“Bị cấm” vì Bộ chưa ban hành kịp hướng dẫn
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM – chia sẻ: Hiện Bộ Y tế chưa ban hành hết các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho tất cả các bệnh lý ở trẻ em. Trong khi đó, nhiều loại thuốc đã được thế giới hướng dẫn điều trị chuẩn nên Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Viên Nhi Trung ương (Hà Nội) đã cập nhật vào phác đồ điều trị của bệnh viện mình để kịp chữa cho người bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 lo lắng các loại thuốc “bị cấm” thanh toán bảo hiểm y tế này không có thuốc khác thay thế. Cụ thể là thuốc Mycophenolate, thuốc Tacrolimus (cùng trị bệnh hội chứng thận hư, Lupus đỏ hệ thống); thuốc chích Octreotid được sử dụng trong hạ đường huyết kéo dài, hạ đường huyết do cường insulin.Khó khăn là các loại bệnh không có trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ cấp phép nên các bệnh viện sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Thúy – Trưởng khoa Thận Máu Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đang điều trị ngoại trú cho 400 – 500 trẻ bị hội chứng thận hư thì hết 40% trường hợp phải dùng thuốc chứa hoạt chất Mycophenolate.
Trong hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế thì thuốc Mycophenolate chỉ dùng cho các trường hợp ghép thận. Tuy nhiên, loại thuốc này lại rất hiệu quả cho các trường hợp bị hội chứng thận hư, bệnh Lupus đỏ hệ thống, bệnh Henoch Schonlein có biến chứng viêm thận.
Thuốc Mycophenolate đã được thế giới đưa vào phác đồ hướng dẫn điều trị (tháng 6/2016) với các chứng cứ y học rất hiệu quả. Nếu hiệu quả điều trị của thuốc có 4 mức độ thì loại thuốc này dùng cho hội chứng thận hư, lupus ban đỏ đạt ở mức độ 1.
Do đó, nếu Bộ Y tế quyết định không thanh toán bảo hiểm y tế với loại thuốc này từ ngày 1/1/2019, thì nhiều trẻ có nguy cơ bỏ thuốc bởi mỗi viên thuốc Mycophenolate có giá từ 20.000 – 30.000 đồng, mỗi ngày bệnh nhi phải uống từ 6-8 viên và uống ít nhất liên tục trong 3 năm. Nếu bỏ thuốc trẻ tử vong nhanh chóng.
Tương tự, với trẻ bị hạ đường huyết phải chích Octreotid 1 lọ/ngày với giá 200.000 – 300.000 đồng. Trẻ phải chích mỗi ngày và kéo dài ít nhất 3 năm. Nếu không có thuốc, trẻ bị co giật di chứng não.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trước đây bảo hiểm xã hội cũng từng ngưng thanh toán các thuốc này và sau đó bệnh viện và bảo hiểm đã giải quyết xong.
Nếu bảo hiểm xã hội tiếp tục không thanh toán thì các bệnh viện sẽ mời Sở Y tế tham dự để cùng tháo gỡ.
Căn cứ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc: chưa hợp lý
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, các bác sĩ nhận định: hiện nay nhiều loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng (như: Omeprazol, Esomeprazol, Pantoprazol, Rabeprazol) chỉ được bảo hiểm y tế thanh toán khi người bệnh mắc bệnh do stress gây ra đang nằm ở khoa hồi sức tích cực, còn ở khoa thường bác sĩ phải chọn loại thuốc có ghi chỉ định điều trị cụ thể trong tờ hướng dẫn sử dụng theo từng loại thuốc thuộc hồ sơ đăng ký thuốc.
Nếu thanh toán dựa vào tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sẽ thiệt thòi cho các bệnh nhân và gây khó khăn cho bác sĩ khi kê toa. |
Một dược sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phân tích: hiện nay các thuốc nhóm điều trị bệnh dạ dày tá tràng đều có cùng cơ chế ức chế bơm proton làm giảm tiết acid dịch vị để điều trị các bệnh gây ra hoặc có liên quan đến vấn đề dư acid dạ dày (như viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản,…) hoặc điều trị nhiễm H.Pylori, phòng ngừa loét dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm...
Và thực tế lâu nay bác sĩ chỉ dựa vào cơ chế chung của nhóm thuốc này và mục đích điều trị để kê toa chứ không phải xem từng tờ hướng dẫn của công ty đăng ký thuốc. Chưa kể, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của cùng một hoạt chất nhưng khác công ty đăng ký thì nội dung cũng có sự khác biệt, không thống nhất hoặc không cập nhật đầy đủ. Bởi có những thuốc sau khi lưu hành một thời gian thì qua các nghiên cứu phát hiện thuốc có thêm hiệu quả điều trị khác được các hướng dẫn chuyên ngành khuyến cáo nhưng chưa được ghi trong hướng dẫn của công ty đăng ký. Nếu thanh toán dựa vào tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sẽ thiệt thòi cho các bệnh nhân và gây khó khăn cho bác sĩ khi kê toa.
|
|
Nhiều bác sĩ tại các bệnh viện ở TP.HCM đề nghị Cơ quan Bảo hiểm xã hội nên thống nhất các chỉ định được thanh toán trong Thông tư 30 thay vì dựa theo chỉ định của tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, để thuận lợi cho công tác kê toa, quản lý sử dụng – thanh toán thuốc và công tác đấu thầu thuốc vì các bệnh viện không thể lấy tiêu chí chỉ định của tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để xét thầu, mà nguyên tắc đầu tiên để được thanh toán BHYT là thuốc phải trúng thầu.
Thạc sĩ dược sĩ Đỗ Văn Dũng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM cho rằng: “Bên cạnh quy định thanh toán thuốc dựa theo tờ hướng dẫn thì ngay cả việc thanh toán thuốc theo phác đồ của Bộ cũng nên xem xét kỹ. Thực tế, nhiều bác sĩ trong nước hiện nay đi học, dự hội nghị khoa học ở nước ngoài, họ nhanh chóng tiếp thu kiến thức từ các hiệp hội khoa học khu vực, quốc tế, ứng dụng ngay cho bệnh nhân Việt Nam mà trong phác đồ của Bộ lại chưa cập nhật.
Vì vậy, theo tôi nên giữ nguyên quy định cũ, nghĩa là thanh toán bảo hiểm y tế với các thuốc có chỉ định thuốc phù hợp với chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép hoặc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc có trong phác đồ điều trị của các bệnh viện đã thực hiện trước đây.
Còn với những quy định chưa rõ ràng (trường hợp không có chỉ định trong trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép, không có trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế nhưng cần thiết trong điều trị, Bộ Y tế sẽ lập Hội đồng để xem xét cụ thể từng trường hợp), Bộ Y tế cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết để tránh xảy ra tình huống bệnh viện không dám sử dụng thuốc cho người bệnh, hoặc thu tiền của bệnh nhân sẽ gây thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm y tế”.
Từ ngày 1/1/2019, Thông tư 30/2018/TT-BYT về việc “danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vu được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế” do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực.
|
Văn Thanh