Nhiều ngành hot khó tuyển sinh vì hướng nghiệp chưa tốt

16/08/2022 - 06:06

PNO - Trong khi cơ hội vào đại học ngày càng rộng mở với thí sinh thì trái lại, không ít trường lo khó tuyển sinh, nhất là các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, nông - lâm…

Nhiều ngành học kẹt đầu vào

Trường đại học (ĐH) Công đoàn Hà Nội có một số ngành như quan hệ lao động, bảo hộ lao động là những ngành có nhu cầu lớn, dễ dàng tìm việc nhưng lại khó tuyển sinh. Điểm chuẩn của những ngành này cũng không cao. Trong hai năm 2019 và 2020, ngành quan hệ lao động, bảo hộ lao động cùng lấy 14,5 điểm. Năm 2021, điểm trúng tuyển của ngành quan hệ lao động chỉ 15,1 điểm.

Một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản của ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng khó tuyển như: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin - thư viện, lưu trữ học, ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Nga, nhân học…

Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường - lý giải: Đây là các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, ngành ngôn ngữ mới phát triển ở Việt Nam, có lượng tuyển dụng thấp hơn, kén người học hơn. Một số ngành như ngữ văn, lịch sử, triết học… trước đây có nhu cầu tuyển dụng rất cao nhưng nay đã đáp ứng cơ bản thị trường lao động nên cũng dần bão hòa, khó tuyển sinh. Tuy nhiên, các ngành này rất quan trọng, nên nhà trường tiếp tục đầu tư, đào tạo. 

Học sinh nghe tư vấn chọn ngành từ chuyên gia Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - ẢNH: TRẦN HUY
Học sinh nghe tư vấn chọn ngành từ chuyên gia Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Trần Huy

Tương tự, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) có rất nhiều ngành thu hút đông đảo thí sinh nhưng cũng có những ngành rất khó tuyển sinh. Chẳng hạn, ngành khoa học môi trường, hải dương học, địa chất học, kỹ thuật địa chất… chỉ tuyển được khoảng 20 - 40% chỉ tiêu. Trong đó, có ngành số lượng nhập học “đếm trên đầu ngón tay”. Như ngành kỹ thuật địa chất năm 2020 tuyển 45 chỉ tiêu nhưng chỉ có bốn sinh viên (SV) nhập học, năm 2021 có 30 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ tuyển được chín SV. 

Những trường đào tạo lĩnh vực nông nghiệp cũng thường trực nỗi lo khó tuyển sinh. ĐH Nông - Lâm Bắc Giang có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư nông - lâm cho các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Các ngành thế mạnh của trường là chăn nuôi, thú y, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, quản lý tài nguyên rừng… Các ngành này vẫn nhận được hỗ trợ, đầu tư thường xuyên từ các doanh nghiệp, cam kết hỗ trợ việc làm với mức lương ổn định sau khi SV ra trường - nhưng vẫn rất khó tuyển sinh. 

Với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Viết Đăng - Trưởng ban Quản lý đào tạo - khá trăn trở khi nhiều năm nay, điểm chuẩn nhiều ngành trọng yếu của nông nghiệp đều thấp. Năm 2021, điểm chuẩn các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, quản lý tài nguyên môi trường, công nghệ rau hoa quả là 15. Điểm chuẩn thấp, số SV tốt nghiệp hằng năm không đủ để cung cấp cho các doanh nghiệp; nhưng mấy năm qua, những ngành này vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. 

Đối với ĐH Nông Lâm TPHCM, ngành nông nghiệp đang dần thu hút người học, nhưng việc tuyển sinh ngành lâm nghiệp vẫn gặp khó khăn. Nhiều năm qua, số lượng tuyển sinh của ngành lâm nghiệp luôn ở mức khiêm tốn, trung bình mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 12% chỉ tiêu (khoảng 15 - 16 SV so với 120 - 130 chỉ tiêu).

Một phần do công tác hướng nghiệp

Trong nỗi lo khó tuyển sinh nói chung, theo tiến sĩ Hoàng Thanh Xuân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công đoàn - một trong những nguyên nhân là do thí sinh thiếu thông tin đầy đủ để có thể chọn lựa. Ví dụ, thuộc lĩnh vực có tỷ trọng lao động chiếm đa số, song nông - lâm nghiệp vô hình trung đã bị coi là lạc hậu trong xã hội hiện đại. Đó cũng là vấn đề liên quan đến công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông. 

Dù không tuyển đủ SV, nhưng một số trường thuộc khối nông - lâm thậm chí còn đẩy mạnh hơn chất lượng đào tạo. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo điều kiện để SV giao lưu, cử đi học tập và nghiên cứu ở các nước hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp. ĐH Nông - Lâm Bắc Giang chọn hướng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Trong 12 tháng, cam kết tìm việc làm cho 100% SV tốt nghiệp; học bổng 100% cho ngành khoa học cây trồng, chăn nuôi, công nghệ thực phẩm; cử SV đi thực tập, làm việc tại các nước có nền nông nghiệp phát triển… 

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cũng cho rằng cần thay đổi quan niệm cho rằng học lâm nghiệp thì khó xin việc, hoặc chỉ có thể làm… kiểm lâm hay nhân viên nhà máy gỗ. Không ít người chưa hiểu được tầm quan trọng của ngành lâm nghiệp và nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành này là rất lớn. Thậm chí, nhiều tập đoàn, công ty sản xuất thương mại về gỗ và giấy thường xuyên liên hệ với trường để tuyển dụng, cung cấp học bổng đối với SV lâm nghiệp và sẵn sàng nhận ngay khi vừa tốt nghiệp. Tuy nhiên, trường không đào tạo đủ nhân lực do khó khăn trong tuyển sinh.

Đối với các ngành khoa học cơ bản, năm 2022, lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện chương trình học bổng để thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học. Các gói học bổng được triển khai cho SV 18 ngành thuộc ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Tương tự, tại ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn dành 5,2 tỷ đồng hỗ trợ các thí sinh trúng tuyển thuộc chín ngành học; ĐH Khoa học tự nhiên dành 2 tỷ đồng cấp học bổng cho thí sinh trúng tuyển vào các ngành: vật lý học, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, địa chất học, kỹ thuật địa chất, khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường.

Tuy vậy, theo giáo sư Hà Huy Khoái - Tổng biên tập Tạp chí Pi (Hội Toán học Việt Nam) - phải tính toán cả “đầu ra” cho SV tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản. Những người giỏi mà theo toán học có khi sau đó lại trở thành trí thức nghèo, lao động thu nhập thấp. Hay ngành triết học, học khó, ra trường khó xin việc, mức lương lại hạn chế… Do đó, theo các chuyên gia đào tạo, phải có giải pháp tổng thể từ cả nhà trường và nhà nước mới có thể giải quyết được tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh, thu hút người học. 

Sinh viên ngành lâm nghiệp có cơ hội việc làm tại hơn 1.000 công ty

Tiến sĩ Trần Đình Lý thông tin: “Thực tế, cơ hội việc làm cho SV lâm nghiệp rất rộng mở, thậm chí có thể làm việc ở ngân hàng và tập đoàn tài chính thẩm định dự án đầu tư đảm bảo không phá rừng. Hoặc làm việc trong các tập đoàn kiến trúc, kinh doanh địa ốc sinh thái… Để thu hút nhân lực cho ngành này, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tạo điều kiện để SV hưởng nhiều ưu đãi và chương trình đào tạo chất lượng cao với chi phí thấp. Mới đây, trường ký kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hỗ trợ công tác đào tạo, hướng nghiệp, SV có môi trường thực tập và cơ hội việc làm tại hơn 1.000 công ty”.

Ngọc Minh Tâm - Minh Linh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI