Nhiều lợi ích từ việc ăn chậm, nhai kỹ

13/12/2022 - 06:24

PNO - Ăn chậm, nhai kỹ vừa bảo vệ hệ thống tiêu hóa mà quá trình chuyển hóa, hấp thu dưỡng chất cũng diễn ra thuận lợi hơn.

Nhai kỹ no lâu…

Câu nói này của ông bà xưa đã lý giải một cách đầy đủ về ý nghĩa của việc ăn uống từ tốn, khoan thai. Việc nhai kỹ đã khiến thức ăn được nghiền nát ngay từ khoang miệng, giúp việc nuốt, tiêu hóa, thanh lọc, hấp thu về sau cũng trở nên hiệu quả hơn; bảo vệ được hệ thống tiêu hóa. Nếu tiêu hóa tốt, việc phân lọc dưỡng chất hiệu quả, cũng đồng thời giúp các cơ quan khác được nuôi dưỡng tốt, bảo đảm sức khỏe cho toàn cơ thể.

Ăn chậm, nhai kỹ sẽ tốt cho sức khỏe - ẢNH: ĐOÀN PHÚ
Ăn chậm, nhai kỹ sẽ tốt cho sức khỏe - Ảnh: Đoàn Phú

Khi ăn chậm, nhai kỹ trước tiên phòng ngừa được nguy cơ mắc bệnh lý dạ dày nói riêng và bệnh đường tiêu hóa nói chung. Với những người mắc bệnh đái tháo đường, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, mỡ máu, tăng huyết áp… nhai kỹ, ăn chậm góp phần ngừa cơn phát bệnh cấp tính và giảm nhẹ mức độ bệnh. Bởi hạn chế được sự tăng đột ngột lượng đường trong máu, giảm tiết a xít dạ dày, giảm mỡ máu nhờ dưỡng chất được phân lọc tốt, giảm thiểu sự hưng phấn đột ngột của thần kinh giao cảm…

Theo y học hiện đại, ngay ở khoang miệng có đến 3 tuyến nước bọt, trong đó chứa nhiều men phân giải thực phẩm, đặc biệt là men amylase (enzyme amylase), giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu tinh bột ở ruột non diễn ra dễ dàng hơn. Càng nhai sẽ càng kích thích nước bọt tiết ra càng nhiều.

Một số nghiên cứu thực tiễn của các chuyên gia y khoa Nhật Bản còn cho thấy, việc nhai từ 30 giây trở lên với mỗi miếng thực phẩm đưa vào miệng, hòa cùng với nước bọt, thậm chí giúp làm mất tác dụng sinh bệnh của các độc tố gây ung thư; tiêu diệt các ký sinh trùng gây bệnh.

Ở người già, sức nghiền của răng lợi và hoạt động của hệ tiêu hóa suy giảm; tương tự hệ tiêu hóa của trẻ em cũng chưa hoàn thiện nên 2 đối tượng này cần chú trọng đến việc nhai kỹ, nuốt chậm.

Không chỉ thực phẩm khô, những món ăn mềm, có nước như cháo, bún cũng cần được nhai đủ thời gian trước khi nuốt; thậm chí là khi uống nước cũng nên giữ lại trong khoang miệng, uống từng ngụm nhỏ, không nên đưa thẳng vào cổ họng. 

Eo thon, dáng đẹp nhờ nhai kỹ, ăn chậm

Đây là bí quyết của rất nhiều ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc và Trung Quốc. Diễn viên Cúc Tịnh Y xứ Trung chia sẻ hình ảnh cô nhai một mẩu bánh mì 32 lần rồi mới nuốt; nam ca sĩ Thái Từ Khôn của Cbiz còn nhai đến 97 lần; diễn viên Han So Hee của Kbiz nhai tới 1 phút cho mỗi miếng thức ăn…

Khoa học đã chứng minh, thời gian để cơ quan tiêu hóa gửi tín hiệu thông báo “đã no” về não là khoảng 20 phút. Việc nhai kỹ giúp bữa ăn kéo dài, giảm cảm giác thèm ăn, do đó khi bạn nhận được tín hiệu no nghĩa là bạn đã nạp vừa đủ lượng thức ăn với nhu cầu của cơ thể.

Ngược lại, tốc độ ăn uống quá nhanh vừa khiến cơn thèm ăn của bạn tăng cao, vừa vượt quá tốc độ phản hồi từ dạ dày đến trung khu thần kinh báo hiệu về tình trạng no. Đến khi bạn cảm thấy no thì thực sự bạn đã ăn quá lượng thực phẩm, thừa lượng calo cần thiết so với nhu cầu của cơ thể.  

Theo nhiều nghiên cứu, những người có thói quen ăn nhanh sẽ tăng cân nhiều hơn gấp đôi so với những người ăn chậm hoặc ăn với tốc độ trung bình. Những người thừa cân, béo phì cũng có xu hướng nhai ít hơn người có cân nặng bình thường. 

Rèn luyện kỹ năng ăn chậm

Nhai kỹ, ăn chậm là kỹ năng hoàn toàn có thể rèn luyện được. Điều này thực sự quan trọng với những ai đã bị thừa cân, béo phì; người mắc các bệnh lý mạn tính… Đầu tiên, với mỗi miếng thực phẩm cho vào miệng, bạn nên đếm số lần nhai trước khi nuốt. Cụ thể, bạn nên nhai tối thiểu 30-40 lần đối với thức ăn khô, rắn; nhai 10 lần với thức ăn lỏng như cháo, bún.

Hiromi Shinya, bác sĩ người Nhật, chuyên điều trị bệnh lý đường tiêu hóa, đã viết trong cuốn sách Nhân tố enzyme, như sau: “Khi ăn, mỗi lần tôi đều nhai 30 đến 50 lần. Như vậy, các loại thức ăn thông thường sẽ được nghiền nát hoàn toàn và sẽ tự trôi xuống cuống họng. Với các loại thức ăn cứng hay đồ khó tiêu, tôi sẽ nhai 70 đến 75 lần”.

Không nên để quá đói mới ăn vì khi ấy bạn dễ bị mất kiên nhẫn với việc nhai kỹ. Nên múc từng miếng thức ăn nhỏ để việc nhai được dễ dàng hơn. 

Hà Nguyễn (đông y sĩ, Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI