Sau khi đi qua buồng khử khuẩn toàn thân, khách đi vào bên trong quán cơm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cảm thấy bớt lo lắng hơn về nguy cơ lây nhiễm vi-rút trong những ngày dịch COVID-19 lan rộng, số ca nhiễm ở TP.HCM liên tục tăng lên. Song, chiếc buồng khử khuẩn đặt trước quán cơm bình dân này giống như một liệu pháp tâm lý hơn là công trình khoa học đã được kiểm chứng về hiệu quả phòng dịch.
Dễ tạo cảm giác an toàn giả tạo
|
Các sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân phòng chống dịch COVID-19 ở TP.HCM cần được kiểm chứng thêm về tính hiệu quả và độ an toàn cho người sử dụng - Ảnh: Minh Thanh |
Chia sẻ với báo chí, chủ quán cơm trang bị buồng khử khuẩn toàn thân nói trên cho biết, sản phẩm này được thiết kế, lắp đặt và vận hành giống như một chiếc máy phun sương. Chỉ khác, thay vì tỏa ra hơi nước, dung dịch được phun ra là hóa chất có tính năng sát khuẩn.
“Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi đã tự thiết kế buồng khử khuẩn này để thực khách không mang vi-rút - mầm bệnh vào trong quán”, chủ quán chia sẻ với vẻ mặt khá tự tin vào hiệu quả của chiếc buồng khử khuẩn, phòng dịch này.
Sau khi thông tin về quán cơm bình dân trang bị buồng khử khuẩn toàn thân được đăng tải trên nhiều tờ báo, không ít người dân ở TP.HCM tỏ ra khá thích thú. Một số người sẵn sàng mua ngay sản phẩm này, nhất là chủ các quán ăn, quán giải khát đang chịu những tổn thất nặng nề từ dịch COVID-19.
“Bỏ ra chưa tới 10 triệu đồng mà lắp đặt được cái buồng khử khuẩn toàn thân để khách yên tâm vào quán thì quá tốt. Nếu đúng là cái buồng khử khuẩn đó có hiệu quả ngăn chặn được vi-rút lây nhiễm thì chắc chắn tới đây sẽ có rất nhiều nơi mua lắp đặt’’, anh Tuấn, chủ một quán cà phê ở Q.3 đang đối mặt với tình trạng quán vắng đìu hiu vì dịch COVID-19, bày tỏ sự hy vọng về chiếc buồng khử khuẩn có thể cải thiện được tình trạng buôn bán ế ẩm.
Ngoài quán cơm ở Q.Phú Nhuận, hiện nay một số đơn vị, cơ sở y tế ở TP.HCM cũng nghiên cứu và lắp đặt buồng khử khuẩn toàn thân đề phòng chống dịch COVID-19. Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, một cựu bác sĩ có nhiều năm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng ở TP.HCM tỏ ra khá dè dặt khi nói về tính hiệu quả của sản phẩm này.
“Đọc thông tin trên các báo, tôi thấy cái buồng khử khuẩn toàn thân đó hoạt động khá đơn giản, chưa được cơ quan chuyên môn nào thẩm định về tính hiệu quả. Do đó, nếu sản phẩm này được sử dụng rộng rãi rất dễ tạo cảm giác an toàn giả tạo cho người dân. Họ cứ nghĩ rằng, khi đi qua cái buồng đó thì sẽ không sợ bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Vì thế, nếu nhiều nơi lắp đặt chiếc buồng này sẽ làm cho số người dân đi ra ngoài đường để ăn uống vui chơi tăng lên. Điều này đi ngược lại chủ trương kêu gọi người dân hạn chế ra đường để ngăn ngừa dịch COVID-19 mà ngành y tế đang thực hiện để chống dịch”.
Trên diễn đàn của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ (PGS-TS-BS) Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch hội, cũng bày tỏ: “Người xưa có câu “có bệnh thì vái tứ phương”. Trước những tình huống thập tử nhất sinh, bệnh nhân thường tìm kiếm bất cứ điều gì có thể đem lại cho họ niềm hy vọng để chữa khỏi bệnh. Trong vụ dịch COVID-19 với diễn tiến phức tạp này, các nhà khoa học luôn suy nghĩ tìm mọi biện pháp để có thể phòng ngừa lây nhiễm, tiêu diệt được vi-rút trên cơ thể con người. Buồng khử khuẩn toàn thân di động có lẽ cũng ra đời từ ý tưởng này”.
Theo PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, trong bệnh viện, việc ứng dụng hóa chất khử khuẩn dưới dạng phun sương để khử khuẩn bề mặt môi trường đã được sử dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các nhà sản xuất hướng dẫn khi sử dụng các hóa chất phun sương, tuyệt đối không có người trong phòng. Hóa chất được phun ra từ máy tự động và sau khi kết thúc quá trình phun, phải chờ ít nhất hai giờ sau mới được cho người vào phòng.
Hiệu quả chưa rõ, nguy hiểm chực chờ
|
Buồng khử khuẩn được thiết kế gồm: cảm biến phát hiện người và tự động phun với 3 đèn báo hiệu. Ảnh: Minh Thanh |
PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư cho rằng, hệ thống buồng khử khuẩn toàn thân được thiết kế dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch nước muối ion hóa (anolyte) dạng sương phun toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể người đang được sử dụng tại một số nơi ở TP.HCM còn nhiều vấn đề lo ngại. “Thật ra, anolyte (đôi khi còn gọi nhầm là nước ô-zôn), đã được sử dụng từ rất lâu trong đời sống như một hóa chất khử khuẩn bề mặt môi trường chứ rất ít dùng trên con người”, BS Lê Thị Anh Thư giải thích.
Cụ thể, theo BS Lê Thị Anh Thư, trong y tế, chất anolyte được sử dụng chủ yếu để khử khuẩn các dụng cụ, bề mặt buồng bệnh, phòng mổ, máy móc, vật dụng hằng ngày. Có một số công trình ghi nhận anolyte có thể sử dụng để điều trị một số vết thương ngoài da, niêm mạc. Tuy nhiên, khả năng điều trị bệnh chưa được khẳng định do thiếu các chứng cứ y học.
“Bất kỳ hóa chất nào khi sử dụng trên con người cần phải chứng minh được tính hiệu quả và an toàn. Vậy câu hỏi đặt ra, buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng anolyte dưới dạng phun sương có khử khuẩn được toàn cơ thể không và có đem lại an toàn cho người sử dụng không?”, người đứng đầu Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM đặt vấn đề.
Vị Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM lập luận thêm: “Trước tiên, nói về tính hiệu quả, không thể kết luận được liệu anolyte có diệt vi-rút SARS-CoV-2 không, nhưng có thể tạm chấp nhận là có thể có, do suy ra từ các khảo sát trong thí nghiệm là anolyte đã diệt được một số vi khuẩn, vi-rút. Nhưng vấn đề quan trọng tiếp theo cần đặt ra là liệu có an toàn cho người sử dụng không? Khi hóa chất được sử dụng dưới dạng phun sương, người bước vào buồng khử khuẩn có thể hít các hạt sương đó. Hạt sương hóa chất càng nhỏ thì càng dễ đi vào các phế nang phổi và có thể gây thương tổn nhu mô phổi. Trong khi đó, nhà sản xuất chưa cung cấp được ngưỡng an toàn để hít phải hạt sương chứa clo hoạt tính là bao nhiêu”.
Từ những vấn đề trên, PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, khuyến cáo: “Giả sử một người đi vào buồng 20 giây, thì số lượng clo khí dung hít vào là bao nhiêu? Nếu một người quá lo lắng về việc nhiễm COVID-19 và xem buồng khử khuẩn như một giải pháp, họ sẽ cố tình đi ra đi vào buồng khử khuẩn nhiều lần, hoặc đứng thật lâu trong đó, thì thời gian bao lâu sẽ mắc bệnh do phơi nhiễm với hóa chất? Ngoài ra, tỷ lệ người bị dị ứng với clo hoạt tính phun sương là bao nhiêu? Những câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp”.
“Theo tôi, buồng khử khuẩn toàn thân di động nên dùng để khử khuẩn các bề mặt thiết bị, vật dụng, ví dụ có thể thiết kế lại để khử khuẩn các vật dụng khó chùi rửa như xe đẩy, băng-ca… Để khử khuẩn trên cơ thể người, cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng hơn trước khi đưa vào áp dụng trong thực tế”, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM bày tỏ thêm.
Phóng đại về khả năng sát khuẩn của khẩu trang vải
Hiện nay, có tình trạng nhiều cơ sở bán khẩu trang vải cho rằng loại khẩu trang này cũng có tính năng sát khuẩn cao trong phòng chống dịch COVID-19. Thậm chí, có cơ sở còn quảng cáo khẩu trang vải sau 30 lần giặt tính năng sát khuẩn vẫn còn. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này, TS-BS Lê Văn Nhân, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, phân tích: “Để tìm hiểu, tôi đã mua một số loại khẩu trang quảng cáo có tính năng diệt khuẩn và nhận thấy các sản phẩm này chưa tiến hành khảo nghiệm tính năng diệt khuẩn cũng như không thấy công bố theo tiêu chuẩn nào về mặt diệt khuẩn. Việc quảng cáo khẩu trang vải sau 30 lần giặt vẫn còn khả năng kháng khuẩn hoàn toàn không có cơ sở khoa học để chứng minh”.
|
Trung Thanh