Nhiều lao động chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần để xoay xở tết

21/01/2024 - 06:16

PNO - Mất việc làm, lương thấp, không có thưởng tết... khiến nhiều lao động tại TPHCM như “ngồi trên đống lửa” vì gánh nặng chi tiêu, nhất là khi tết đang đến gần. Để có tiền xoay xở, họ chọn phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Phải rút bảo hiểm xã hội vì chẳng còn cách nào 

Tại trụ sở Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Bình Tân, hơn 9g mà vẫn còn rất đông người xếp hàng chờ lấy số để làm thủ tục xin rút BHXH 1 lần. Nhiều người trong số đó đã đến 2-3 lần nhưng không còn số để bốc. Hết chỗ ngồi, họ ngồi cả trên bậc thang lối ra vào để chờ. 

Người dân nộp hồ sơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần tại Bảo hiểm xã hội quận Bình Tân
Người dân nộp hồ sơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần tại Bảo hiểm xã hội quận Bình Tân

Lần đầu đến làm thủ tục, chị N.N.V. (quê Tiền Giang) lúng túng với thông tin phải kê khai, nên phải hỏi hết người này đến người khác mới hoàn tất phiếu khai. Chị V. cho biết: “Với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, tôi đủ sống một mình và có tích lũy. Nhưng mẹ tôi bị bệnh nặng, số tiền tích lũy được đã phải rút ra để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng bệnh viện thông báo mẹ tôi chỉ còn sống khoảng 6 tháng nữa. Chẳng còn cách nào, tôi phải xin nghỉ việc để rút BHXH 1 lần dù biết sẽ mất quyền lợi về sau. Có lẽ tôi sẽ về quê tìm công việc khác để ở với mẹ”.

Tại trụ sở BHXH TP Thủ Đức, lúc 7g30, anh Nguyễn Văn Lượm Anh (40 tuổi, quê Sóc Trăng) cầm giấy tờ đến làm tờ khai xin rút BHXH 1 lần. Nước da rám nắng, gương mặt hằn những vết nhăn, anh thở dài kể: “Tôi làm công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã 9 năm nay, vợ chồng còn nuôi con nhỏ. Bị mất việc làm trong đợt cắt giảm lao động vừa rồi khiến gia đình tôi rất khó khăn. Cả tháng nay tôi xin đi phụ hồ để có tiền phụ vợ trang trải cuộc sống. Cực chẳng đã mới quyết định rút bảo hiểm 1 lần, vì biết rút ra sẽ hết và sẽ mất quyền lợi. Dù rất tiếc nhưng không còn cách nào khác. Với mức lương 7 triệu đồng/tháng, tôi sẽ rút được hơn 60 triệu đồng vừa giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, vừa có tiền về quê đón tết với mẹ cha”. 

Đồng cảnh ngộ, chị Thanh Phương (quê Long An) rầu rĩ kể, vì công ty cắt giảm lao động nên chị mất việc, đến nay đã tròn 1 năm. Thời gian qua chị làm đủ thứ nghề, từ đi dọn dẹp nhà cửa đến rửa chén thuê, nhận đồ về may gia công.

“Gia đình chỉ còn trông chờ vào thu nhập chạy xe ôm công nghệ của chồng, mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng. Tôi đã lớn tuổi, xin việc cũng khó khăn nên rút BHXH để cuối năm vợ chồng có chút quà về quê ăn tết” - chị Phương nói.

Tỉ lệ rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ còn tăng  

Ông Trần Dũng Hà - Phó giám đốc BHXH TPHCM - cho biết, trong năm 2023, có khoảng 112.000 người lao động rút BHXH 1 lần, tăng 3,9% so với năm 2022. Nhiều người cùng đi rút BHXH đã gây nên tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm ở một số cơ quan BHXH quận, huyện như quận 12, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức.

Về nguyên nhân nhiều người cùng chờ rút BHXH trong thời gian qua, ông Trần Dũng Hà nhìn nhận: hiện nay, việc giải quyết hồ sơ hưởng BHXH 1 lần không phân biệt nơi cư trú, nghĩa là người lao động có thể nộp hồ sơ tại bất cứ cơ quan BHXH quận, huyện nào trên cả nước. Tuy nhiên, đa số người lao động tại TPHCM đến từ các địa phương khác và chưa rõ quy định này, nên mới tập trung nộp hồ sơ tại TPHCM.

Nguyên nhân thứ hai là trong 3 năm 2021, 2022 và 2023, số lao động bị sa thải do mất việc làm tăng đột biến, trong khi một số trụ sở BHXH ở các quận, huyện còn chật hẹp, biên chế còn ít, nên đã xảy ra tình trạng quá tải, người dân phải trải chiếu, giăng mùng trước cổng một số đơn vị để chờ được giải quyết. Và cuối cùng là do Luật BHXH đang sửa đổi, có nhiều thông tin truyền miệng không đúng liên quan đến quy định mới về việc rút BHXH 1 lần, khiến người lao động hoang mang, đổ xô đi rút 1 lần. 

Ông Trần Dũng Hà nhận định: “Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế sau dịch COVID-19, trong năm 2023 nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân sự, nên dự báo trong năm 2024 số người làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm 1 lần sẽ tiếp tục tăng”. 

Ông cũng thông tin thêm, hiện nay BHXH TPHCM đã có một số phương án không để xảy ra tình trạng người lao động phải xếp hàng xuyên đêm như thời gian vừa qua. Cụ thể, các đơn vị sẽ nhận hết hồ sơ nộp trong ngày, kể cả khi đã hết giờ làm, kết hợp với việc tiếp nhận hồ sơ qua bưu điện, nộp hồ sơ trực tuyến và cố gắng giải quyết sớm nhất cho người dân. 

Về góc độ doanh nghiệp, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam - kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến các doanh nghiệp và người lao động, bởi hiện rất nhiều công nhân quyết định rút BHXH 1 lần là do chưa hiểu rõ những quy định, chính sách.

Cũng theo ông Hồng, cần phải nghiên cứu, thực hiện những chính sách để duy trì việc làm cho người lao động như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; cho vay ưu đãi, hỗ trợ tiền để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. 

Tú Ngân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI