Nhiều lợi ích khi học “tiếng hiếm” Ả Rập

30/01/2024 - 06:11

PNO - Sinh viên có cơ hội khám phá nền văn hóa cổ đại, tìm hiểu kho tàng thơ văn đặc sắc, đặc biệt là có học bổng du học khi theo học tiếng Ả Rập.

Học ngâm thơ để "thẩm" ngôn ngữ

Mới đây, Khương Hữu Anh Duy - sinh viên (SV) năm thứ hai ngành Đông phương học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - đã giành giải Nhất trong cuộc thi ngâm thơ tiếng Ả Rập do Đại sứ quán Ả Rập Xê Út tổ chức tại TP Hà Nội. Chuẩn bị cho cuộc thi, Anh Duy đã luyện tập rất nhiều để hiểu được cách gieo vần, ngâm thơ đặc trưng của ngôn ngữ này. Nam sinh được thầy cô đánh giá cao khi vượt qua nhiều anh, chị SV năm thứ ba, thứ tư để giành giải Nhất.

Cô Phan Thanh Huyền trong tiết dạy tiếng Ả Rập cho sinh viên - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cô Phan Thanh Huyền trong tiết dạy tiếng Ả Rập cho sinh viên - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tiếng Ả Rập được xem là ngôn ngữ hiếm ở Việt Nam bởi không nhiều người biết đến. Hiện chỉ có vài trường đại học đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh rất ít. Anh Duy là một trong số ít SV học ngôn ngữ này khi chọn theo chuyên ngành Ả Rập học (thuộc ngành Đông phương học). Cách đây 3 năm, khi đang cân nhắc chọn ngành học thì Anh Duy bị hấp dẫn bởi nền văn hóa độc đáo cùng bề dày lịch sử của các nước Ả Rập. Nam sinh quyết chọn vào học ngành Đông phương học để có cơ hội tìm hiểu, khám phá thêm về ngôn ngữ này. 

Thời gian đầu, Anh Duy cho biết rất khó khăn khi nguồn tài liệu, kênh thông tin và cơ hội giao tiếp thực tế rất ít. “Tôi bắt đầu làm quen bảng chữ cái khi vào năm nhất đại học. Cách viết cũng khác, từ phải qua trái, các chữ nối với nhau nên mất thời gian để ghi nhớ. Phát âm khá khó, có những chữ cái phải tập luyện cả năm mới nói đúng. Nhưng cũng chính sự mới lạ này lại là điểm thu hút tôi chinh phục và càng khám phá càng thấy hứng thú” - Anh Duy chia sẻ. 

Năm thứ hai, Anh Duy đã tiếp xúc nhiều từ vựng, ngữ pháp và vận dụng ngôn ngữ. Cứ có thời gian rảnh, SV này lại tìm đến những thánh đường Hồi giáo, nơi có ít ỏi cộng đồng người Ả Rập ở TPHCM sinh hoạt, nghe họ đọc kinh Coran để luyện nghe, thỉnh thoảng tìm cách bắt chuyện với họ. Anh Duy cũng lên mạng nghe tin tức từ các đài truyền thông phát tiếng Ả Rập hằng ngày nhằm tăng vốn từ. 

Thực hiện giấc mơ du học Ai Cập

Là một trong những SV xuất sắc nhận học bổng giao lưu văn hóa và học ở Ai Cập 1 năm, Dương Huỳnh Nguyệt Ánh - SV ngành Đông phương học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - lại say mê với những trải nghiệm thú vị ở đất nước này. Vào năm thứ ba đại học, Ánh thực hiện được giấc mơ cưỡi lạc đà và tham quan kim tự tháp ở Ai Cập. “Đối với nhiều người, việc học một ngôn ngữ không phổ biến là yếu điểm nhưng với mình đó là lợi thế. Thế giới Ả Rập rộng lớn với hơn 20 quốc gia sử dụng ngôn ngữ này, nhu cầu nhân lực của họ rất cao trong nhiều lĩnh vực như: du lịch, nhựa, hóa chất, cơ khí… Do vậy, học tiếng này sẽ giúp SV ra trường có nhiều cơ hội trải nghiệm đa ngành hơn”. 

Dương Huỳnh Nguyệt Ánh thực hiện giấc mơ khám phá kim tự tháp Ai Cập trong lần  du học tại Ai Cập - Ảnh do nhân vật cung cấp
Dương Huỳnh Nguyệt Ánh thực hiện giấc mơ khám phá kim tự tháp Ai Cập trong lần du học tại Ai Cập - Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm thứ tư, Nguyệt Ánh đã được một công ty du lịch nhận vào làm hướng dẫn viên cho khách Dubai, phiên dịch cho khách Ả Rập Xê Út trong ngành nhựa và tự động hóa. Ánh cũng làm phiên dịch ở Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo)… “Cái khó duy nhất của ngôn ngữ này là đam mê. Học ngôn ngữ khác có thể “cày” ngày đêm để lên trình độ dù không yêu thích, nhưng với tiếng Ả Rập nếu không đủ đam mê thì không theo lâu dài được” - nữ sinh chia sẻ.

Theo cô Phan Thanh Huyền - Trưởng bộ môn Ả Rập học, Khoa Đông phương học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - mỗi năm, chuyên ngành này chỉ nhận 25-26 SV. Đây cũng là trường duy nhất ở phía Nam đào tạo ngôn ngữ này. Cô Phan Thanh Huyền cho biết, với 29 chữ cái, đều là những phụ âm, còn nguyên âm được xác định bằng dấu, SV mất 1 học kỳ để làm quen cách phát âm, viết. Người học cần tuân thủ logic, hệ thống và học nghiêm túc từ đầu để có thể phát triển khi đi vào chuyên sâu.

Chương trình đào tạo của trường được đo lường theo khung ngoại ngữ 6 bậc châu Âu. SV ra trường sẽ tương đương trình độ B2-C1. Tỉ lệ SV nhận học bổng du học khá cao, trong đó có học bổng toàn phần 4 năm ở Ma Rốc, học bổng 1 năm ở Kuwait, Qatar, Ai Cập… Nhu cầu nhân lực cao, số lượng SV học ít nên theo cô Phan Thanh Huyền cơ hội việc làm rất nhiều. Cụ thể là du lịch, dạy tiếng Ả Rập cho các doanh nghiệp liên kết với những nước thuộc Liên đoàn Ả Rập, đào tạo về thông tin luật pháp, văn hóa, ngôn ngữ; xuất nhập khẩu hay làm ở các tập đoàn lớn có chi nhánh ở các nước sử dụng ngôn ngữ này. 

Ngành Đông phương học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT với các tổ hợp: D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), D04 (toán, ngữ văn, tiếng Trung), D14 (ngữ văn, lịch sử, tiếng Anh). 

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI