Nhiều kiểu lừa đảo phòng trọ nhắm vào tân sinh viên

27/08/2024 - 06:06

PNO - Vừa nhận kết quả trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Gia Bảo - quê tỉnh Đồng Tháp - liền vào các hội nhóm Facebook chuyên cung cấp phòng trọ cho sinh viên để tìm phòng. Bảo đã chọn được 1 phòng trọ tốt và chuyển tiền đặt cọc theo yêu cầu của chủ trọ nhưng sau đó người này cắt liên lạc.

Mất tiền vì phải đặt cọc sớm

Nhà trọ mà Bảo chọn được rao nằm trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), vừa gần trường vừa gần trung tâm thành phố. Phòng rộng chừng 20m2, có gác và có đầy đủ nội thất, có bãi giữ xe và cổng vân tay an toàn, giá 3 triệu đồng/tháng. “Người đăng bài liên tục hối tôi cọc tiền để giữ phòng vì có rất nhiều người muốn đến xem trực tiếp, mà tôi thì vẫn còn ở quê. Sợ mất phòng đẹp, giá rẻ nên tôi chuyển cho họ 1 triệu đồng giữ phòng. Khi lên tới thành phố, tôi liên hệ lại thì họ không trả lời, sau đó chặn liên lạc luôn. Hiện, tôi phải ở nhờ nhà chị họ để chờ nhập học và tìm một phòng trọ khác” - Bảo kể.

Một kiểu lừa gạt tân sinh viên khác cũng phổ biến không kém là mô tả một đàng, phòng trọ một nẻo. B.M. - tân sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM - tìm được trên Facebook phòng ở quận 3, giáp với quận 5, giá chỉ 3 triệu đồng/tháng, điện 3.500 đồng/kWh, nước 50.000 đồng/người, không phát sinh chi phí khác. Qua hình ảnh từ chủ trọ, M. thấy phòng rất ổn. Thế nhưng khi nhận phòng, M. mới biết phòng nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, chật và tối. Khi bước vào phòng, M. bị sốc trước không gian hẹp và tối, tiếng ồn từ các phòng bên, nhà vệ sinh thì cũ. Thậm chí, M. phải bò khi leo lên gác vì chỉ cần đứng khom lưng cũng đã đụng đầu vào trần nhà.

Một tân sinh viên tìm phòng trọ tại quận Gò Vấp, TPHCM - ẢNH: T.T.
Một tân sinh viên tìm phòng trọ tại quận Gò Vấp, TPHCM - Ảnh: T.T.

Nhiều tân sinh viên còn gặp tình huống chủ trọ đột ngột tăng giá phòng sau khi đã hoàn tất thỏa thuận. Điển hình như M.T. - tân sinh viên Trường đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM.

Vào TPHCM từ sớm, T. tìm phòng trọ tại quận Bình Thạnh để dễ đi làm thêm. Phòng có diện tích chừng 20m2, không có gác, nội thất cơ bản nhưng giá đến 4 triệu đồng/tháng, tiền cọc là 4,7 triệu đồng. Chưa kể, giá điện là 3.800 đồng/kWh, giá nước 100.000 người, phí dịch vụ 150.000 đồng/người/tháng, chỗ gửi xe 100.000 đồng/xe/tháng. Thấy vậy, T. đổi hướng TP Thủ Đức và tìm được một phòng trọ có giá chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền điện tính theo giá nhà nước, nước 12.000 đồng/m3. T. đặt cọc 400.000 đồng để giữ phòng, hẹn 2 ngày nữa chuyển đến. Nhưng ngay hôm sau, chủ trọ đã gọi lại cho T. báo giá phòng tăng lên 2,2 triệu đồng do có nhiều người muốn thuê. Vì không muốn mất thêm thời gian và tiền cọc, T. bấm bụng chấp nhận mức giá mới.

Lập văn bản cho mọi giao dịch

Luật sư Trương Hồng Điền - Đoàn Luật sư TPHCM, Trưởng văn phòng luật sư Xuân Phú - nhận định, hình thức lừa đảo tiền cọc phòng trọ hiện rất phổ biến. Những kẻ lừa đảo sẽ cung cấp địa chỉ trọ không có thật, “vòi” tiền cọc của tân sinh viên nhưng tránh né việc dẫn đi xem phòng, hoặc cho xem phòng trọ của người khác, không thuộc sở hữu của mình. Đến ngày nhận trọ thì đối tượng biến mất kèm tiền cọc đã nhận được.

Ngoài ra, cũng có trường hợp chủ nhà trọ cố tình quảng cáo hấp dẫn để thu hút tân sinh viên. Họ dùng những căn phòng mẫu khang trang, rộng rãi để lấy lòng tin và lập giấy thỏa thuận về tiền đặt cọc. Nhưng khi tân sinh viên nhận phòng thì lại bàn giao phòng có chất lượng kém hơn, thêm chi phí khác hoặc tìm cách hoãn thời gian nhận phòng… Với tâm lý cần nhanh chóng tìm được chỗ ở, tân sinh viên đành bỏ cọc để tìm phòng khác.

Ông cũng nói thêm rằng, trong quá trình thuê trọ, nếu 2 bên chỉ thỏa thuận miệng thì rất khó để bảo vệ quyền lợi của sinh viên khi phát sinh tranh chấp. Do đó, mọi giao dịch tiền bạc đều cần lập thành văn bản và sinh viên phải ký hợp đồng thuê nhà dạng văn bản với bên cho thuê. Hợp đồng cần ghi nhận rõ tình trạng của phòng trọ trước khi bàn giao, các chi phí cố định và phát sinh (nếu có), tiền cọc, thời gian gia hạn hợp đồng, thời gian báo trước khi chuyển trọ. Khi bị lừa đảo, sinh viên có thể trình báo cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, Trường đại học Công Thương TPHCM - nhấn mạnh, tân sinh viên hãy cẩn trọng nếu thấy quảng cáo phòng trọ có giá rẻ bất thường. Những căn phòng này có thể không an toàn, thuộc khu vực phức tạp hoặc có điều kiện sinh hoạt kém. Tân sinh viên có thể liên hệ anh chị khóa trên hoặc phòng công tác sinh viên để được hỗ trợ. Hiện tại, Đoàn trường cũng đã chuẩn bị sẵn gần 12.000 chỗ trọ an toàn để giới thiệu cho tân sinh viên. Ông cũng khuyến khích tân sinh viên nên ở ký túc xá trong thời gian đầu đại học. Chi phí ở ký túc xá rẻ hơn phòng trọ, chỉ khoảng 5 triệu đồng/10 tháng. Mỗi năm, ký túc xá trường tiếp nhận khoảng 700 tân sinh viên, còn 300 là sinh viên cũ có điều kiện khó khăn.

Một kênh an toàn để tân sinh viên tìm chỗ ở trọ là Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM. Hiện trung tâm đang giới thiệu nhà trọ cho sinh viên thông qua phần mềm trực tuyến tại: https://sac.vn/, ứng dụng http://app.sac.vn/nhatro, SV 360 và chuyên trang https://sukien.sac.vn/vlnt. Tại đây, chủ nhà trọ và sinh viên có thể đăng tải nhu cầu cho thuê hoặc tìm kiếm nhà trọ. Ông Lê Nguyễn Nam - Phó giám đốc trung tâm - thông tin, đến thời điểm này, trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.000 chỗ ở thuộc 300 nhà trọ và 15 ký túc xá trường đại học. Mức giá trung bình của các phòng dao động từ 2,5-4 triệu đồng/phòng/tháng cho 2-3 người…

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI