Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 30/2018/TT-BYT về việc “Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế” (sau đây gọi tắt là Thông tư 30) có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Trẻ bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn
|
Nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả bị ngưng thanh toán
Những ngày qua, số lượng bệnh nhân nhập viện do sốt xuyết huyết đang tăng mạnh. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện chưa có dấu hiệu giảm, mỗi ngày có từ 10-20 ca nhập viện.
Ngồi chăm con bị sốt xuất huyết nặng, chị V.H.Q. (29 tuổi, nhà ở Quận 8) cho biết: “Sáng nay, cô y tá nói bảo hiểm y tế sẽ không còn thanh toán một số loại thuốc, trong đó có dịch truyền HES. Tôi không hiểu vì sao lại bỏ thuốc này ra?”
Bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) – phân tích: Trong số 10 ca sốt xuất huyết thì có 1-2 ca nặng, và trong 30% ca nặng phải dùng dịch truyền HES. Dịch truyền cao phân tử HES tạo áp lực keo để hút nước vào động mạch, giữ thể tích lòng mạch, duy trì huyết áp. Đây là dung dịch chủ lực trong những trường hợp chống sốc, nhất là sốc kéo dài. Nhiều khi truyền dịch khác không có hiệu quả, nhưng truyền HES vào thì bệnh nhân đỡ ngay.
|
Dịch truyền cao phân tử HES điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Phùng Huy. |
Chi phí một chai HES 500ml là 200.000 đồng. Bệnh nhi nặng 20kg thường dùng 4-6 chai cho một đợt điều trị. HES là một trong số loại dịch truyền chứa hoạt chất là tinh bột este hóa - Hydroxyethyl starch có thể không được bảo hiểm y tế thanh toán trong điều trị sốt xuất huyết.
Trong Thông tư 30, Bộ Y tế ghi rất chung chung: “Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không mang lại hiệu quả đầy đủ”. Vì vậy, các bệnh viện không biết loại dịch truyền này có được thanh toán bảo hiểm y tế hay không với những trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, sốc giảm thể tích tuần hoàn. Trong khi, phác đồ điều trị năm 2015 của Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng dịch truyền HES khi điều trị các bệnh lý này.
Nhiều loại thuốc không còn được bảo hiểm y tế thanh toán theo Thông tư 30 cũng gây thiệt thòi cho nhiều bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Đơn cử như thuốc tiêm chứa hoạt chất Rituximab chỉ còn thanh toán cho bệnh nhân ung thư (u lympho không phải Hodgkin tế bào B có CD20 dương tính), chứ không chi trả cho trẻ bị các bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng thận hư. Loại thuốc này rất mắc khoảng 30 triệu đồng/lọ.
|
Một bệnh nhi bị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM |
Hay chế phẩm Immune globulin dạng tiêm giá vài triệu đồng/lọ cũng không còn được bảo hiểm y tế thanh toán cho hội chứng thực bào máu, xuất huyết giảm tiểu cầu nguyên phát ở trẻ em, viêm cơ tim tối cấp.
Tình hình này cũng xảy ra tương tự tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khi những bệnh nhân HIV, viêm gan siêu vi B không còn được thanh toán bảo hiểm y tế. Cụ thể, với người bị viêm gan siêu vi B dù dùng thuốc uống Adefovir dipivoxil đúng phác đồ Bộ Y tế ban hành năm 2014 vẫn không còn được bảo hiểm y tế chi trả.
Hay thuốc uống Itraconazol, thuốc Flucytosin điều trị nấm trên bệnh nhân HIV/AIDS theo phác đồ của Bộ Y tế năm 2017 cũng bị rút khỏi danh sách thanh toán.
Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản khẩn ra Bộ Y tế
Các bệnh viện cho biết, việc bảo hiểm y tế không chi trả nhiều loại thuốc cho người bệnh không ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện nhưng lại thiệt thòi cho người bệnh. Nếu chẳng may bệnh nhân mắc các bệnh dùng thuốc đắc tiền đến vài chục triệu đồng/lọ như thuốc Rituximab sẽ rất khó khăn để trả viện phí. Trong lúc chờ ý kiến từ Bộ Y tế, các bệnh viện buộc phải làm theo luật định, tránh bảo hiểm y tế không quyết toán.
|
Nhiều bệnh nhi đang đối diện không được bảo hiểm y tế thanh toán nhiều loại thuốc. Ảnh: Phùng Huy. |
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM mong Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 cho phù hợp phác đồ điều trị, để giúp bệnh nhân bảo hiểm y tế được thanh toán.
Thạc sĩ dược sĩ Đỗ Văn Dũng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM – cho biết, những loại thuốc này trước đây được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tháo gỡ và thanh toán cho người bệnh. Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế ra Thông tư 30 lại không chấp nhận điều này. Phản ảnh với Sở Y tế, nhiều bệnh viện cho rằng Thông tư 30 không thanh toán cho nhiều loại thuốc nên gây khó khăn cho người bệnh.
Thậm chí, ngay cả bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối, chuyên môn cao cũng do dự sử dụng thuốc vì lo người bệnh không đủ khả năng chi trả. Sở Y tế đang tập hợp các ý kiến từ các bệnh viện. Nếu ý kiến nào các bệnh viện hiểu chưa đúng, Sở sẽ hướng dẫn lại. Còn vấn đề nào gây khó khăn, vướng mắc trong hạn chế thanh toán, quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế và không phù hợp nhu cầu điều trị của bệnh viện thì Sở có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo.
Văn Thanh