1.001 chuyện tâm linh
Ngay sau khi series Một nén nhang mùa ba của Huỳnh Lập ra mắt, và lập được một số thành tích ấn tượng về lượt xem, thử tìm kiếm một vòng bằng các từ khóa liên quan đến chuyện tâm linh, kinh dị, kỳ quái, YouTube hiện lên vô số nội dung tương tự. Khi thì chủ kênh YouTube ngồi kể chuyện ma được khán giả gần xa gửi về, khi thì đọc truyện sáng tác, khi thì kể lại câu chuyện do chính cá nhân trải nghiệm… Nhìn chung, chuyện tâm linh trên YouTube có đủ loại “thượng vàng hạ cám”.
Hiện tại, series Một nén nhang của diễn viên Huỳnh Lập là một trong những nội dung luôn nhận được lượng xem “khủng” sau từng tập. Các tập mới của phần ba ra mắt trong tháng 7/2021 liên tục lọt top 1 trending trên YouTube, và trụ hạng trong nhiều ngày, thậm chí có thời điểm tập mới đã phát, nhưng tập cũ vẫn nằm trong top được tìm kiếm.
|
Huỳnh Lập và hình ảnh giới thiệu series Một nén nhang mùa ba |
Ở mùa ba, Huỳnh Lập chọn những chủ đề kích thích trí tưởng tượng người xem như chuyện tâm linh tại những căn nhà trọ, chuyện kỳ quái ở hầm giữ xe, chuyện gọi hồn… Series của Huỳnh Lập khơi được sự tò mò xen lẫn sợ hãi của khán giả qua giọng kể diễn cảm, bối cảnh u ám và hiệu ứng âm thanh rùng rợn. Trong những câu chuyện của Huỳnh Lập, đâu đó cũng có yếu tố răn dạy con người sống nhân văn, nhưng nhìn chung, nếu không phải fan của thể loại này, khán giả dễ bị ám ảnh bởi câu chuyện.
Ngoài dự án được dàn dựng chỉn chu như Huỳnh Lập, nhiều kênh khác không cần đến bối cảnh được đầu tư, máy quay xịn vẫn có lượt xem khá cao. Trong đó, kênh M-TTP đã thực hiện hơn 1.100 tập kể về chuyện tâm linh; kênh CMVM với series Chuyện ma đời thật đã sản xuất hơn 600 tập; kênh ĐĐ radio có lượng theo dõi hơn 279.000 người; kênh HTM sau bảy năm lập kênh nhận được hơn 365 triệu lượt xem…
Các kênh truyện tâm linh này thời gian gần đây liên tục đăng tải video mới, có kênh hai video/ngày, thậm chí đặt lịch phát cụ thể để người xem tiện theo dõi. Nội dung kể về các điển tích, chuyện ma dân gian đồn thổi suốt nhiều năm qua, hoặc video kể về các câu chuyện được khẳng định là do khán giả gửi đến. Tuy nhiên, không ai xác định được nội dung này do trí tưởng tượng hay trải nghiệm thực tế, và liệu có khán giả hâm mộ gửi về hay chủ kênh tự tạo để hù dọa người nghe.
Chưa kể, một số kênh đăng tải nội dung liên quan việc rước thầy diệt trừ tà ma, cúng kiếng trong nhà nhằm đuổi quỷ, ngợi ca tài nghệ của các pháp sư. Các nội dung này không chỉ chứa yếu tố hù dọa, gây kinh hãi, mà còn góp phần truyền bá nạn mê tín dị đoan, vô tình khuyến khích người nghe tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp lẽ tự nhiên.
Cần siết để tránh hậu quả
Ở những giây đầu mỗi tập thuộc series Một nén nhang mùa ba của Huỳnh Lập đều có nội dung: “Cảnh báo video có sử dụng các hình ảnh kinh dị gây ám ảnh, khán giả xin vui lòng cân nhắc trước khi xem”. Đi kèm với thông báo trên là dòng chữ 18+. Kênh của Huỳnh Lập là một trong số những kênh hiếm hoi đưa dòng cảnh báo và gắn nhãn độ tuổi khán giả được phép xem nội dung. Các kênh còn lại gần như không có dòng cảnh báo nào.
Tuy nhiên, việc series Một nén nhang gắn nhãn và đưa cảnh báo không phải ê-kíp tự nguyện, mà chỉ được lồng vào sau buổi làm việc giữa Huỳnh Lập với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vào tháng 10/2020. Thời điểm đó, series Một nén nhang mùa hai vừa ra mắt ba tập và được bàn tán trên nhiều trang mạng, nhận được lượt xem cao. Sau buổi làm việc với sở, Huỳnh Lập thông báo đến khán giả, rằng vì YouTube không có chế độ ẩn nội dung trên 18 tuổi cho trẻ nhỏ, nên mong quý phụ huynh cân nhắc, không mở cho con em xem.
|
Nhiều loạn những câu chuyện ma mị trên YouTube |
Chuyên gia tâm lý Trần Quốc Phúc cho rằng, không chỉ trẻ nhỏ, mà những khán giả đủ 18 tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi xem nhiều nội dung có yếu tố hù dọa, tạo cảm giác sợ hãi. “Thời điểm xem ảnh hưởng đến tâm lý của khán giả rất lớn, ví như xem trước thời điểm đi ngủ, khi tiềm thức của con người đang mạnh còn ý thức yếu hơn, sẽ là lúc tâm trí bị tác động mạnh nhất. Với những người có nền tảng nhận thức không đủ mạnh, không vững khi xem nhiều nội dung chứa câu chuyện kinh hãi, hình ảnh kỳ quái sẽ hình thành trong não bộ tiềm thức xấu, giống như bạo lực trong chơi game, lâu dần sẽ thấy cuộc sống u tối, tiêu cực, thiếu niềm tin, thiếu động lực”, chuyên gia tâm lý Trần Quốc Phúc chia sẻ.
Trong quá trình tư vấn cho phụ huynh khi gặp các vướng mắc về cách dạy con, anh Trần Quốc Phúc từng gặp trường hợp cha mẹ để con xem tự do nội dung trên YouTube, và đứa trẻ có những hành động, thái độ khác lạ, khó dạy dỗ. Theo chuyên gia tâm lý, rất khó để phụ huynh theo sát con em trong mọi hoàn cảnh, nhưng riêng với môi trường YouTube, cha mẹ cần kỹ lưỡng về nội dung trẻ tiếp cận. Có thể giảng giải thêm để con biết vì sao nội dung chuyện tâm linh, hù dọa sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, hành động của trẻ, để con tự ý thức được việc xem là không nên.
Tháng 11/2020, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông ra Công văn số 2054/PTTH&TTĐT nêu lên thực trạng YouTube đang tồn tại nhiều kênh, và video có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam… và đề nghị Công ty Google tăng cường hơn nữa việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý một số nội dung liên quan.
Trong đó, có việc đề nghị Google ngừng chia sẻ tiền quảng cáo với các kênh YouTube khai thác nội dung nhảm nhí, phản cảm; tăng cường bộ lọc mạnh hơn nhằm loại bỏ nội dung xấu, và yêu cầu các kênh được bật kiếm tiền phải tham gia vào các công ty quản lý mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam (Multi-channel Network - MCN) để tiện quản lý nội dung đăng tải. Tuy nhiên, cho tới nay, việc triển khai theo yêu cầu từ phía cục vẫn chưa quyết liệt, những câu chuyện ma mị, truyền bá mê tín dị đoan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khánh An