Mới đây, ngoài 6 hội đồng hiệu trưởng khối ngành đã có - thuộc Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) TPHCM - UBND TPHCM vừa bổ sung thêm khối ngành mới là khoa học sự sống với sự tham gia của 12 trường.
Khối ngành nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu, xây dựng môi trường sống “xanh”, phát triển bền vững. Trong đó có nhiều ngành trọng điểm như: khoa học môi trường, công nghệ thực phẩm, bảo vệ thực vật, khí tượng và khí hậu, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…
Chạy đua với sự thay đổi của thế giới
Chủ tịch Hội đồng khối ngành khoa học sự sống, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tất Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nhận định: lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và sự sống là bệ đỡ cho sự phát triển của TPHCM và quốc gia. Việc đào tạo các ngành liên quan hướng đến giải quyết một trong những vấn đề cốt lõi mà thành phố đang quan tâm đó là đào tạo nhân lực “xanh” hướng đến nền nông nghiệp, công nghiệp và môi trường phát triển bền vững.
|
Sinh viên thuộc Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường Trường đại học Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành |
“Việc cung cấp thực phẩm từ động, thực vật đều liên quan đến khối ngành môi trường và sự sống. Nhân lực những ngành này làm việc trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Vấn đề này đang rất nóng khi tình trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng, sử dụng các hóa chất không phù hợp tràn lan… Do vậy, đào tạo ra nguồn nhân lực “xanh” là một trong những hướng đi mà các trường trong khối ngành hướng tới. Mục tiêu là cung cấp nguồn nhân lực đủ trình độ để vận hành chuỗi cung ứng an toàn, phù hợp hơn” - ông Nguyễn Tất Toàn nói.
Ông cũng cho biết khối ngành khá đa dạng ngành học, sinh viên được đào tạo về nông nghiệp, giữ vững môi trường, hướng đến giảm rác thải tối đa. Hay các ngành học khác như: công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ chế biến lâm sản, công nghệ thực phẩm, tài nguyên và du lịch sinh thái, nông học… cũng được đào tạo theo hướng phát triển bền vững.
Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trường thành viên hội đồng của khối ngành này - nhận định: những năm gần đây, môi trường sống bị tác động bởi nhiều yếu tố mới từ môi trường, dịch bệnh, khí hậu… nên các trường phải thay đổi rất nhiều trong đào tạo để thích ứng, bắt kịp sự thay đổi này.
Năm học trước, trường mở 2 ngành mới là công nghệ vật liệu, công nghệ kỹ thuật hóa học cũng nhắm tới mục tiêu đào tạo lĩnh vực mới, tiếp cận được những công nghệ xử lý rác thải tiên tiến của thế giới. Sinh viên sẽ có kỹ năng, kiến thức trong việc tận dụng và tái chế phế thải công nghiệp thành những vật liệu thân thiện môi trường.
Ngoài ra, trường còn có nhiều ngành đặc thù như: biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, quản lý tài nguyên môi trường, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý tài nguyên môi trường biển đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu…
“Không sôi nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin… nhưng lĩnh vực môi trường, khí hậu, tài nguyên cũng thay đổi rất mạnh mẽ. Tên ngành không thay đổi nhiều nhưng nội dung đào tạo gần như đổi mới hết, cấp tiến và cập nhật để theo kịp tốc độ phát triển của các nước cũng như yêu cầu về nhân lực” - ông Huỳnh Quyền chia sẻ.
Cơ hội việc làm rộng mở
Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, ngoài việc hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chương trình còn lồng ghép kiến thức công nghệ mới, kiến thức liên ngành để sinh viên ngành nào cũng có thể tận dụng tối đa lợi thế công nghệ vào ngành học của mình, đa dạng hóa việc làm sau khi ra trường.
Về cơ hội việc làm, ông Huỳnh Quyền cho hay nhu cầu nhân lực khối ngành khoa học môi trường rất lớn. Các địa phương từ cấp xã, huyện… không có đủ nhân lực đáp ứng chuyên môn. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đặt hàng, “xin” nhân sự ngay từ trong trường. Thậm chí, như ngành khí tượng thủy văn, tài nguyên nước…, doanh nghiệp tài trợ học bổng 100% để nhận sinh viên ngay khi các em ra trường. Do thiếu nhân lực, ngoài sinh viên chính quy, trường còn đào tạo hệ vừa học vừa làm cho các địa phương gửi tới. “Thường những ngành đặc thù, ít “nóng” thì mức độ cạnh tranh khi ra trường ít và cơ hội việc làm lại cao hơn” - vị hiệu trưởng nói.
Về chương trình học, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho biết hầu hết những ngành thuộc khối này tuyển sinh bằng các môn tự nhiên (hóa, sinh, toán, vật lý) và ngoại ngữ. Ngoài chương trình học trong trường, phòng nghiên cứu, thí nghiệm, sinh viên những ngành này sẽ có 90 giờ học tập ở các doanh nghiệp. Những sinh viên xuất sắc còn có suất học bổng học thực tế ở nước ngoài.
Vị trí công việc rất đa dạng, sinh viên ra trường có thể làm ở phòng tài nguyên môi trường, phòng quản lý đất đai, các công ty về môi trường đô thị, hoặc làm ở các doanh nghiệp xử lý nước, môi trường, sản xuất vật liệu tái chế, khảo sát đánh giá tác động tài nguyên môi trường… Ông cũng nhìn nhận mức thu nhập các ngành thuộc khối ngành khoa học sự sống không hề kém cạnh so với các ngành nghề đang “nóng” hiện nay, trong khi tỉ lệ cạnh tranh việc làm thấp hơn. n
Hiện TPHCM có 12 trường thuộc khối ngành khoa học sự sống, gồm: Trường ĐH Nông Lâm TPHCM; Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM); Trường ĐH Sư phạm TPHCM; Trường ĐH Văn Hiến; Trường ĐH Văn Lang; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Trường ĐH Công nghiệp TPHCM; Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường; Phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TPHCM; Trường ĐH Sài Gòn.
Nguyễn Loan