trên. Sở dĩ hình thức này tồn tại, nhiều nạn nhân sập bẫy lừa là xuất phát từ mong muốn cầm đồ, vay tiền nhanh, tránh các thủ tục phiền hà.

Luật sư Hùng tư vấn: “Khi cầm đồ, không tin lời dụ dỗ của chủ tiệm làm giấy mua bán, giấy ủy quyền để được cầm cố giá cao vì hình thức này rất nhiều rủi ro. Trong trường hợp bất khả kháng, buộc phải vay tiền theo cách này, người dân nên yêu cầu chủ tiệm cầm đồ làm cam kết chỉ cầm đồ (hoặc vay tiền). Việc bán, ủy quyền chỉ là hình thức làm tin. Ngoài ra, người dân có thể ghi âm quá trình trao đổi để sau này nếu xảy ra tranh chấp thì được cơ quan có thẩm quyền bảo vệ”. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI