|
Trường đại học Gia Định đào tạo 3 năm với tất cả 45 ngành, chuyên ngành đại học của trường - Ảnh: M.L. |
Lợi cho người học và cả thị trường lao động
Tại TPHCM, Trường đại học (ĐH) Gia Định là một trong những cơ sở đầu tiên rút ngắn lộ trình đào tạo ĐH từ 4 năm xuống còn 3 năm cho toàn bộ 45 ngành, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế - quản trị, khoa học xã hội - ngôn ngữ và truyền thông số.
Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường - khẳng định, rút ngắn thời gian đào tạo không phải là cắt bớt chương trình mà là tinh lọc, xây dựng lại chương trình đào tạo một cách hợp lý. Thời gian đào tạo 3 năm nhưng vẫn đảm bảo 8 học kỳ. Trong đó, năm đầu tiên, sinh viên học 2 học kỳ, 2 năm sau sẽ học 3 học kỳ/năm.
Trường rút ngắn thời gian nghỉ hè và các dịp lễ, tết để bố trí thêm 1 học kỳ, giúp đẩy nhanh tiến độ đào tạo. Quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ giảng viên cùng các chương trình hợp tác với doanh nghiệp (DN) được tính toán chặt chẽ để mặc dù chương trình đào tạo gói gọn trong 3 năm nhưng đảm bảo chất lượng.
Theo ông Trịnh Hữu Chung, trường đã kết nối với khoảng 200 DN để cung cấp những buổi học thực tế, chương trình thực tập, kiến tập cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Nhờ vậy, sinh viên được đào tạo đáp ứng sát nhất nhu cầu của DN, khi ra trường các bạn có thể tiếp cận ngay với công việc và DN cũng không mất thời gian đào tạo lại. Rõ ràng không chỉ người học mà cả DN, thị trường lao động đều có lợi.
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đào tạo 3 năm với nhiều ngành như: thanh nhạc, quan hệ quốc tế, tâm lý học, quan hệ công chúng, quản trị kinh doanh, marketing, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị nhân lực, du lịch, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản lý tài nguyên và môi trường…
Thạc sĩ Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Truyền thông - cho hay, để tối ưu hóa chương trình, nhà trường xây dựng môn học dựa trên phương án tích hợp và dành thời gian nhiều hơn cho các môn chuyên ngành, tăng cường thực hành. Từ đó, sinh viên có nhiều thời gian cho phần thực tập tại DN. Ngoài ra, việc đào tạo theo tín chỉ và áp dụng nền tảng học tập trực tuyến giúp sinh viên chủ động được kế hoạch học tập.
Theo ông, việc rút ngắn thời gian đào tạo giúp sinh viên có cơ hội tốt nghiệp sớm và tiếp cận nhanh thị trường việc làm. Ngoài ra, sinh viên có thể tiết kiệm chi phí sinh hoạt và học tập, đẩy nhanh thời gian học lên các bậc học cao hơn nếu có nhu cầu.
Sinh viên phải nỗ lực, tăng cường tự học
Mới đây, Trường ĐH Đại Nam (TP Hà Nội) cũng công bố rút ngắn thời gian đào tạo 10 ngành thuộc khối kinh tế - kinh doanh và 3 ngành thuộc khối khoa học xã hội từ 4 năm xuống 3 năm, bắt đầu từ năm học 2023-2024. Theo tiến sĩ Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường - chương trình vẫn đảm bảo 9 học kỳ với 3 học kỳ/năm. Trường đã xây dựng lại chương trình đào tạo, đề cương chi tiết các môn học theo lộ trình mới.
Trong đó, tập trung dạy kiến thức cốt lõi, rèn luyện tính tự học của sinh viên, chú trọng việc trải nghiệm tối đa “học đi đôi với hành” tại DN giúp sinh viên có kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn…
Là trường rút ngắn đào tạo toàn bộ 16 ngành học bậc cử nhân chỉ trong 3 năm, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội - thông tin, chương trình đào tạo của trường theo tiến trình Bologna (được công nhận rộng rãi ở các nước châu Âu).
Tuy thời gian đào tạo 3 năm nhưng tiến trình Bologna yêu cầu sinh viên hoàn thành 180 tín chỉ, trong khi với chương trình 4 năm tại Việt Nam chỉ yêu cầu 120-140 tín chỉ. Như vậy, thời gian đào tạo ngắn hơn nhưng khối lượng học tập nhiều hơn. 1 năm học vẫn chia làm 2 học kỳ nhưng sinh viên thường phải học cả sáng và chiều chứ không chỉ học 1 buổi như ở hầu hết ĐH khác. Mỗi học kỳ, sinh viên phải học 30 tín chỉ, mỗi tín chỉ tương đương 25-30 giờ học tập trên lớp và tự học. Điều này đòi hỏi sinh viên phải tập trung học tập hơn, chịu áp lực tốt hơn, tuy vậy cũng sẽ giúp các bạn làm quen và có khả năng thích nghi với môi trường làm việc tốt hơn sau khi ra trường.
Theo ông Trịnh Hữu Chung, tuy thời gian học 3 năm nhưng sinh viên vẫn phải hoàn thành đầy đủ các yêu cầu để tốt nghiệp, gồm đảm bảo 120 tín chỉ, đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra gồm tin học (chứng chỉ 3 kỹ năng hoặc chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao), tiếng Anh (TOEIC 450), đạt điều kiện giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng, điểm tổng kết toàn khóa từ 2.0 trở lên (theo thang điểm 4)…
Như vậy, bản thân sinh viên cần sự nỗ lực và cố gắng nhiều hơn, có kế hoạch học tập khoa học để đáp ứng những thay đổi của lộ trình đào tạo ngắn hơn.
Sinh viên cần có khả năng học tập tốt Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết tuy trường không rút ngắn thời gian đào tạo song với quy định đào tạo theo tín chỉ hiện nay, vẫn có những sinh viên hoàn thành chương trình học 4 năm chỉ trong vòng 3-3,5 năm. Đa số sinh viên tốt nghiệp sớm thường thuộc các nhóm ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kinh doanh nông nghiệp, phát triển nông thôn. Tuy vậy, không phải ngành nào cũng có thể rút ngắn thời gian học, đặc biệt là các ngành học liên quan đến sức khỏe, sinh học, công nghệ kỹ thuật… Theo quy định hiện nay, sinh viên được đăng ký số tín chỉ không vượt quá 1,5 lần khối lượng trung bình 1 học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn. Như vậy, sinh viên có thể chủ động đăng ký học tùy theo năng lực và khả năng sắp xếp thời gian của mình. “Muốn rút ngắn thời gian học mà vẫn đảm bảo chất lượng đòi hỏi sinh viên phải có sự năng động, kỹ năng quản lý thời gian và khả năng học tập tốt. Các bạn cần có chiến lược học để rút ngắn thời gian, như đăng ký học kỳ hè, tập trung cao độ vào việc học và đăng ký học phần tối đa theo quy định. Sinh viên cần nỗ lực tự học, hiểu rõ năng lực học tập của mình để đưa ra định hướng học tập phù hợp, tối ưu” - ông Trần Đình Lý góp ý. |
Phạm Luận