Trẻ hóa liên hoan phim
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23 gây chú ý vì có lượng phim tham dự cao nhất lịch sử (177 phim). Ở thể loại được quan tâm nhất - phim truyện điện ảnh - có 16 phim trong chương trình dự thi và 14 phim đưa vào chương trình toàn cảnh, không thi. So với LHP trước, số phim truyện dự thi giảm sút nhưng đây lại là lần đầu có phim của sinh viên, phim của đạo diễn 85 tuổi.
|
Cảnh các sinh viên đang làm phim 9 - 1 trong 16 phim truyện điện ảnh dự thi |
16 phim truyện dự thi không chỉ phản ánh sự phong phú về thể loại (tình cảm, tâm lý, hành động, giật gân ly kỳ, cổ trang - lịch sử), đề tài, kinh phí đầu tư mà còn cho thấy sự đa dạng về hiệu ứng người xem (phim gây tranh cãi như Đất rừng phương Nam, Em và Trịnh; phim đoạt giải quốc tế như Tro tàn rực rỡ; phim nắm kỷ lục doanh thu trong nước như Nhà bà Nữ).
Trong đó sự xuất hiện của 9 - bộ phim dài tổng hợp từ 9 phim ngắn tốt nghiệp của 9 đạo diễn là sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - là điểm nhấn khác biệt nhất của LHP năm nay. Với kinh phí vỏn vẹn 300 triệu đồng chủ yếu từ tiền cá nhân, một ê kíp không chuyên đã lần lượt đổi vai cho nhau ở các vị trí như sản xuất, quay phim, phục trang, đạo cụ, dựng bối cảnh, diễn viên… để hoàn thành phim.
Từ trước đến nay, cuộc đua Bông sen vàng không có chỗ cho đối tượng sinh viên mà chỉ là cuộc cạnh tranh giữa phim nhà nước và tư nhân hoặc giữa những đạo diễn kỳ cựu và đạo diễn làm phim đầu tay. Việc đưa phim của sinh viên vào chương trình dự thi cho thấy tư duy cởi mở và ban tổ chức đang đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, đang mong muốn trẻ hóa LHP quốc gia.
Đã qua 22 lần tổ chức, hơn bao giờ hết, công chúng yêu điện ảnh rất trông chờ những điều mới mẻ, nhất là kết quả giải thưởng của LHP. Kỳ vọng đó phần nào được củng cố khi nhìn vào ban giám khảo năm nay với sự có mặt của đạo diễn Charlie Nguyễn và Trịnh Đình Lê Minh. Đây là 2 gương mặt thường xuyên “cầm cân nảy mực” ở các cuộc thi dành cho các đạo diễn trẻ; do đó, góc nhìn dễ dàng tiệm cận với người làm phim trẻ.
Tại đường đua năm nay, số người lần đầu ra riêng làm phim nhỉnh hơn các kỳ LHP trước như Trần Dần (phim Kẻ ẩn danh), Hằng Trịnh (Mười: Lời nguyền trở lại), Andy Trần (Fanti), Trấn Thành (Nhà bà Nữ), tập thể sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (phim 9).
Tăng cường kết nối điện ảnh với du lịch
LHP Việt Nam lần thứ 23 diễn ra trong bối cảnh các địa phương liên tiếp tổ chức các LHP, giải thưởng điện ảnh để tăng cường quảng bá du lịch. Việc LHP quốc gia lần đầu đến thành phố du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng nằm trong mục tiêu dùng điện ảnh để phát triển du lịch, thực thi chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa mà Chính phủ đã đề ra.
|
Đất rừng phương Nam sẽ có mặt ở Liên hoan phim năm nay |
Chính vì vậy, một dấu ấn nổi bật khác ở LHP năm nay là sự chủ động rõ rệt của địa phương trong việc tăng cường liên kết với sự kiện, chứ không còn thụ động chỉ là điểm dừng chân như trước đây.
Diễn ra trùng với dịp Đà Lạt chào mừng kỷ niệm 130 năm tuổi, LHP có nhiều hoạt động mang tính gắn kết điện ảnh với du lịch như triển lãm Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh, chương trình chiếu các phim Việt Nam có bối cảnh tại Đà Lạt qua các thời kỳ, địa phương tặng giải thưởng Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ cho tác phẩm điện ảnh có bối cảnh quay tại Lâm Đồng - Đà Lạt.
Không phải đợi đến khi LHP diễn ra mà trước đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện như phát động cuộc thi Tìm hiểu 70 năm Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam theo hình thức trực tuyến dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Đà Lạt, tổ chức Tuần lễ phát triển thương hiệu du lịch Đà Lạt, triển lãm ảnh nghệ thuật Đà Lạt xưa và các gian hàng tiêu biểu về ngành nghề trọng tâm của TP Đà Lạt - Lâm Đồng tại ven bờ hồ Xuân Hương.
Việc đưa lễ khai mạc, bế mạc và nhiều hoạt động khác ra ngoài trời (quảng trường Lâm Viên, cạnh hồ Xuân Hương) thay vì tổ chức trong khán phòng nhà hát như thường thấy cũng là cách làm hay của địa phương, giúp kết nối sự kiện đến với rộng rãi khán giả hơn.
Mới đây, UBND tỉnh vừa ra công văn chỉ đạo ngưng thu phí từ 16g trở đi tại các bãi giữ xe ở quảng trường Lâm Viên trong 4 ngày 20, 21, 23 và 25/11. Hành động đẹp và tinh tế này cho thấy chuyển biến lớn trong nhận thức, tư duy của một đơn vị “chủ nhà” tổ chức LHP.
Các địa phương giờ đây đã thực sự tận dụng cơ hội đăng cai sự kiện văn hóa tầm quốc gia để thúc đẩy phát triển du lịch, biết cách biến một LHP thành dịp chào mời đầu tư, phát triển kinh tế.
LHP Việt Nam lần thứ 23 diễn ra từ ngày 21 - 25/11. Nhìn vào những nét mới kể trên, có thể kỳ vọng LHP Việt Nam từ đây sẽ mang một sắc thái, diện mạo khác, phục vụ tốt cho chiến lược lớn đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp mũi nhọn để phát triển văn hóa mà Nhà nước đề ra.
Hương Nhu