Nhiều kiến nghị hỗ trợ phụ nữ trong cuộc sống và phát triển sự nghiệp

14/10/2024 - 06:38

PNO - Ngày 11/10 vừa qua, lãnh đạo TPHCM đã có buổi gặp gỡ với 150 phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực năm 2024. Tại buổi gặp, nhiều ý kiến đã đề xuất lãnh đạo thành phố quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho nữ giới tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Tăng cường cán bộ nữ về cơ sở

Sau 4 năm công tác ở Hội LHPN huyện Nhà Bè, năm 2023, chị Nguyễn Kiều Thu được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân. Tiếp nhận nhiệm vụ mới, chị Nguyễn Kiều Thu có những lo lắng, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp ủy, chị thấy mình ngày càng trưởng thành, có cơ hội và điều kiện thể hiện bản lĩnh, năng lực.

Theo chị, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ. Các địa phương, đơn vị đã quan tâm tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, phân công về cơ sở…

Cá nhân mình, chị vừa được tham gia chuyến công tác tại Hàn Quốc và đúc kết được nhiều kinh nghiệm, trong đó có việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến 100%, tuyển dụng công chức và lãnh đạo theo cơ chế mở, các chính sách hỗ trợ người yếu thế, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc chung tay hỗ trợ an sinh xã hội…

Chị Nguyễn Kiều Thu đề xuất: “Lãnh đạo thành phố cần tăng cường phân công cán bộ nữ về cơ sở, bố trí ở nhiều vị trí công tác, đặc biệt là cán bộ nữ trẻ, để các chị được tích lũy thêm kinh nghiệm, có điều kiện phát huy sức trẻ, sự sáng tạo và nhiệt huyết, góp phần xây dựng địa phương”.

Chị cũng đề xuất lãnh đạo thành phố quan tâm, cử cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và cao hơn là các khóa đào tạo ở nước ngoài để cán bộ nữ có tầm nhìn rộng hơn, sâu hơn và đổi mới hơn trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay.

Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực năm 2024
Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực năm 2024

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó giám đốc Sở Nội vụ, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TPHCM - thông tin, theo chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”, đến năm 2025, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% thì đến thời điểm hiện nay (tháng 6/2024), thành phố có 286/357 cơ quan, đơn vị có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 80,11%.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm khẳng định: “Về cơ bản, sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý, đa số các cơ quan, đơn vị đều có lãnh đạo chủ chốt là nữ theo quy định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số sở, ngành chưa có lãnh đạo chủ chốt là nữ, như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải…”.

Từ những thông tin trên, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm đề xuất lãnh đạo thành phố quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho nữ giới tham gia vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp, hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nhất là chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sắp tới.

Cần các chính sách chăm lo, hỗ trợ y tế cho lao động nữ

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến, tâm tư tình cảm của các chị em đang hoạt động trên các lĩnh vực của đời sống. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, cần có các chính sách chăm sóc y tế, hỗ trợ khám bệnh phụ khoa; chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đối với phụ nữ lao động tự do, nội trợ có hoàn cảnh khó khăn…

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố - đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, ưu tiên đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đảm bảo quyền bình đẳng với cán bộ y tế.

Đại diện cho tiếng nói nữ công nhân, chị Lê Thị Việt - công nhân Công ty TNHH Schneider Electric Manufacturing Việt Nam - đề xuất thành phố cân đối, đảm bảo số lượng trường học để học sinh được học trường công; xây dựng các nhà trẻ - trường mầm non công lập tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với thời gian gửi và đón con linh hoạt.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - đánh giá, hội nghị là dịp để lãnh đạo thành phố gặp gỡ, động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đề xuất của giới nữ. Tại hội nghị gặp gỡ năm nay, các chị em đã tham gia ý kiến cho nhiều nội dung, ở nhiều góc độ, tập trung vào các vấn đề liên quan đến đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố; tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các vấn đề liên quan đến công tác bình đẳng giới và đảm bảo an sinh xã hội…

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM - khẳng định: lãnh đạo thành phố đánh giá cao những ý kiến đóng góp cũng như những thành tích, thành tựu mà phụ nữ đã đạt được trên các lĩnh vực. Đảng bộ, chính quyền thành phố đặt niềm tin, mong các cấp hội tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ nữ các giới đồng hành, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững. Mỗi phụ nữ cần phấn đấu, học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở ban ngành thành phố cần tăng cường các hoạt động đối thoại trực tiếp với cán bộ, hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức Hội LHPN các cấp.

Đặc biệt là quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ nữ. Nhằm phát huy kết quả hội nghị, Hội LHPN, Tiểu ban Công tác cán bộ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới thành phố tổng hợp các ý kiến báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy để tiếp tục xem xét và giải quyết.

Cần tăng cường quản lý kinh doanh trực tuyến, chợ tự phát

Chị Khưu Huệ Chi - thương nhân và cũng là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bến Thành - chia sẻ: “Hơn 40 năm kinh doanh ngành hàng đồ gia dụng tại chợ Bến Thành (quận 1), tôi chưa bao giờ trải qua giai đoạn khó khăn như hiện tại. Có ngày mở sạp từ sáng đến tối mà không bán được món hàng nào”. Đây không chỉ là vấn đề cá nhân của chị Huệ Chi mà còn là tình trạng chung.

Hiện thương nhân chợ truyền thống bỏ sạp, đóng sạp rất nhiều. Bên cạnh các nguyên nhân như chợ truyền thống ngày càng vắng khách, xu hướng mua hàng online phát triển thì còn tình trạng chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường xung quanh chợ đang tràn lan. Bởi thế, chị Huệ Chi mong lãnh đạo thành phố nghiên cứu, có chính sách miễn, giảm thuế đối với các hộ kinh doanh trong nhà lồng chợ, cũng như quản lý, giải tỏa dứt điểm các điểm, khu vực kinh doanh tự phát, không để phát sinh thêm.

Chị Phan Thị Tuyết Mai - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM - nhận định, kinh doanh online đang là xu hướng của thị trường. Nhiều phụ nữ đã thành công khi khởi nghiệp thông qua kinh doanh online, tuy cũng xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo người tiêu dùng, bán hàng không đúng với quảng cáo…

Bà đề xuất, lãnh đạo thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý đối với kinh doanh trực tuyến. Từng địa phương cũng cần có giải pháp trong quản lý người kinh doanh trên địa bàn, thiết lập đường dây nóng xử lý nhanh những khiếu nại và phải xử lý nghiêm những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm để răn đe, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo cơ hội công bằng cho doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng online.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI