|
Ngắm nhìn thành phố bằng xe buýt hai tầng, tôi như được xem loại những thước phim ký ức của chính mình nhưng đẹp hơn, tươi sáng, lộng lẫy và sung túc hơn. |
Tôi rời xa mảnh đất này để đoàn tụ cùng ba mẹ và các em tại Mỹ nhưng nỗi nhớ về Sài Gòn - nơi tôi đã học và làm việc - cũng da diết chẳng khác gì nỗi nhớ người yêu cũ của một thời đã xa.
Ngày đó, tôi học ở Nhạc Viện TPHCM nên từng góc nhỏ của con đường Nguyễn Du, công viên Tao Đàn, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện TP.HCM đều lưu dấu rất đậm nét.
Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy mình lại được rong ruổi trên những con đường rợp bóng cây, cùng cà phê bệt, những buổi chém gió với bạn bè, nhớ cả những buổi hò hẹn... nhớ “Con đường có lá me bay. Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về. Con đường đưa bước chân đi. Êm êm đá lát lòng nghe bồi hồi”. Trong giấc mơ, tôi vẫn ngửi mùi quen thuộc của Sài Gòn chợt nắng chợt mưa.
Dịp Tết vừa qua, khi sắp xếp được công việc, tôi quyết định về thăm gia đình chị gái. Vì chỉ có vỏn vẹn 10 ngày nên tôi không có kế hoạch đi chơi ở nơi đâu khác mà chỉ ở Sài Gòn. Từ trước khi về Việt Nam, cháu gái nhỏ đã khoe: “Cậu về cháu sẽ dẫn đi chơi nhiều chỗ vui lắm”. Quả thật, Sài Gòn làm tôi bất ngờ. “Người yêu cũ” của tôi giờ như được khoác trên mình tấm áo mới. Nhịp sống vẫn nhanh nhưng giờ được thổi thêm hơi thở của thời đại và hội nhập.
Ở Sài Gòn những ngày cận Tết luôn cho tôi cảm giác náo nức lạ lùng. Sáng 27 Tết, dạo quanh một vòng quận 1, lòng tôi lại xao xuyến khi thấy rất nhiều cô gái trẻ diện những bộ áo dài thướt tha, tay cầm cành mai cành đào, xúng xính chụp hình. Cả thành phố sáng bừng không chỉ vì chỉ nhờ màu sắc của những tà áo mà còn vì hơi thở của sức trẻ. Ngắm nhìn thành phố, tôi thầm thì câu hát “Đường xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay… Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi".
Nếu con đường Nguyễn Huệ xưa chỉ là điểm đến mỗi khi có đường hoa dịp Tết, thì giờ lại có hẳn một con phố đi bộ tấp nập, vui vẻ. Khi dạo phố cùng gia đình, tôi thấy từng nhóm bạn trẻ đàn hát thoải mái và tự tin chẳng khác gì những con phố nước ngoài. Con phố chỉ dài hơn nửa cây số đầy ắp những hoạt động văn hóa và ẩm thực vui nhộn và lành mạnh. Tôi biết, khi trở về Mỹ, tôi sẽ rất nhớ mùi khoai lang nướng, mùi bánh chuối chiên và hương vị của ly trà tắc ngày hôm ấy.
Cả nhà tôi quyết định trải nghiệm tham quan các con phố bằng xe buýt 2 tầng. Xe chạy ngang những địa điểm tham quan nổi tiếng như Dinh Thống nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố khiến tôi cảm thấy mình như được xem lại đoạn phim ký ức một thời của chính mình nhưng tươi sáng, hiện đại và sung túc hơn.
Dạo quanh một vòng Sài Gòn bằng đường sông trên tàu cũng là trải nghiệm đặc sắc. Nhìn thành phố về đêm từ sông, lung linh lấp lánh những tòa nhà cao ốc tôi cứ ngỡ không phải ở Việt Nam mà lạc đô thị thế giới. Có trong mơ cũng không nghĩ Sài Gòn lại có ngày đẹp lạ thường đến vậy. Cảm nhận công sức của những bàn tay khối óc phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại mà không mất đi bản sắc. Dọc quanh bờ sông bây giờ là những công viên sáng bừng, từ trên tàu vẫn nghe tiếng cười nói nô giỡn của trẻ em chứ không giống khi xưa là điểm đen nhiều tệ nạn xã hội, ít người dám lui tới.
|
Sau khi nghe tôi kể về một Sài Gòn "thay da đổi thịt", rất nhiều bạn bè người Việt sống tại nước ngoài mong muốn được một lần trở về thăm Sài Gòn. Ảnh: tác giả chụp trên du thuyền Bạch Đằng |
Muốn đi Bình Quới - Thanh Đa ăn hải sản hay câu cá, ngắm cảnh, giải trí bây giờ cũng có thêm lựa chọn phương tiện khác đó chính là đi xe buýt đường sông. Buổi chiều hôm đó, cả nhà tôi đến bến Bạch Đằng để chờ chuyến đi bến Thanh Đa. Không ngờ chỉ mất khoảng 20 phút, không bị kẹt xe, không khói bụi, được hóng gió sông mát lồng lộng, được ngắm cảnh đẹp của thành phố với chỉ 30.000đ/người, cả nhà tôi đã đến thiên đường ăn uống với đủ các món tươi ngon mà giá bình dân.
Thành phố mà tôi biết giờ thay đổi nhanh và nhiều quá. Nói theo cách dí dỏm là “nhanh như người yêu cũ trở mặt", nhưng là trở mình một cách tích cực về mọi mặt. Giờ tôi rất yên tâm khi anh chị tôi sống và làm việc, cháu tôi được học tập và lớn lên ở thành phố này. Hẹn một ngày không xa tôi lại được về thăm - Sài Gòn dấu yêu.
Minh Nhật (Georgia, Mỹ)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |