PNO - Từ ngày mùng Một tết tới nay, khá nhiều trường hợp là người cao tuổi gặp sự cố bất ngờ khi tiệc tùng cùng con cháu dẫn tới phải nhập viện cấp cứu.
Gần như tết năm nào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng tiếp nhận các trường hợp người cao tuổi bị hóc nghẹn. Năm nay, bác sĩ chuyên khoa I Tăng Tuấn Phong, công tác tại khoa này, cho biết, vào mùng Hai tết, cụ ông N.C.N., sinh năm 1929, ngụ P.5, Q.Tân Bình, được con cháu đưa tới bệnh viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp. Theo gia đình, cụ N. đang ăn bánh giò thì bị nghẹn. Ngay lập tức, ê-kíp trực cấp cứu đã phải đặt nội khí quản để cứu sống bệnh nhân.
Đây không phải trường hợp người cao tuổi duy nhất mà bác sĩ Tăng Tuấn Phong ghi nhận bị nghẹn thức ăn trong những ngày tết. Các bệnh nhân còn hay bị hóc nghẹn bánh chưng, bánh dày, xôi. Theo bác sĩ Tăng Tuấn Phong, sở dĩ xảy ra tình trạng các cụ già bị hóc nghẹn ngày tết là do đặc thù của những món ăn dịp này có tính kết dính rất cao. Phản xạ nuốt của người già chậm, đặc biệt là những cụ đã từng bị tai biến thì chức năng nhai nuốt bị ảnh hưởng nhiều. Tâm lý của các cụ thấy con cháu bận rộn, ngại làm phiền, vì thế khi được con cháu đút cho ăn thì cố gắng nuốt nhanh hơn. Bên cạnh đó, tai nạn còn hay xảy ra vì trong bữa cơm ngày tết được gặp con cháu sum vầy rất vui, mọi người vừa ăn vừa cười đùa, nguy cơ bị sặc cao hơn bình thường.
Một số gia đình chia sẻ với bác sĩ, ngày thường, nhà có người giúp việc nên chăm chút cha mẹ già kỹ hơn, nấu những món riêng cho các cụ. Thế nhưng, vào dịp tết, người giúp việc nghỉ về quê, nhà neo người không nấu nướng được nhiều. Vì thế, ông bà ăn những món chung cùng với gia đình như bánh chưng, xôi… là món cổ truyền ngày tết nhà nào cũng có.
Người già dễ gặp sự cố trong sinh hoạt, ăn uống
Theo điều dưỡng Phạm Văn Tưởng, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ ngày 29 tết tới nay, bệnh viện mình tiếp nhận ít nhất 10 ca là người cao tuổi gặp các tai nạn sinh hoạt liên quan tới ăn uống, tiệc tùng. 14g mùng Một tết, cụ ông P.T.D., 85 tuổi, ngụ P.Bình Trưng Tây, được con cháu đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng có dị vật mắc trong cổ họng gây đau rát, không nuốt và nói chuyện được. Con trai của cụ D. cho biết gia đình cúng cơm và bắt đầu ăn lúc 11g. Ngay lúc đó, ba của anh bị hóc xương cá. Mọi người đã thử cho cụ nuốt miếng xôi nếp với hy vọng xôi dẻo, dính sẽ cuốn theo cả xương cá trôi đi. Thế nhưng, hai tiếng sau, tình trạng hóc xương không thuyên giảm, người thân đành phải đưa cụ ông đi cấp cứu. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện cụ bị hóc tận hai chiếc xương cá, bệnh nhân đã được nội soi gắp dị vật ra kịp thời.
Cũng vào mùng Một tết, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã tiếp nhận cụ bà P.T.H., 70 tuổi, với vết dao cắt rất sâu ở vị trí đầu ngón trỏ của bàn tay trái. Tai nạn xảy ra khi cụ cùng con cháu làm cơm cúng ông bà. Trong lúc cắt thịt, bà cụ chẳng may cắt luôn vào ngón tay mình. Rất may mắn, nhát dao cứa tuy sâu nhưng chưa làm tổn hại tới gân và cơ. Các bác sĩ đã khâu lại vết thương cho cụ H.
Ngoài ra, từ ngày mùng Một tết tới nay, Bệnh viện Lê Văn Thịnh liên tục ghi nhận các trường hợp người cao tuổi bị đau bụng tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Sáng mùng Tám tết, cụ bà N.T.X. vừa được cấp cứu truyền nước, cho uống thuốc làm giảm bớt nhu động ruột… Theo lời kể của con gái cụ X., mẹ mình bị đau bụng tiêu chảy từ mùng Năm tết, tự điều trị ở nhà không thuyên giảm. Ba ngày sau, thấy bà mệt lả, đi không vững nên cả nhà phải đưa cụ đi cấp cứu.
Bác sĩ Tăng Tuấn Phong - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - đang khám điều trị cho một người cao tuổi bị ngộ độc thực phẩm trong dịp tết
Cần phòng tránh và sơ cứu đúng cách
Theo bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ở người cao tuổi, tất cả chức năng hoạt động của cơ thể đều suy giảm, tiêu hóa cũng kém hơn hồi trẻ rất nhiều. Bữa cơm ngày tết toàn món khó tiêu, dầu mỡ. Thói quen của chúng ta thường nấu rất nhiều đồ ăn trong những ngày tết với quan niệm làm như vậy cả năm sẽ sung túc, no đủ. Đồ ăn nhiều quá thì sẽ phải hâm đi hâm lại, người già khi ăn rất dễ rối loạn tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy. Lúc ăn, mọi người lại hay cười nói, nhai không kỹ nên chuyện hóc thức ăn rất dễ xảy ra. Khi con cháu cho các cụ ăn những món cá, gà thì cần gỡ xương thật kỹ lưỡng. Nếu chẳng may bị hóc xương, mọi người tuyệt đối không móc họng, hoặc cho nuốt cơm, xôi, trái cây để chữa. Làm như vậy vô tình khiến tình trạng mắc nghẹn càng thêm trầm trọng. Hãy súc miệng bằng nước vài lần, nếu chưa khỏi thì lập tức đưa nạn nhân tới bệnh viện.
Liên quan tới các trường hợp cụ già bị hóc nghẹn trong dịp tết Nguyên đán, bác sĩ Tăng Tuấn Phong cũng cảnh báo gia đình nên hạn chế cho người cao tuổi ăn những món truyền thống như bánh chưng, xôi, bánh dày, bánh giò hoặc các món có độ kết dính cao tương tự. Nếu chẳng may xảy ra hóc nghẹn thì việc đầu tiên là phải sơ cứu rồi mới đưa tới bệnh viện. Với người lớn bị nghẹn, ta hãy đứng ở phía sau lưng, vòng tay ra trước, hai bàn tay nắm lại với nhau và một bàn tay nắm lại thành nắm đấm, ngón cái nhấn vào vị trí trên rốn và dưới xương ức của nạn nhân. Tiếp đến, thúc nhanh và mạnh vào bụng của nạn nhân từ dưới lên và về phía sau nhiều lần cho tới khi dị vật văng ra ngoài. Sơ cứu đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu sống nạn nhân.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.