Nhiều kiến nghị về quy trình xử lý các vụ xâm hại, bạo lực gia đình

05/08/2022 - 06:41

PNO - Báo cáo của Hội LHPN Q.10 cho biết, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận 12 đơn thư liên quan đến bạo hành gia đình, ghi nhận hai trường hợp xâm hại tình dục trẻ em.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại giữa cán bộ, hội viên phụ nữ với lãnh đạo Quận ủy, UBND Q.10, TP.HCM với chủ đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em vào sáng 4/8, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (P.4) nêu ý kiến, trong thời gian qua trên địa bàn xảy ra vụ xâm hại trẻ em, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án. Tuy nhiên, khi vụ việc được đưa ra xét xử vào ngày 7/1/2022, vì lý do nào đó mà người nhà của trẻ không thể tham dự phiên tòa, nên sau nửa năm, phía bị hại không hề hay biết gì về kết quả của vụ án, kẻ phạm tội bị xử lý thế nào, bị hại có được bồi thường thiệt hại gì không. “Từ trường hợp cụ thể này, tôi kiến nghị hội đồng xét xử gửi bản án cho gia đình nạn nhân” - bà Nguyệt đề nghị. 

Tại buổi gặp gỡ, các dì, chị đã nêu nhiều ý kiến, góp ý thẳng thắng cho cấp ủy, chính quyền các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em
Tại buổi gặp gỡ, các dì, chị đã nêu nhiều ý kiến, góp ý thẳng thắn cho cấp ủy, chính quyền các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em

Liên quan đến quy trình tiếp nhận và xử lý các vụ xâm hại trẻ em, chị Nguyễn Thị Thu Hương (P.5) cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, có vụ việc yêu cầu xác minh từ Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 chuyển về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng này yêu cầu phường xác minh và báo lại trong vòng hai ngày. Nhận được thông tin, cán bộ trẻ em và phụ nữ phường bắt tay ngay vào việc, nhưng phải hai ngày sau mới gặp được người cần gặp. Vì vậy, không thể báo cáo sự việc đúng thời hạn. “Có những trường hợp, để xác minh và báo cáo vụ việc trong vòng hai ngày là quá gấp gáp. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần linh hoạt, có thêm thời gian đối với những trường hợp đặc biệt” - chị Hương đề nghị.

Tại buổi gặp gỡ - đối thoại, nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em cũng được hội viên, phụ nữ nêu ra. Chẳng hạn, trẻ bị kẻ xâm hại đe dọa nên không dám báo với người thân, dẫn tới việc bị xâm hại nhiều lần. Nhiều trẻ em khi bị cha mẹ hoặc người thân đánh đập nhưng không biết đó là hành vi bạo hành; cũng không biết bị đánh ở mức độ nào thì cần báo các cơ quan chức năng... Nhiều ý kiến mong chính quyền có những giải pháp hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, như tăng cường sự tham gia của trường học và thường xuyên mở các lớp hướng dẫn kỹ năng mềm giúp trẻ em nâng cao nhận thức tự bảo vệ mình.

Lãnh đạo các ban, ngành Q.10 cũng đã lắng nghe, trao đổi và tiếp thu những kiến nghị, góp ý của hội viên phụ nữ.
Đại diện lãnh đạo các ban, ngành Q.10 cũng đã lắng nghe, trao đổi và tiếp thu những kiến nghị, góp ý của hội viên phụ nữ.

 

Báo cáo của Hội LHPN Q.10 cho biết, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận 12 đơn thư liên quan đến bạo hành gia đình, ghi nhận hai trường hợp xâm hại tình dục trẻ em. 

Theo ông Lê Văn Minh, Bí thư Quận ủy Q.10, an toàn cho phụ nữ và trẻ em là công việc quan trọng và cần thiết cần phải tập trung phòng nhiều hơn chống và khi đã chống thì phải chống cho hiệu quả. “Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng Hội phụ nữ hay của một ban ngành, đoàn thể nào và phải phát huy thêm tinh thần, trách nhiệm của cả xã hội. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền từ quận đến phường phải nâng cao hiệu quả lãnh đạo, đưa các nghị quyết, chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, phải tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để đạt được mục đích, hiệu quả trong công tác phòng chống…", ông Lê Văn Minh nhấn mạnh.

 Nguyệt Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI