Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động và cho vay

06/03/2023 - 12:43

PNO - Từ ngày 6/3, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2 – 0,5/năm với nhóm kỳ hạn 6-12 tháng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - cho biết, từ ngày 6/3/2023, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (nhóm Big 4 gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Theo NHNN, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Thời gian qua, NHNN theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của các ngân hàng, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022). Hiện đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay bình quân.

Trong ngày 6/3, ghi nhận tại một số ngân hàng thì lãi suất huy động đã giảm. Tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất huy động đã điều chỉnh giảm 0,3 – 0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ. Kỳ hạn 12 tháng giảm còn 7,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm còn 7,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giảm sâu lãi suất tới 2%/năm ở các kỳ hạn từ 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng, hiện chỉ còn 7,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng giảm 0,5%/năm tương ứng là 8,4%/năm và 8,8%/năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng giảm mạnh từ 0,6 – 1,2%/năm. Kỳ hạn 6 tháng từ 9,1% xuống còn 8,6%. Kỳ hạn 11 tháng chỉ còn 7,3%/năm thay vì mức 8,5%/năm như trước đó. Kỳ hạn 12 tháng từ 9,5% xuống còn 8,9%, kỳ hạn 24 tháng giảm từ 9,3 xuống còn 8,8%/năm.

 

Lãi suất huy động giảm nhưng đây vẫn là kênh đầu tư sinh lời, an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều ngân hàng khác cũng giảm lãi suất huy động. Như OCB giảm 0,5% lãi suất tại kỳ hạn 6 tháng, từ 9% xuống còn 8,5%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất từ 9,3% xuống còn 8,8%. Tại DongABank, kỳ hạn 6 tháng từ 9,35% giảm xuống còn 8,55%; kỳ hạn 12 tháng từ 9,5% xuống còn 8,65%; kỳ hạn 24 tháng từ 9,5% xuống còn 9,2%/năm. Tại PVCombank, kỳ hạn 6 tháng từ 9,5% xuống còn 8,4%. VietABank kỳ hạn 12-15 tháng từ 9,5%/năm giảm còn 9%/năm…

Ở nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, lãi suất tiết kiệm cũng đã giảm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 6%/năm, hiện mức cao nhất ở các kỳ hạn khác chỉ 7,4%/năm.

Dù lãi suất huy động giảm nhưng trong thời điểm này, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư sinh lời an toàn và hiệu quả nhất trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản… còn nhiều khó khăn. Theo cập nhật mới nhất của NHNN đến tháng 11/2022 thì tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt 13,8 triệu tỉ đồng, tăng 21% so với tháng trước đó. Trong đó tiền gửi cư dân là 5,74 triệu tỉ đồng tăng thêm 84.600 tỉ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 5,8 triệu tỉ đồng tăng 42.341 tỉ đồng.

 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI