PNO - Suốt quãng thời gian có mặt ở xã Kim Thượng (H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), tôi chứng kiến những xáo động, nghe những buốt xót, thảng thốt và lo âu của bà con.
Tôi không khỏi không nhớ đến những náo loạn vì HIV ở một miền quê nghèo khác cũng của tỉnh Phú Thọ - xã Tiên Lương, H.Cẩm Khê. Cách nhau gần 15 năm, nhưng dường như chuyện của Kim Thượng ngày hôm nay là sự “lặp lại của lịch sử” Tiên Lương.
Chỉ khác là Tiên Lương ngày ấy xác định rõ được nguyên nhân là cánh đàn ông trong xã kéo nhau đi làm than thổ phỉ, ăn chơi trác táng rồi về nhà lây bệnh cho vợ, cho con. Còn Kim Thượng hôm nay, nguyên nhân lây nhiễm từ đâu vẫn là dấu hỏi mịt mờ.
Bên những bếp lửa và trong nếp nhà yên bình ở Kim Thượng những ngày này là những phấp phỏng lo âu, sợ hãi
Lịch sử lặp lại
Mười lăm năm trước, xã Tiên Lương (H.Cẩm Khê) cũng xảy ra thảm trạng tương tự: nhiều đứa trẻ nhiễm bệnh rồi vĩnh viễn ra đi. Những người phụ nữ ngoài đôi mươi đã góa chồng và cùng mang trong người vi-rút HIV. Những năm ấy, Tiên Lương như là một “quả bom” về thảm trạng HIV/AIDS. Nhà ông Trần Văn S. (ở xóm 3) ngày ấy có đến sáu người nhiễm HIV (trong tổng số 15 người bị HIV của xóm 3). Sau những cái chết đau đớn, những khốn khổ của người còn sống; Tiên Lương đã phát hiện có trên 30 người nhiễm HIV. Và bây giờ, sau 15 năm là câu chuyện lặp lại của Kim Thượng.
Cách Hà Nội khoảng 130km, Kim Thượng là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tân Sơn. Sau những đợt mưa lũ tháng Bảy, đường vào xóm Chiềng 3, nhiều đoạn vẫn ngập dưới nước. Những mái nhà sàn lợp fibrô xi măng xám ngoét, tựa lưng vào sườn đồi. Khắp xã là những gương mặt lo âu, nụ cười chỉ thấy được trên gương mặt đám trẻ. Trong ngôi nhà mới xây còn chưa hoàn thiện, chị Phùng Thị Đ. ẵm con mà nét mặt cứ bần thần. Thấy nhà có khách, cháu Q. (18 tháng tuổi, con gái út của chị) ngơ ngác một lúc rồi bập bẹ “ạ, tô (cháu đang học nói nên ngọng nghịu gọi “cô” là “tô”)”.
Mỗi lúc cháu Q. lẫm chẫm bước chân, ê a “bà bà”, “mẹ mẹ” là chị Đ. lại ứa nước mắt. Nắm cánh tay bé xíu và cẳng chân đầy vết lở cũ, mới của con, chị Đ. gạt nước mắt bảo: “Gia đình tôi vẫn chưa dám tin vào sự thật này”. Từ lúc Q. được 5-6 tháng tuổi, chị Đ. đã thấy cháu không được khỏe mạnh như những đứa trẻ cùng lứa. Mấy tháng nay, thấy chân tay cháu có nhiều vết lở, chị nghĩ cháu chỉ ngứa ngáy thông thường nên hay lấy lá về nấu nước tắm cho con. Nhưng những nốt ngứa không hết mà ngày càng dày hơn, sức khỏe của cháu cũng yếu đi. Chẳng ngờ, cháu lại mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”.
Bên nhà ông Hà Văn N., bà Trần Thị T. nằm bẹp, rúm ró như mèo hen, người gầy rộc. Ngày trước bà được 50kg, nhưng từ khi biết mình đã chuyển sang giai đoạn AIDS đến nay, mới ba tháng mà bà đã sút mất hơn 10kg. Gắng gượng lắm bà T. mới ngồi dậy được để trò chuyện với khách. Ông N. thì từ khi biết bệnh tình của vợ đã bỏ hẳn việc làm thợ xây dưới Hà Nội để về nhà chăm sóc vợ. Bà T. đau yếu, bây giờ ngày ba bữa ông N. phải ninh cháo thật nhuyễn thì bà mới ăn được.
Dù xóm giềng không xa lánh, họ hàng vẫn đến thăm hỏi động viên, mà bà T. vẫn chưa thể vượt qua cú sốc này. Cùng chuyển bệnh sang giai đoạn AIDS như bà T., song sức khỏe của bà Hà Thị G. có phần tốt hơn, vẫn đi lại, nói chuyện và không quá bi quan. Ngưỡng tuổi 60, dường như việc chấp nhận sự thật đó có phần nhẹ nhàng hơn với bà. Bà nói: “Tôi đang uống thuốc ARV kháng vi-rút do bệnh viện cấp. Uống từ lúc biết bệnh là tháng 2/2018, đến nay tôi đã tăng được 5kg, ăn uống cũng tốt hơn nên sức khỏe khá lên rất rõ. Nói chung, tâm lý của cả tôi và gia đình đã ổn hơn trước rất nhiều”.
Bà G., bà T., cháu Q. là ba trong số sáu bệnh nhân được phát hiện nhiễm HIV kể từ tháng Hai đến tháng Sáu vừa qua. Sau con số đột ngột đó, Trung tâm Y tế H.Tân Sơn lên kế hoạch nghiên cứu đề tài bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm tại xã Kim Thượng. 490 người được lấy máu xét nghiệm, một lần nữa kết quả lại chấn động quê nghèo: tổng số người nhiễm HIV ở Kim Thượng đã lên đến 42.
Năm 2018, khi nhận được kết quả nhiễm HIV và trở về nhà, bà Hà Thị G. vẫn không có một chút hiểu biết nào về căn bệnh thế kỷ ấy
Bỗng dưng mang bệnh?
Ở Tiên Lương, hầu hết những người nhiễm HIV đều sống dưới một mái nhà. Nhưng Kim Thượng lại hoàn toàn khác: cả gia đình bà G. chỉ có bà nhiễm bệnh, chồng và hai người con của bà T. hoàn toàn khỏe mạnh. Cả cháu Q. bé bỏng, cha mẹ và anh trai cháu cũng không ai mắc HIV… Thế nên, khắp các thôn bản cứ nháo nhào. Riêng xóm Chiềng 3 tháng trước, hầu hết các gia đình đều được Trung tâm Y tế huyện lấy máu xét nghiệm. Ông Hà N.L. ngồi im như pho tượng, chốc chốc lại đưa tay ôm đầu. Ánh nhìn vô định, giọng nói đầy bất an: “Nhà tôi có hai vợ chồng, hai đứa con thì một đứa đi vắng nên chỉ lấy máu được ba người. Một đứa ở nhà đã có kết quả âm tính, nhưng vợ chồng tôi thì phải xuống huyện lấy máu để làm xét nghiệm lần hai. Đến hôm nay là ngày 15/8 vẫn chưa nhận được kết quả. Ngày nào vợ chồng tôi cũng như ngồi trên đống lửa, ra đường thỉnh thoảng còn có người kéo lại rỉ tai hỏi “vợ chồng ông dính HIV à?”.
Không riêng gì vợ chồng ông, nhiều người trong xóm cũng chung nỗi phấp phỏng, lo âu tương tự. Sáng sớm 15/8, bà con đã đội mưa, thuê cả chuyến xe 24 chỗ để xuống huyện, xuống cả Hà Nội để làm xét nghiệm. Bước thấp bước cao, giọng chị Hà Thị H. như lạc vào trận mưa mùa bão: “Hôm lấy máu, chồng tôi đi làm thuê dưới Hà Nội, đứa con gái thì sợ nên trốn mất. Chỉ mình tôi được làm xét nghiệm và nhận kết quả âm tính, tôi đang giục chồng về để cả gia đình cùng đi xét nghiệm. Dù kết quả thế nào cũng thấy… yên tâm hơn là phải sống trong lo sợ thế này”.
Chứng kiến những nỗi lo sợ của bà con xã Kim Thượng hôm nay, tôi cứ tự hỏi: 15 năm, y tế đã có những bước tiến dài, mà sao Kim Thượng vẫn lặp lại “quả bom HIV/AIDS” như Tiên Lương năm nào? Thậm chí nhức nhối hơn khi bà con chưa thể biết được mình lây nhiễm từ đâu. Còn chưa tìm ra được câu trả lời thì tôi đã giật mình trước lời chia sẻ thật thà của bà Hà Thị G.: “Khi nhận kết quả từ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, tôi chỉ biết là mình mắc bệnh HIV thôi chứ cũng không biết cụ thể HIV là gì, nên không thấy lo lắng hay sợ hãi. Về gặp bà con trong xóm, ai hỏi “kết quả khám thế nào” tôi đều trả lời là “tôi bị bệnh HIV”. Đến khi mấy đứa con trong nhà và mấy người hàng xóm hốt hoảng giải thích với tôi về HIV thì tôi mới hoang mang, sợ hãi”.
Theo thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Kim Thượng từ năm 2012 và mỗi năm đều phát hiện thêm một vài ca nhiễm mới. Vậy là sau gần 60 năm HIV/AIDS có mặt trong thế giới loài người, sau 28 năm xuất hiện ở Việt Nam, sau sáu năm có người Kim Thượng mắc bệnh vẫn có người chưa biết HIV là gì như bà G. Và liệu ở Kim Thượng chỉ có mình bà G., hay còn có thêm nhiều người khác nữa chưa từng biết gì về căn bệnh thế kỷ ấy? Chưa kể ngay xã Minh Đài cách Kim Thượng chỉ 10km, số người nhiễm HIV bên đó còn cao hơn (46 người), nhưng tại sao ở Minh Đài lại không xảy ra việc người dân bàng hoàng hay chấn động?
Tôi đã mang những điều nhức nhối từ Kim Thượng hỏi vị cán bộ phụ trách y tế của H.Tân Sơn, song vị này đã từ chối trả lời.
Các chuyên gia trong đoàn khảo sát của Bộ Y tế nhận định có thể trong thời gian tới, số ca nhiễm HIV tại địa phương này sẽ còn tiếp tục tăng bởi ngoài những người chủ động đi kiểm tra vẫn có những người dân không đồng ý làm xét nghiệm HIV. Chưa kể nhiều người vẫn đang trong “giai đoạn cửa sổ” nên chưa thể phát hiện tại thời điểm này.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.