Nhiều lao động bị “sang chấn tinh thần” do đại dịch COVID-19

08/11/2021 - 11:54

PNO - ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, nhiều lao động bị “sang chấn tinh thần”, để lại nhiều di chứng dài lâu nên cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời.

ĐBQH Trần Văn Khải lo lắng, người lao động bị ảnh hưởng tâm lý do COVID-19 sẽ để lại các di chứng dài lâu
ĐBQH Trần Văn Khải lo lắng, người lao động bị ảnh hưởng tâm lý do COVID-19 sẽ để lại các di chứng dài lâu

Doanh nghiệp không giữ được lao động ngay cả khi đã mở cửa

Sáng 8/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) chỉ ra nhiều khó khăn mà lực lượng lao động, đặc biệt là công nhân đã gặp phải trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

"Giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng theo tôi hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục. Trước đây việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa", ĐBQH Trần Văn Khải nói.

Để giải quyết tình trạng này, ĐBQH Trần Văn Khải đã kiến nghị 3 giải pháp. Thứ nhất, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng, hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất.

Các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống…

Thứ hai, ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.

Thứ ba, Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách dự phòng để giải quyết các tình huống bất thường. “Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", ĐBQH Trần Văn Khải kiến nghị.

Cán bộ lơ là, chủ quan - căn bệnh trầm kha tại một số địa phương?

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhắc lại câu chuyện cán bộ đi đánh golf trong khi giãn cách xã hội, câu chuyện bánh mì không phải mặt hàng thiết yếu... để dẫn chứng cho việc một số cán bộ
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhắc lại câu chuyện cán bộ đi đánh golf trong khi giãn cách xã hội, câu chuyện bánh mì không phải mặt hàng thiết yếu... trên nghị trường quốc hội

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, thực thi công vụ về phòng, chống dịch còn bất cập ở nhiều nơi. Dẫn chứng về việc Chính phủ chỉ đạo thống nhất lưu thông hàng hoá, không ban hành giấy phép con, nhưng một số địa phương vẫn đặt ra yêu cầu cao, quá mức cần thiết gây cản trở, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan chống dịch. Bà đặt câu hỏi, đây có phải là "căn bệnh trầm kha" ở một số nơi? Dẫn chứng cho vấn đề này là thời gian qua, có chuyện cán bộ đi đánh golf trong thời gian giãn cách, tuy nhiên khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực. Bên cạnh đó, có trường hợp xô xát giữa cán bộ và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, hoặc có cán bộ xa rời thực tế như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu!

ĐBQH tỉnh Nam Định ủng hộ quan điểm của Thủ tướng là thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách "không COVID-19". Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với dịch bệnh này. Do đó, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đồng thời, ĐB đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch.

Minh Quang

 
TIN MỚI