Một số bạn đọc vừa kêu cứu với Báo Phụ Nữ TPHCM vì nghi bị kẻ gian đánh thuốc mê, chiếm đoạt tài sản.
Theo Luật Dược 2016 và các thông tư hướng dẫn liên quan, chỉ những cơ sở y tế có chức năng gây mê, có bác sĩ gây mê mới được phép mua thuốc mê, thuốc ngủ, thuốc an thần. Nhưng trên thực tế, thuốc mê đang được bán tràn lan, chỉ cần gọi điện là sẽ được giao tận nơi, kể cả loại thuốc mê nguy hiểm có tên “hơi thở
của quỷ”.
Bán thuốc mê nguy hiểm với giá “bèo”
Cách đây vài ngày, một phụ nữ với dáng vẻ tiều tụy tìm đến Báo Phụ Nữ TPHCM kêu cứu, cho biết mình bị đánh thuốc mê, lấy mất 5 triệu đồng. Đó là chị L.T.T., quê tỉnh Bến Tre, tạm trú Q.3, TPHCM.
|
Chị T. thuật lại việc mình có dấu hiệu bị hai đối tượng gây mê để chiếm đoạt tiền |
Chị T. kể, ngày 29/3, chị ứng 5 triệu đồng từ công ty để đóng học phí cho con trai. Khi ra khỏi chỗ làm được một đoạn (thuộc P.4, Q.3), chị gặp hai người đàn ông tự xưng là bác sĩ ở một bệnh viện lớn và một phụ nữ tự xưng là khách hàng của hai bác sĩ này. Họ giới thiệu với chị T. một loại thuốc có công dụng chữa bệnh mắt và xương khớp. Cuộc trò chuyện diễn ra chỉ trong vài phút nhưng chị T. đã đưa sạch 5 triệu đồng cho hai người đàn ông trên. Nhiều ngày sau đó, chị T. không nhớ gì đến việc mình đã đưa tiền cho hai người xa lạ. Đến khi con trai hỏi về tiền đóng học phí, chị T. mới cố nhớ lại và biết mình đã bị chiếm đoạt tiền.
“Tôi cắt chỉ quần áo thuê, phải cắt 10.000 cái quần, mới được 5 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với tôi nên tôi không dễ gì đưa cho người khác. Tôi nghĩ, kẻ gian đã dùng thuốc mê hay làm gì đó khiến tôi mất ý thức và đưa tiền cho họ” - chị T. khẳng định.
Trước đó, bà L.T.C. - ở Q. Tân Bình, TPHCM - cũng trình bày với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM rằng, bà bị một nhóm người bán thuốc làm cho mất ý thức rồi lừa lấy 3 triệu đồng: “Tôi có người thân làm ở bệnh viện, họ nghi tôi đã bị các đối tượng đánh loại thuốc mê có tên “hơi thở của quỷ” rồi chiếm đoạt tiền, vì lúc đó, tôi gần như bị mất ý thức, đưa tiền theo sự sai khiến của người lạ”.
Tới đây, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những trường hợp trên, xem các nạn nhân đã bị chiếm đoạt tiền bằng thuốc mê hay bằng một phương thức khác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều loại thuốc mê đang được bày tràn lan và công khai. Thậm chí, loại thuốc nguy hiểm có tên “hơi thở của quỷ” cũng được bán với giá 1,5 triệu đồng/chai.
Lần theo một nhóm kín trên mạng xã hội, chúng tôi đã liên lạc với ông Đ. - khoảng 40 tuổi, được giới thiệu là “vua thuốc mê”. Chưa kịp hỏi chúng tôi mua thuốc mê để làm gì, ông Đ. nói ngay: “Scopolamine chỗ anh bán giá 1,5 triệu đồng, cam kết hàng thật, hộp màu đỏ. Em mua chỗ khác là hàng không thật đâu”.
Trên các trang mạng, thuốc mê được rao bán khá phổ biến. Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ trên mạng xã hội Facebook, đã có hơn 10 shop rao bán thuốc mê, cam kết giao hàng tận nơi ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Theo ông Đ., ở TPHCM, muốn mua hàng, chỉ cần chốt số lượng, sau đó đến gần một bệnh viện lớn ở Q. Gò Vấp, sẽ có người chạy xe đến giao hàng. Ông Đ. cho biết, scopolamine là loại thuốc thôi miên dạng nước không mùi, không màu, không vị nên rất dễ uống. Loại thuốc này có tác dụng hỗ trợ thôi miên, khiến người dùng không mê man và dễ bị sai khiến. Chính vì vậy, loại thuốc này được ví von là “hơi thở của quỷ”.
Khi chúng tôi liên lạc qua số điện thoại 0966xxx006 của trang “xxx thuốc 247” - nơi rao bán nhiều loại thuốc mê với giá khá “mềm” - một người đàn ông tên Tuấn cho biết, shop có hai loại thuốc được khá nhiều người mua là GHB và Viga Sleep. Hai loại thuốc này được nhập từ nước ngoài về nên chất lượng tốt, đảm bảo hiệu quả 100%. Tuấn nói: “Viga Sleep giá 900.000 đồng, còn GHB thì giá 1 triệu đồng. Loại GHB rất tốt, mỗi lần dùng, chỉ cần nhỏ hai giọt vào 100ml nước. Nếu đồng ý, anh gửi hàng đến tận nơi, em chỉ việc nhận thôi”.
|
Loại thuốc mê có tên “hơi thở của quỷ” được rao bán công khai với giá 1,5 triệu đồng/chai |
Nhiều hiểm họa khó lường
Theo bác sĩ Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TPHCM) - tất cả những nhóm thuốc mê, thuốc ngủ, thuốc an thần đều được Bộ Y tế quản lý rất chặt chẽ, chỉ những cơ sở y tế được phép gây mê, mới được phép mua thuốc mê. Việc bán tự do các loại thuốc như trên là trái phép.
Cũng theo bác sĩ Khương, mọi người cần phân biệt thuốc mê và thuốc ngủ. Trong y tế, thuốc mê có hai loại, loại chích và loại hít (phải có dụng cụ chuyên dụng để đưa hơi mê qua đường thở hoặc đặt ống nội khí quản, từ đó thuốc mê ngấm vào phế nang, mao mạch rồi vào trong máu).
Nếu kẻ xấu muốn đánh thuốc mê, chúng phải dùng một lượng thuốc rất lớn để đạt được nồng độ nhất định trong máu. Nếu dùng lượng thuốc mê lớn, sẽ có mùi rất nồng và hôi, nạn nhân sẽ nhận ra ngay sự khác thường, trừ phi đang ngủ và bị thổi thuốc mê vào phòng. Cũng có trường hợp nạn nhân bị kẻ xấu gây án bằng thuốc ngủ nhưng lại tưởng lầm đó là thuốc mê. Thuốc ngủ thường được hung thủ pha vào nước rồi mời nạn nhân uống, khiến nạn nhân ngủ mê man.
Bác sĩ Khương cho biết, loại thuốc có tên scopolamine, được ví như “hơi thở của quỷ” được chiết xuất từ hoa loa kèn ở Nam Mỹ, không mùi, không màu. Trong y tế, người ta thường dùng scopolamine để chống nôn cho người bệnh, nhưng hiện nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam không còn thuốc này.
“Scopolamine vô cùng nguy hiểm. Kẻ xấu chỉ cần đi ngang, quẹt thuốc vào, nạn nhân hít phải sẽ lập tức mất nhận thức dù vẫn thức, giống như bị thôi miên. Nạn nhân khi ấy đáp ứng và làm theo yêu cầu của kẻ xấu nhưng khi tỉnh lại thì hoàn toàn không nhớ gì cả” - bác sĩ Khương thông tin.
|
Scopolamine, được ví như “hơi thở của quỷ” được chiết xuất từ hoa loa kèn ở Nam Mỹ |
Trong quá trình công tác tại bệnh viện, bác sĩ Khương từng ghi nhận có nạn nhân được đưa vào cấp cứu trong trạng thái mê man, khi tỉnh dậy mới biết mình bị kẻ xấu đánh thuốc. Theo bác sĩ Khương, thuốc mê là nhóm thuốc gây hại cho gan, thận. Do đó, một số nạn nhân bị đánh thuốc sau đó có biểu hiện vàng mắt, vàng da do suy gan cấp tính. Để hạn chế nguy cơ bị kẻ gian đánh thuốc mê, thuốc ngủ, người dân cần lưu ý, không ăn uống đồ do người lạ mời và khi ngủ trong nhà, nên để phòng ngủ thoáng.
“Riêng với loại thuốc “hơi thở của quỷ” thì không có cách nào phòng ngừa. Chính vì vậy, rất cần sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trước tình trạng rao bán tràn lan loại thuốc này trên mạng. Với việc người bán ngang nhiên cho số điện thoại liên hệ, cơ quan chức năng sẽ không khó để lần ra manh mối” - bác sĩ Khương nói.
Một cán bộ Công an Q. Bình Thạnh, TPHCM cho hay, trước đây, Công an Q. Bình Thạnh từng phá một vụ án dùng thuốc mê để chiếm đoạt tài sản, xảy ra ở Bến xe Miền Đông. Đối tượng gây án đã tiếp cận, làm quen hành khách, mời ăn cơm, uống nước có thuốc mê rồi cướp tài sản.
Phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn nhận định, việc thủ phạm dùng các loại thuốc gây mê, gây tê là nhằm khiến nạn nhân tê liệt ý chí, mất khả năng bảo vệ tài sản, từ đó cướp tài sản. Các cách gây mê thường thấy là cho ăn uống, tiêm hoặc xịt.
“Theo tôi, tốt nhất, người dân nên cảnh giác, không nên mang theo quá nhiều trang sức, tài sản đến những nơi đông người nhằm tránh bị đối tượng xấu để ý. Không nên quá tin tưởng người lạ ở bến xe, bến tàu và đặc biệt là không dùng thức ăn, đồ uống mà họ đưa cho mình. Khi bị mất tài sản, nên trình báo sự việc với cơ quan chức năng để họ giúp tìm lại tài sản đã mất” - phó giáo sư Đỗ Cảnh Thìn khuyến cáo.
Các vụ đánh thuốc mê chiếm đoạt tài sản gần đây
- Trong tháng 3/2021, Tòa án nhân dân TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử một băng nhóm chuyên tổ chức dàn cảnh, dẫn dụ những người giàu có ăn nhậu chung rồi lén bỏ thuốc mê vào đồ uống của nạn nhân, sau đó gài độ, ép ký giấy vay nợ để chiếm đoạt tài sản. Đối tượng N.T.T. - sinh năm 1978, ở Q. Bình Tân, TPHCM, người cầm đầu nhóm này - bị tuyên phạt 17 năm tù.
- Ngày 6/3, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hòa - ở TP. Cần Thơ - về hành vi cướp tài sản. Trước đó, Hòa đã lên xe khách từ TPHCM đi tỉnh Phú Yên và tiếp cận ông P.V.N. - quê tỉnh Phú Yên - rồi đánh thuốc mê để lấy một sợi dây chuyền vàng 18 chỉ 18K và một vòng đeo tay bằng vàng 12 chỉ 18K.
|
Thanh Huyền-Sơn Vinh