PNO - PN - Hàng loạt vụ cháy liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, đau lòng nhất là vụ cháy căn nhà số 201 đường Lò Siêu, P.8, Q.11 vào khuya 18/3 làm em Lâm Chính Lợi (11 tuổi) tử vong; em gái của Lợi (hai tuổi) cùng mẹ, chị Vũ Thị...
edf40wrjww2tblPage:Content
Ám ảnh từ những bãi cỏ khô
Ngày 19/3, trở lại hiện trường vụ việc, chúng tôi ghi nhận, nhiều người trong khu dân cư này vẫn chưa biết sợ “bà hỏa”. Con đường Lò Siêu dài khoảng 1km, hai bên đường phần lớn là nhà lụp xụp, tất cả đều được tận dụng tối đa để kinh doanh. Từ đường Hồng Bàng rẽ vào đường Lò Siêu có hàng chục quán cơm, hủ tiếu, phở… với các lò nấu, nướng đặt trước nhà, khói bay nghi ngút.
Chúng tôi ghé vào một quán chỉ rộng khoảng 30m2 vừa bán cơm, vừa bán bún riêu. Để tận dụng mặt bằng kinh doanh, các vật dụng trong nhà được chủ quán bố trí chật kín từ lối đi cầu thang lên đến căn gác làm phòng ngủ phía trên. Không khí bên trong vô cùng ngột ngạt. Trong khi đó, căn nhà này nằm lọt thỏm giữa hai nhà cao tầng nên lối thoát duy nhất chỉ còn phía mặt tiền. “Sao nhà nhỏ mà tận dụng buôn bán dữ vậy, nghe nói mới có vụ cháy gần đây, chị không sợ sao?” - chúng tôi hỏi. Chị chủ quán vô tư: “Trời kêu ai nấy dạ, phải cố làm để kiếm tiền chứ”.
Cách đó khoảng 50m, một căn nhà lụp xụp khác rộng khoảng 40m2 là điểm thu mua phế liệu. Căn nhà được thiết kế một trệt, một gác. Trong đó, tầng trệt làm nơi chứa hàng, gác gỗ làm phòng ngủ. Mặt sau và hai bên căn nhà đều bị bao bọc bởi các nhà cao tầng nên chỉ còn mặt tiền và ban công là lối thoát. Tuy nhiên, hai khu vực có thể thoát hiểm này đều bị hàng chục bao phế liệu: giấy, túi ni lông, vỏ chai nhựa, sắt vụn… che kín. Thậm chí, do không còn chỗ trống, nhiều bao phế liệu còn được chủ nhà tận dụng chất cả trên mái nhà. Phía dưới tầng trệt chỉ còn đủ chỗ cho một người ra vào.
Chúng tôi trở lại khu dân cư cạnh chung cư Khánh Hội (P.1, Q.4), nơi xảy ra vụ cháy vào ngày 16/3, thiêu rụi 10 căn nhà. Điểm nổi bật nơi đây là đường điện giăng mắc như mạng nhện. Nhiều nhà vô tư mắc dây điện lòng thòng chạm trên mái nhà. Chúng tôi ghé vào nhà của chị S. Dây điện trong nhà được cột sơ sài vào một cây đinh đóng trên tường hoặc giăng mắc chồng chéo nhau. “Sao không bọc dây điện trong ống nhựa cho an toàn?” - chúng tôi hỏi.
Chị S. hồn nhiên: “Không có tiền”. Đây cũng là câu trả lời của nhiều hộ dân khác khi nghe chúng tôi đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó, được biết, giá ống nhựa bọc dây điện trên thị trường hiện nay chỉ khoảng trên dưới 10.000 đồng/m. Nguy cơ hỏa hoạn còn rình rập nhiều khu dân cư như: khu dân cư rạch Ụ Cây (Q.8); khu cư xá đường sắt trên đường Lý Thái Tổ (Q.3)…
Tại các vùng ngoại thành, nhiều khu dân cư, người dân lại mất ăn mất ngủ vì những bãi cỏ khô đang… chờ cháy. Thời gian gần đây, những ai có dịp đến khu dân cư Phong Phú trên đường Trịnh Quang Nghị (H.Bình Chánh) mới cảm nhận hết nỗi lo của người dân. Khu dân cư này rộng gần chục hecta, nhưng chỉ mới có khoảng trên dưới 50 hộ dân xây nhà ở. Xung quanh là những bãi cỏ khô cao hơn đầu người.
Theo người dân, khoảng ba tháng qua, có không dưới chục vụ cháy cỏ. Do lo sợ cháy nhà, họ đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp can thiệp, nhưng chờ mãi không thấy động tĩnh. Tương tự, các bãi cỏ khô dọc đường Mai Chí Thọ (Q.2) trước đây đã không ít lần khiến các hộ dân phải dọn đồ bỏ chạy.
Vụ cháy trên đường Lò Siêu, Q.11 dẫn đến cái chết thương tâm của bé Lâm Chính Lợi
Vẫn xem nhẹ việc phòng cháy
Kỹ sư Nguyễn Quang Danh - Công ty xây dựng Trường Phát cho biết, theo quy định, người dân xây dựng nhà ở cấp 3, cấp 4 chỉ bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn chung bên ngoài về tầng cao, khoảng lùi và kết cấu chịu lực công trình để đảm bảo an toàn. Riêng thiết kế bên trong do chủ nhà tự quyết định. Các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng không bị ràng buộc. Do đó, các chủ nhà thường tận dụng thu hẹp cầu thang, giếng trời, sân phía trước, sau để tăng diện tích các phòng.
Trong khi đó, khi thiết kế nhà, họ thường chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn: sợ trẻ em leo trèo ra ngoài, sợ trộm cắp mà không quan tâm đến những nguy cơ cháy. Đó là lý do mà rất nhiều căn nhà hiện nay làm cửa sổ, ban công, sân trước, sân sau đầy đủ, nhưng sau đó “ụp” thêm một “lồng” bằng sắt bên ngoài thật chặt vì sợ trộm. Khi xảy ra hỏa hoạn, vô tình họ tự “nhốt mình vào rọ”.
Theo ông Danh, thực tế một hệ thống PCCC cơ bản hiện nay có giá chỉ khoảng 20 triệu đồng. Nhiều người xây nhà cả tỷ đồng nhưng khi đề cập đến việc lắp đặt thiết bị báo cháy, lại than không có tiền.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, khoảng ba tháng gần đây, lực lượng PCCC đã xử lý khoảng 120 vụ cháy, nổ. Trong đó, có nhiều vụ cháy gây thiệt hại rất lớn. So với cùng kỳ, tình hình cháy hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, cháy ở khu vực dân cư chiếm hơn 60%. Nguyên nhân chính là do ý thức kém, sự bất cẩn của người dân trong đun nấu, sinh hoạt hàng ngày.
Theo thống kê, có trên 60% vụ cháy do chập điện. Nguyên nhân vẫn là do sự thiếu ý thức, bất cẩn của người dân trong sử dụng các thiết bị điện. Chẳng hạn, khi mua thiết bị bảo vệ (CB), họ không quan tâm đến chất lượng, dây điện cũ không thay, thiếu kiểm tra kiểm soát dây dẫn điện…
Lực lượng Cảnh sát PCCC luôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao nghiệp vụ chữa cháy, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Trước tiên người dân, doanh nghiệp cần phải bảo vệ tài sản và tính mạng của mình bằng cách đầu tư các hệ thống cảnh báo và phương tiện PCCC.
Đối với người dân, cần phải luôn chú ý việc sử dụng các thiết bị điện trong đun nấu; sử dụng bình ga phải an toàn; chú ý trong việc đốt nhang đèn thờ cúng…
Đối với doanh nghiệp, phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu: hàng hóa sắp xếp gọn gàng; kiểm tra thường xuyên máy móc, thiết bị điện; thường xuyên nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ chữa cháy… Đặc biệt, dù nhà ở hay nơi kinh doanh, người dân cần phải tự thiết kế cho mình lối thoát hiểm.