Nhiều loài cá trên sông Mê Kông sắp sửa biến mất

15/03/2024 - 06:04

PNO - Sông Mê Kông đang phải đối mặt với vô số mối đe dọa khiến nhiều loài cá đang dần mất đi.

Sông Mê Kông là nơi sinh sống của 1.148 loài cá cùng với hàng chục triệu người mưu sinh dựa vào đó. Tuy nhiên theo các nhà môi trường, con sông dài nhất Đông Nam Á đang phải đối mặt với vô số mối đe dọa, bao gồm việc xây đập thủy điện, khai thác cát, quản lý thủy sản kém… khiến nhiều loài cá đang dần mất đi.

74 loài cá có nguy cơ tuyệt chủng 

Báo cáo mới nhất của liên minh các nhóm môi trường khu vực và quốc tế cho hay: 19% các loài cá trên sông Mê Kông đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những thay đổi do con người tạo ra. Quần thể cá cạn kiệt sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng chục triệu người đang sống phụ thuộc vào dòng sông.

Một ngư dân đánh bắt cá trên sông Mê Kông ở tỉnh Loei, Thái Lan - Ảnh: Tom Fawthrop
Một ngư dân đánh bắt cá trên sông Mê Kông ở tỉnh Loei, Thái Lan - Ảnh: Tom Fawthrop

“Sự suy giảm đáng báo động về quần thể cá trên sông Mê Kông là lời cảnh tỉnh khẩn cấp. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để đảo ngược tình trạng tai hại này vì các quốc gia sông Mê Kông không thể để mất chúng” - Lan Mercado - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) - nói. 

25 nhóm hoạt động môi trường ở khu vực và quốc tế đã xem xét và công bố báo cáo tác động khác nhau trên con sông dài 4.900km - bao gồm cả biển hồ Tonle Sap của Campuchia. Theo đó, số lượng cá đã giảm đến 88% trong khoảng thời gian 2003-2019. Các tác giả cho biết có 74 loài cá nằm trong danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) bị đánh giá “có nguy cơ tuyệt chủng”. Ngoài  ra, theo chỉ số về đa dạng sinh học được quốc tế công nhận có 18 loài cá đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Báo cáo cho biết thêm rằng dữ liệu được công khai chưa phản ánh đúng thực tế, vì còn rất nhiều loài sống trong dòng sông chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng và “có thể nói rằng số lượng các loài cá ở sông Mê Kông bị đe dọa cao hơn nhiều so với con số 74”. Việc nhiều loài cá biến mất có thể làm trầm trọng thêm nạn phá rừng trong khu vực do hàng triệu người trước đây sống bằng nghề đánh cá giờ đây buộc phải chuyển sang mưu sinh bằng cách làm ruộng, khai thác lâm nghiệp. Cần nhớ rằng sông Mê Kông chiếm khoảng 15% sản lượng cá đánh bắt nội địa toàn cầu.

Báo cáo đã đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó có kêu gọi các quốc gia thuộc khu vực sông Mê Kông bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái của dòng sông. Đặc biệt là cam kết thực hiện Thử thách nước ngọt (Freshwater Challenge) - một sáng kiến cấp quốc gia được khởi xướng tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu châu Phi 2023 nhằm bảo tồn hệ sinh thái nước ngọt nguyên vẹn và phục hồi 300.000km sông ngòi và 350 triệu héc ta đất ngập nước vào năm 2030.

Các tác giả của báo cáo cũng đề nghị các nước tăng khả năng dòng chảy tự nhiên của sông, cải thiện chất lượng nước, bảo vệ môi trường sống, các loài quan trọng đồng thời loại bỏ các quy định lỗi thời vốn là rào cản trong việc bảo vệ sông Mê Kông.

"Thang cá" không thể giúp cá vượt qua đập

Nhà báo người Anh chuyên về lưu vực sông Mê Kông là Tom Fawthrop cho rằng: tác động tàn khốc của các đập thủy điện đối với hệ sinh thái sông Mê Kông và cuộc sống của hàng triệu người phụ thuộc vào dòng sông đang bị phớt lờ bởi các nhà hoạch định chính sách. Từng là dòng sông trù phú, cung cấp nguồn cá dồi dào cho người dân dọc theo bờ sông nhưng sự phát triển ồ ạt của các con đập đã loại bỏ nghề cá và gây ra những hậu quả sinh thái nghiêm trọng.

Thang cá tại đập Xayaburi (hoàn thành vào năm 2019) ở Lào. Các chuyên gia cho biết nó không thể giúp cá di chuyển qua đập - Ảnh: The Diplomat
Thang cá tại đập Xayaburi (hoàn thành vào năm 2019) ở Lào. Các chuyên gia cho biết nó không thể giúp cá di chuyển qua đập - Ảnh: The Diplomat

Báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho thấy, số lượng lớn các loài thủy sản di cư bị đe dọa do việc xây dựng đập. Tiến sĩ Ian Baird - chuyên gia thủy sản Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) - khẳng định: “Việc di trú theo kiểu này hay kiểu khác luôn rất quan trọng đối với đại đa số các loài cá ở sông Mê Kông. Đập thủy điện đã làm giảm đa dạng sinh học cá ở lưu vực sông”.

Hơn 50 triệu ngư dân và người phụ thuộc vào nghề cá trên sông Mê Kông đang phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng đánh bắt, sự suy thoái của hệ sinh thái do các con đập gây ra. Tuy nhiên hoạt động bảo vệ dòng sông của MRC bị xem là không đủ đối với mục tiêu thúc đẩy và phối hợp quản lý, phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia.

MRC đã tin tưởng vào công nghệ thang cá (fish ladder) - cấu trúc được thiết kế trên hoặc xung quanh đập nước - sẽ giúp duy trì sự di cư tự nhiên của các loài cá. Tuy nhiên từ lâu, các chuyên gia đã khẳng định những hạn chế của giải pháp này.

Tiến sĩ Eric Baran - nhà tư vấn thường xuyên của MRC - đã có bài thuyết trình tại diễn đàn quản trị nguồn nước vào tháng 7/2023 với tiêu đề “Hy vọng sai lầm về việc cá đi qua các đập cao trên sông Mê Kông”.

Theo đó, sau 25 năm nghiên cứu về các con sông nhiệt đới châu Á, ông kết luận: “Vẫn chưa có một trường hợp nào thành công về đường đi của cá và sự bền vững quần thể thông qua việc sử dụng thang cá”.

Tiến sĩ Ian Cowx - Giám đốc Viện Thủy sản Hull (Anh) - cũng cho rằng: các cơ chế giúp cá di chuyển không hiệu quả với những con đập lớn trên các con sông nhiệt đới. 

Nam Anh (theo AFP, The Straits Times, The Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI