Nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm trở lại

26/08/2023 - 14:57

PNO - Ngoại trừ ngành hàng rau củ, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, gỗ, giày dép, máy móc thiết bị… giảm trong nửa đầu tháng 8

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ đạt 14,44 tỉ USD, giảm 10,8% (khoảng 1,75 tỉ USD) so với kỳ 2 của tháng 7/2023.

Như vậy, ngay sau khi có chiều hướng khởi sắc trong nửa cuối tháng 7, hoạt động xuất khẩu đã quay đầu giảm. Trong đó, các mặt hàng giảm nhiều nhất trong tháng 8 này là máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng giảm 406 triệu USD (tương ứng giảm 21%), điện thoại các loại giảm 387 triệu USD (giảm 13,8%), sắt thép các loại giảm 190 triệu USD (giảm 44,7%)…

Xuất khẩu rau quả sang các nước vẫn khởi sắc, trong đó xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao. Ảnh chụp tại công ty Chánh Thu.
Xuất khẩu rau quả sang các nước vẫn khởi sắc, trong đó xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng cao (Ảnh chụp tại Công ty Chánh Thu)

Còn tính từ đầu năm đến 15/8/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 209,43 tỉ USD, giảm 10,1% (giảm 23,5 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Các nhóm giảm sâu là điện thoại và linh kiện điện thoại giảm 5,62 tỉ USD (giảm hơn 15%), hàng dệt may giảm 3,5 tỉ USD (giảm hơn 14%), máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,74 tỉ USD (giảm 10%), gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2,67 tỉ USD (giảm hơn 25%), giày dép các loại giảm 2,63 tỉ USD (giảm hơn 17%).

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong bối cảnh xuất khẩu chung của cả nước còn ảm đạm nhưng xuất khẩu rau củ quả sang Trung Quốc có sự khởi sắc. Hết tháng 7, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 2 tỉ USD, tăng tới 128,5% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái đạt 872,7 triệu USD). Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, thanh long là trái cây đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này. Trong đó mặt hàng sầu riêng đã chiếm tới 30% tổng kim ngạch.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, do ảnh hưởng từ hạn hán, mưa lũ nên Trung Quốc tăng nhập rau quả Việt Nam. Dự báo, tới tháng 9 khi nguồn cung sầu riêng tại các nước khác không còn, giá sầu riêng và kim ngạch xuất khẩu của loại trái này sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên một thách thức hiện nay là Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều yêu cầu kiểm soát chất lượng trái cây, sinh vật gây hại trên mặt hàng trái cây. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và nông dân phải cẩn trọng để tránh mất uy tín và mất cơ hội đối với thị trường tiềm năng này.

Hiện xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác cũng tăng như Hàn Quốc đạt 125 triệu USD (tăng 13%), Nhật Bản đạt 105 triệu USD (tăng 5,5%). Riêng tại thị trường Mỹ lại giảm, đạt 140 triệu USD (giảm 11%).

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI