Nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất huy động trên 6%/năm

23/12/2024 - 07:19

PNO - Theo ghi nhận, ngày càng có nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất trên 6%/năm, để được hưởng mức này, khách phải gửi các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Hiện nay, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường là 6,4%/năm, thuộc về Eximbank. Để được hưởng mức lãi suất này, đòi hỏi khách phải gửi kỳ hạn từ 18 – 36 tháng, phải gửi theo hình thức trực tuyến vào các ngày cuối tuần (thử Bảy, Chủ nhật). Các kỳ hạn 15 tháng, nếu gửi bằng hình thức trực tuyến vào ngày cuối tuần thì cũng được hưởng lãi suất là 6,3%/năm.

Còn nếu gửi hình thức trực tuyến vào các ngày bình thường trong tuần thì lãi suất kỳ hạn 24 – 36 tháng chỉ ở trong mức 5,2 – 5,9%/năm.

Hiện có khoảng 13 ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiền gửi trên 6%/năm - Ảnh Thanh Hoa
Hiện có khoảng 13 ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiền gửi trên 6%/năm - Ảnh Thanh Hoa

Lãi suất cao xếp vị trí thứ hai trên thị trường hiện nay là 6,3%/năm thuộc về hai ngân hàng là MSB và BVBank. Tại MSB, khách phải gửi trực tuyến kỳ hạn từ 12-36 tháng, chỉ dành cho khách hàng có nhận lương chuyển khoản tại ngân hàng, khách hàng ưu tiên. Còn tại BVBank, khách phải gửi trực tuyến kỳ hạn 15 tháng, còn gửi trực tiếp thì phải gửi các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.

Mức lãi suất 6,1%/năm đang được nhiều ngân hàng áp dụng, mỗi ngân hàng sẽ có các kỳ hạn khác nhau. Như tại GPBank, Dong A Bank, Oceanbank, khách phải gửi kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Riêng tại SHB, Saigonbank khách phải gửi kỳ hạn 36 tháng. HDbank thì phải gửi kỳ hạn 18 tháng.

Các ngân hàng như Saigonbank, Baovietbank là các ngân hàng đang niêm yết mức lãi suất 6%/năm, khách phải gửi các kỳ hạn từ 18, 24 và 36 tháng. Riêng ABBANK và CBBank thì chỉ cần gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 6%/năm.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 13 ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiền gửi từ 6%/năm trở lên. Trong khi đó, hồi tháng 7/2024, theo ghi nhận của chúng tôi chỉ có khoảng 7 - 8 ngân hàng áp dụng mức lãi suất này.

Theo số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 9/2024, tổng lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 14 triệu tỉ đồng, tăng 4,9% so với đầu năm.

Tốc độ huy động vốn của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái là 7,3%. Tuy nhiên, nếu so với các quý trước, nhờ ngân hàng tăng lãi suất huy động mà số tiền huy động được ngày càng tăng. Như tính đến hết tháng 6/2024, tốc độ huy động vốn chỉ tăng khoảng 1,5% so với đầu năm.

Theo một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VSBS) cho rằng, những tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng nhóm bất động sản và xây dựng sẽ tăng. Một số ngân hàng đã chạm ngưỡng tỉ lệ cho vay trên tổng tiền gửi nên phải tăng nguồn huy động vốn để giảm thiểu rủi ro thanh khoản. Đó là lý do lãi suất huy động tại các ngân hàng có xu hướng tăng.

Còn theo các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm khi số tiền cho vay ra đang vượt gần gấp đôi số tiền huy động vốn. Tình hình nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng cũng đạt mức 4,55%, dù tương đương cuối năm 2023 nhưng đang cao gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Để đảm bảo duy trì thanh khoản, các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn mới.

Dự báo lãi suất huy động năm 2025, các chuyên gia của VCBS cho rằng, khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang như mức hiện tại theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Việc lãi suất huy động tăng nhẹ có thể sẽ tạo áp lực cho lãi suất cho vay nhưng sẽ có sự phân hoá theo nhóm ngành nghề.

Với các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, thì có thể tiếp tục giảm nhẹ. Riêng lãi suất ở các nhóm ngành nghề có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản, xây dựng sẽ có sự điều chỉnh theo đà tăng của lãi suất huy động.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI