Nhiều kỳ vọng ở những người viết trẻ

15/10/2024 - 06:54

PNO - Hội nghị Những người viết trẻ lần 5-2024 không chỉ là cuộc hội ngộ của những người cầm bút trẻ mà còn là dịp gặp gỡ các nhà văn nhiều thế hệ. Rất nhiều trao gửi và kỳ vọng của thế hệ trước dành cho người viết trẻ hôm nay.

Người trẻ được truyền lửa đam mê, sáng tạo

Hội nghị Những người viết trẻ lần 5-2024 khai mạc tại TPHCM vào sáng 11/10, sau đó đoàn có chuyến về An Giang giao lưu với các cây bút đồng bằng sông Cửu Long trong ngày 12 - 13/10. Đúng như chủ đề “Đồng hành khát vọng phương Nam”, người viết trẻ được truyền cảm hứng cũng như sự tin tưởng, kỳ vọng từ những người đi trước.

Có mặt tại chương trình tọa đàm, nhà văn, đạo diễn 95 tuổi Xuân Phượng đã trao lời nhắn nhủ đến người trẻ: văn chương không có tuổi và người cầm bút sẽ không bao giờ già đi nếu họ vẫn giữ được trái tim thanh xuân. “Không có giới hạn nào cho sáng tạo cũng như không vật chất nào có thể đánh đổi được tình yêu văn chương của những người cầm bút” là tâm tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những nhà văn đi trước đã đến, ngồi cùng, lắng nghe và truyền lửa cho người viết trẻ. Đó có lẽ là điều ý nghĩa nhất, đồng thời để lại những khoảnh khắc lắng đọng và cảm động trong cuộc hội ngộ lần này.

Cao Việt Quỳnh  (ảnh trên),  Trần Phú Minh Anh  (ảnh dưới) - 2 trong nhiều gương mặt  tiêu biểu của thế hệ người viết trẻ hôm nay  - Nguồn ảnh:  Hội Nhà văn TPHCM
Cao Việt Quỳnh...
 (ảnh trên), Trần Phú Minh Anh (ảnh dưới) - 2 trong nhiều gương mặt tiêu biểu của thế hệ người viết trẻ hôm nay - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM
... và Trần Phú Minh Anh - 2 trong nhiều gương mặt tiêu biểu của thế hệ người viết trẻ hôm nay - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM

“Những người cầm bút đi trước, dù muốn hay không, năm tháng cứ bào mòn thể lực, trí lực và cả niềm đam mê sáng tạo. Nếu không có được đội ngũ cầm bút tiếp nối, chúng ta thử hình dung một đoàn tàu với sự vận hành dù có nhẫn nại, kiên trì đến đâu đi nữa, rồi cũng có lúc già nua, mỏi mệt và không tránh khỏi nguy cơ bị đứt gãy. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ đi trước về tài năng, trí tuệ, phẩm hạnh và cả sự dấn thân cống hiến để khai mở lối đi mới, chân trời mới” - nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - bày tỏ.

Thế hệ tiếp nối hôm nay, đáng mừng là đã có những cây bút tỏa sáng từ khi còn rất trẻ: Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) với giải thưởng Sách quốc gia cho bộ truyện Người sao chổi, Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007) với giải A của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ Một ngày từ bên trong. Và rất nhiều cây bút học sinh - sinh viên nổi bật từ những giải thưởng văn chương: Hoàng Yến, Trần Văn Thiên, Vĩ Hạ…

“Sự tiếp nối cho chúng ta hy vọng về sự bồi đắp bền bỉ của sáng tạo văn chương. Văn chương trẻ TPHCM đang hình thành những tác giả mang phẩm chất công dân toàn cầu. Họ thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Họ hoàn toàn có khả năng tự tin hội nhập với văn chương quốc tế” - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn TPHCM - nhận định.

“Hãy học ngoại ngữ” là điều mà nhà văn Xuân Phượng nhắc đi nhắc lại với các nhà văn trẻ. Vì đó cũng là con đường gần nhất để văn chương Việt có thể tiệm cận với thế giới, để người cầm bút có thể tiếp nhận và chia sẻ những giá trị xuyên biên giới.

Và người trẻ đã sẵn sàng

Có 100 đại biểu trẻ (sinh năm 1984 trở về sau) tham dự hội nghị Những người viết trẻ lần này. Một thế hệ người cầm bút mới đã được nhận diện với những tên tuổi nổi bật: Lê Quang Trạng, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trần Đức Tín, Võ Chí Nhất, Huỳnh Trọng Khang, Lâm Phương Lam, Nguyễn Trần Thiên Lộc… Họ thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, văn học thiếu nhi, thơ, sách tranh… Họ cùng cất tiếng nói của thế hệ mình, từ trang viết đến những tham luận giãi bày về tình yêu dành cho văn chương, sự dấn thân, khám phá, khát vọng, trách nhiệm cùng những góc nhìn trước hiện thực hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhắn nhủ: “Hãy viết, hãy sống với tất cả nỗi sợ hãi, sự kiêu hãnh, trí tưởng tượng phi thường và điên rồ của mình. 10 năm, 20 năm nữa chính các bạn sẽ trở thành chủ nhân của nền văn học Việt Nam. Sứ mệnh của văn học đặt vào tay các bạn. Hãy thật khát vọng, thật mê đắm và hãy viết vì vẻ đẹp của con người”. Những trang viết của nhà văn có thể góp phần lan tỏa giá trị bản sắc và phẩm cách của dân tộc, đó là vinh dự mà cũng là trách nhiệm cao cả của người cầm bút.

“Những người trẻ đang gánh trên vai trách nhiệm kép khi vừa làm người kế thừa di sản quý báu của lịch sử dân tộc, vừa đối diện những vấn đề của đời sống đương đại, trách nhiệm gìn giữ chủ quyền quốc gia, sự tha hóa quyền lực, sự xuống cấp đạo đức, sự giằng xé những học thuyết và khuynh hướng, những nỗ lực vươn lên từ sai lầm, đổ vỡ… Rất nhiều hiện thực ngổn ngang đặt ra cho người viết trẻ hôm nay” - nhà văn Trầm Hương nói.

Văn chương trẻ TPHCM đã từng có một lực lượng với những tên tuổi: Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Tiến Đạt, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Phong Việt… Hành trình được tiếp nối với những gương mặt đã và đang tạo dấu ấn trên văn đàn: Trần Ngọc Mai, Võ Đăng Khoa, Phát Dương, Nguyễn Trần Khải Duy, Trần Trọng Đoàn, Đoàn Nguyễn Anh Minh…

Văn chương là hành trình đơn độc của mỗi người cầm bút và đòi hỏi ý thức “dấn thân, tận tụy suốt đời” - như chia sẻ của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Đường dài vẫn chờ đợi quả ngọt từ “cánh rừng xanh biếc và tràn đầy sức sống” từ thế hệ cầm bút trẻ.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI