Nhiều mối lo từ sự mất cân bằng ở sông Mê Kông

28/12/2022 - 06:23

PNO - Sự mất cân bằng ở sông Mê Kông thể hiện qua việc hạn hán, lũ lụt trở nên thường xuyên hơn và trữ lượng cá thấp đáng báo động. Ô nhiễm, đánh bắt quá mức và khai thác tài nguyên đang gây ra thiệt hại không thể đảo ngược đối với hệ sinh thái mong manh vốn là nguồn sống của hàng triệu người.

Biến động tiêu cực trên sông Mê Kông

Theo dữ liệu được các tổ chức môi trường ghi nhận, năm 2021 là mùa khô hạn thứ chín ở lưu vực sông Mê Kông. Tệ hơn nữa, một báo cáo mới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) cảnh báo rằng nhiều băng trên khắp thế giới có khả năng biến mất vào năm 2050, điều này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến các lưu vực sông nhận nước tan chảy từ sông băng. David Dudgeon - giáo sư danh dự về sinh thái và đa dạng sinh học tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) - cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm suy thoái hơn nữa nguồn nước của sông Mê Kông - vốn bắt nguồn từ các sông băng của cao nguyên Tây Tạng. 

Ngư dân bủa lưới trên hồ Tonle Sap, Campuchia. Hồ Tonle Sap là ngư trường nội địa lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm cung cấp 70% lượng protein hằng năm của Campuchia và phụ thuộc vào nguồn nước sông Mê Kông - ẢNH: NICHOLAS MULLER/THE DIPLOMAT
Ngư dân bủa lưới trên hồ Tonle Sap, Campuchia. Hồ Tonle Sap là ngư trường nội địa lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm cung cấp 70% lượng protein hằng năm của Campuchia và phụ thuộc vào nguồn nước sông Mê Kông - Ảnh: NICHOLAS MULLER/THE DIPLOMAT

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng đang làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng của sông Mê Kông. Biến đổi khí hậu do con người gây ra tiếp tục gia tăng. 3 năm hạn hán nghiêm trọng liên tiếp đã tàn phá lưu vực sông Mê Kông, đưa mực nước xuống mức thấp kỷ lục. Đồng thời, đại dịch COVID-19 đã làm giảm thu nhập của các cộng đồng ngư dân, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái môi trường ở nhiều khu vực và mở rộng các hoạt động đánh bắt có hại như đánh bắt bằng điện bất hợp pháp. Các quốc gia thuộc lưu vực sông phụ thuộc nhiều vào đánh bắt cá và trồng lúa càng phải chịu tác động lớn hơn, bởi nông nghiệp lúa nước và ngư nghiệp cung cấp một nửa nguồn lương thực cho khu vực. 

Đáng chú ý, khai thác cát và loại bỏ trầm tích là cú sốc kép đối với dòng sông, làm tăng tốc độ xói mòn bờ sông và góp phần làm suy thoái cấu trúc của sông Mê Kông. Brian Eyler - Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ) và đồng lãnh đạo dự án Giám sát đập Mê Kông - cho biết: “Trầm tích là yếu tố quan trọng cho tất cả nguồn tài nguyên từ hệ thống sông Mê Kông. Các con đập đang giữ lại trầm tích. Trầm tích từ sông cũng đang bị khai thác với tốc độ rất đáng báo động - phần lớn không được kiểm soát đầy đủ và mang tính bất hợp pháp. Hầu hết các cộng đồng không biết về những gì đang xảy ra ở các đoạn khác của dòng sông”. 

Nhìn chung, 190 triệu người dân sinh sống khắp lưu vực sông Mê Kông phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú của con sông để đảm bảo an ninh lương thực và các nhu yếu phẩm cơ bản, duy trì sinh kế cùng bản sắc văn hóa.

Thích nghi biến đổi và chung tay bảo vệ dòng sông

Ủy hội sông Mê Kông (MRC) tin rằng “sự dao động nhanh chóng của mực nước sông, mô hình dòng chảy hằng ngày và theo mùa do biến đổi khí hậu, thủy điện đã phá vỡ hệ sinh thái của sông Mê Kông, khiến cuộc sống và sinh kế của người dân gặp rủi ro”. Các công cụ mới như ứng dụng Giám sát đập sông Mê Kông được hy vọng sẽ giúp kiểm soát các con đập và đánh giá tác động môi trường trên toàn lưu vực sông Mê Kông, từ đó đưa ra các dự báo dễ dàng hơn.

Trao đổi với trang The Diplomat, ông Brian Eyler cho biết Việt Nam là quốc gia có nhiều mối lo nhất trước sự mất cân bằng của sông Mê Kông. Ông nói: “Các mối quan tâm tập trung vào việc bảo tồn tính toàn vẹn của đất đai, chất lượng nước và năng suất của vùng canh tác”. Hiện tại, Việt Nam đã thực hiện các dự án thí điểm và một số chuyển đổi như canh tác thẳng đứng, sản xuất rau ôn đới ở vùng đồng bằng và trồng cây ca cao. Ở Cà Mau, người dân tìm cách nuôi tôm dưới các tán rừng ngập mặn, tạo ra sản phẩm sinh thái có giá trị cao hơn trên thị trường quốc tế, đồng thời gìn giữ các hàng rào rừng bảo hộ quý giá. 

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đến thăm Việt Nam vào tháng 9/2022 và cho biết: “Mỹ cam kết hợp tác với các nước G7 cùng những nước khác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Vào ngày 20/11, sau hội nghị cấp cao APEC tại Bangkok (Thái Lan), Mỹ đã công bố khoản tài trợ mới cho các dự án năng lượng sạch và các sáng kiến phát triển kinh tế khác cho khu vực Mê Kông. Từ góc độ chính phủ, ông Eyler tin rằng con đường khả thi duy nhất để tạo ra một hệ thống sông lành mạnh hơn là hợp tác khu vực. Điều này có nghĩa là mở rộng hợp tác giữa tất cả các bên dọc theo sông Mê Kông, bởi Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đều có những can thiệp đến dòng sông, chúng giống nhau ở một mức độ nào đó nhưng lại không phối hợp chặt chẽ với nhau. 

Tấn Vĩ (theo CNA, World Bank)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI