Các bệnh viện ghi nhận những bệnh nhân sốt xuất huyết là người cao tuổi có bệnh lý nền rất dễ trở nặng và nguy kịch. Đáng lưu ý là những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết trên người cao tuổi không điển hình nên khó nhận biết, dẫn tới nhập viện trễ.
Nhiều trường hợp tăng men gan, nhiễm trùng máu
Tại TPHCM, thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ghi nhận số trường hợp người lớn tuổi có bệnh lý nền bị nguy kịch khi mắc sốt xuất huyết (SXH) ngày càng tăng. Trong đó, có 1 trường hợp bị viêm não do siêu vi dengue.
Sáng 17/4, bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Ngọc Trung - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc người lớn của bệnh viện - cho biết đang điều trị cho một bệnh nhân cao tuổi có nhiều bệnh lý nền bị biến chứng bởi bệnh SXH nghiêm trọng. Đó là ông P.V.M. - 70 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân - bị suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Mãi tới ngày thứ tư của bệnh SXH bệnh nhân mới được người nhà đưa tới bệnh viện. Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy thận của bệnh nhân đang có tổn thương nghiêm trọng. Trên da bệnh nhân có những đốm xuất huyết nhưng hình thái không rõ ràng, rất dễ nhầm lẫn với tình trạng vỡ thành mạch máu ở người lớn tuổi.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Vân Anh - Trưởng khoa Nội nhiễm Bệnh viện Thống Nhất - cũng cho biết thời gian gần đây, những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý nền khi mắc SXH rất dễ chuyển biến viêm gan cấp và nhiễm trùng máu. Điều đặc biệt là các chỉ số men gan của những bệnh nhân này rất cao, men gan tăng trên 1.000.
Đa số bệnh nhân SXH có tăng men gan cũng chỉ ở mức 100-200. Men gan tăng cao không được phát hiện và điều trị kịp thời rất nguy hiểm, bệnh nhân sẽ bị suy gan cấp, dễ rơi vào trạng thái hôn mê. Ước tính, cứ 10 ca SXH nhập viện thì có 2 ca men gan tăng cao trên 1.000.
Như trường hợp bà Đ.K.T. - 60 tuổi, ngụ tại quận 12 - nhập Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng sốt cao, ói nhiều, đau hạ sườn phải, xuất huyết âm đạo. Bệnh nhân được chẩn đoán bị SXH ngày thứ năm. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số men gan của bà T. cao trên 1.000.
Song song với điều trị triệu chứng của SXH, bệnh nhân đã được xử trí theo phác đồ của trường hợp viêm gan cấp, tránh dùng các thuốc làm tổn thương thêm cho gan. Sau 1 tuần tích cực can thiệp, bà T. đã hồi phục và xuất viện.
Một trường hợp nữa là bà P.T.D. - 72 tuổi, ngụ tại tỉnh Bến Tre - được con đưa tới Bệnh viện Thống Nhất vào ngày thứ sáu của bệnh SXH. Gia đình biết bệnh nhân mắc SXH và tự theo dõi tại nhà. Sau cả tuần, thấy bà D. vẫn không hết sốt nên mới đưa đi bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số hồng cầu của bệnh nhân giảm nhưng yếu tố viêm lại gia tăng. Bà D. được xác định bị nhiễm trùng máu, yêu cầu nhập viện truyền kháng sinh đường tĩnh mạch. Nếu nhập viện chậm trễ, tình trạng nhiễm trùng máu có thể khiến bệnh nhân tử vong. Được biết bà D. có bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
|
Bác sĩ Trương Ngọc Trung (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) khám cho bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền suy thận mạn bị biến chứng trở nặng do sốt xuất huyết |
Dự báo bệnh sẽ bùng phát vào đầu mùa mưa
Ngày 16/4, có 2 trường hợp người cao tuổi có bệnh lý nền mắc SXH chuyển biến nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Hùng - Trưởng khoa Truyền nhiễm của bệnh viện - cho biết 2 bệnh nhân này là nam giới, trên 70 tuổi, đều có bệnh lý tim mạch và đã được đặt stent mạch vành.
Tiên lượng diễn tiến của 2 ca bệnh trên khá dè dặt. Sở dĩ như vậy vì các bệnh nhân đang phải dùng thuốc chống đông máu (tránh làm tắc stent). Thế nhưng, khi mắc SXH sẽ làm cho tiểu cầu giảm, từ đó dẫn tới nguy cơ dễ bị xuất huyết não.
Theo bác sĩ Trương Ngọc Trung, ở người lớn tuổi, biểu hiện SXH không rõ ràng như người trẻ. Thống kê cho thấy từ 5 - 10% người cao tuổi mắc SXH không sốt mà chỉ chán ăn, mệt mỏi, đau nhức cơ. Dấu hiệu ban đầu mờ nhạt dẫn tới người bệnh, thân nhân lơ là, tiếp cận điều trị y tế chậm trễ. Tất cả bệnh nền đều có nguy cơ khó kiểm soát hơn khi bệnh nhân mắc bệnh SXH.
Việc điều trị SXH cho người cao tuổi mắc bệnh lý nền không hề đơn giản. Chẳng hạn đối với bệnh nhân suy thận mạn, truyền dịch không đúng thời điểm có thể khiến thận không thoát được nước gây ứ nước và phù phổi. Hay đối với người có bệnh tim mạch, khi truyền nước, bù dịch rất dễ gây thêm gánh nặng cho tim…
Bác sĩ Trần Thị Vân Anh cũng lưu ý, những bệnh nhân cao tuổi đang mắc bệnh suy thận mạn cần hết sức cẩn thận khi bị SXH. Cơ chế của bệnh SXH làm thoát huyết tương nên dẫn tới giảm tưới máu cho thận, khiến tổn thương ở thận càng thêm nặng nề.
Các bác sĩ khuyến cáo, do biểu hiện SXH ở người lớn tuổi không điển hình nên người thân cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân có một trong các dấu hiệu sốt từ 2 ngày, sốt kéo dài, nôn ói, chán ăn, mệt mỏi thì cần đưa đi khám ngay.
Theo bác sĩ Võ Thanh Hùng, ghi nhận tại bệnh viện cho thấy dường như bệnh SXH bây giờ không còn theo mùa nữa mà xảy ra tất cả các ngày trong năm.
Còn bác sĩ Trương Ngọc Trung nhận định theo kinh nghiệm nhiều năm của mình thì bệnh SXH thường có chu kỳ 3-4 năm lại bùng phát một lần. Nếu đúng như chu kỳ tự nhiên thì thời điểm này dịch SXH phải đang ở đáy và không có ca bệnh. Thế nhưng, hiện nay các bệnh viện vẫn tiếp nhận các ca bệnh SXH. Điều này cho thấy rằng bệnh đang tồn tại mầm mống trong cộng đồng, khi tới đầu mùa mưa sẽ bùng phát mạnh.
Thêm một điểm đáng lưu ý, Việt Nam đã xuất hiện ca bệnh SXH dengue type 3. Trong cộng đồng, người dân chủ yếu mắc SXH dengue type 1, 2 và 4 (đã có miễn dịch với các type này).
Tuy nhiên, nếu SXH dengue tupe 3 bùng phát thì sẽ khá nghiêm trọng, bởi chưa có miễn dịch cộng đồng với type vi rút mới này. Khi bệnh bùng phát, người lớn tuổi mắc bệnh nền sẽ là nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Thanh Huyền