Mỗi hộ chỉ được thải 4kg rác/ngày
Theo quy định của huyện Hóc Môn, mỗi hộ dân chỉ được phép thải tối đa 4kg rác/ngày, trong khi thực tế nhiều hộ có lượng rác thải phát sinh thêm từ 8 - 10kg/ngày. Điều này khiến những người thu gom rác có nguy cơ phải tự bù tiền cho phần rác thu gom vượt định mức. Bà D. - một nhân viên có gần 35 năm thu gom rác - bức xúc: “Tôi chưa bao giờ thấy khó khăn như bây giờ, quy định mới thực sự quá bất hợp lý với chúng tôi!”.
 |
Xe chở rác cân ký theo quy định mới tại trạm thu gom Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn |
Theo quy định, rác phải được cân tại trạm tập kết, thay vì cân trực tiếp tại nhà dân. Phần rác vượt định mức sẽ được thu theo mức 244 đồng/kg. Thực tế, mỗi hộ dân có lượng rác thải phát sinh khoảng 10kg/ngày, nhưng không được cân tại nhà nên nhân viên thu gom không biết đòi ai. Theo tính toán, việc chi trả lượng rác vượt quy định của 1 công nhân thu gom rác có thể lên đến 26 triệu đồng/tháng, trong khi số tiền thu gom từ các hộ dân chỉ khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ các khoản phí, người thu gom rác không còn đồng nào, thậm chí thu nhập âm.
“Nhân viên thu gom cũng không thể lấy phần rác này, bỏ lại phần kia. Bởi nếu để xảy ra ô nhiễm, đường dây thu gom rác dân lập có thể bị thu hồi, chúng tôi sẽ mất kế sinh nhai. Đối với nhiều công nhân vệ sinh môi trường, công việc là miếng cơm manh áo của cả gia đình. Trong khi người dân ở huyện còn nghèo, nếu tính chi phí rác phát sinh thì mỗi hộ phải đóng thêm gần 100.000 đồng/tháng và đương nhiên họ không chịu” - bà D. nói.
Tương tự, chị H. - công nhân thu gom rác ở xã Xuân Thới Thượng - chia sẻ: “Ở gần chợ, lượng rác thải từ các hộ buôn bán rất nhiều. Nếu quy định mới được áp dụng, những người thu gom rác tại khu vực này có nguy cơ phải tự bỏ tiền túi một khoản rất lớn để bù chênh lệch”.
Khi nhân viên thu gom phản đối vì thấy quy định cân rác tập trung bất cập thì chính quyền thông báo sẽ tiếp tục thử nghiệm việc cân rác tập trung trong 15 ngày để xác định khối lượng thực tế. Sau đó, chính quyền sẽ trực tiếp làm việc với những hộ có lượng rác phát sinh vượt mức quy định. Thế nhưng, chị H. cho rằng, nếu không cân trực tiếp từng hộ thì công nhân thu gom cũng không thể biết hộ nào đang phát sinh, phát sinh bao nhiêu. Cho nên họ không muốn thu khoản phí vận chuyển rác, trong đó có khoản vượt định mức, mà trả việc này cho công ty công ích.
Cuối tháng 2/2025, khi áp dụng quy định cân rác mới, nhiều tuyến đường gần trạm xử lý rác bị ùn ứ nghiêm trọng, xe rác xếp hàng dài cả cây số vì cả người dân và người thu gom rác đều bức xúc, cho rằng quy định này chưa hợp lý. Nhiều công nhân thu gom phải ngủ lại ngay bên những xe rác chất đầy. Chị T. - công nhân thu gom rác xã Xuân Thới Thượng - cho biết, vào những ngày mưa, rác bị thấm nước khiến trọng lượng tăng khoảng 30%, nhưng huyện không có chính sách điều chỉnh, khiến người thu gom phải gánh thêm chi phí mà không được hỗ trợ.
Nhiều hộ dân cũng lo lắng về cách thu gom rác cân ký. Bà M. - tiểu thương ở xã Xuân Thới Thượng - bức xúc: “Mỗi hộ được thải 4kg rác/ngày, nhưng tôi bán dừa, mỗi trái dừa nặng 1,5kg, nếu chặt cả bao dừa thì số rác vượt mức sẽ rất lớn. Không lẽ rác thừa phải giữ lại?”. Ông N. (xã Bà Điểm) chia sẻ: “Không phải ai cũng có ý thức đóng tiền rác. Dù chỉ tăng 5.000-10.000 đồng mà không hợp lý thì người ta sẽ không đóng, thậm chí quăng rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Có những gia đình có ít thành viên nhưng lại bị thu mức phí như những hộ đông người. Nếu muốn công bằng thì nên tính định mức rác theo đầu người”.
Chờ giải pháp phù hợp
Ông Phan Trung Bình - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn - cho biết, theo Thông tư số 01/2021 của Bộ Xây dựng, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình dao động từ 0,8 - 1,3kg/người/ngày, tùy theo khu vực. Riêng huyện Hóc Môn, tổng lượng rác phát sinh khoảng 450-500 tấn/ngày trên tổng số 575.400 dân, tương đương mỗi hộ gia đình khoảng 120kg/tháng. Quy định này được xác định dựa trên hướng dẫn từ các sở, ngành của TPHCM nhằm đảm bảo mức thu hợp lý.
Về phương án xử lý khi lượng rác thải vượt mức bình quân, ông Phan Trung Bình cho biết trong các dịp lễ, tết hay khi tổ chức tiệc tùng, hộ dân có thể thỏa thuận trực tiếp với đơn vị thu gom để xử lý lượng rác phát sinh.
 |
Bà D. - công nhân thu gom rác tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - cho biết, đã phản ánh những bất cập đến chính quyền địa phương, nhưng chưa nhận được phản hồi thỏa đáng |
Trả lời về tình trạng rác ùn ứ trong những ngày qua, ông Phan Trung Bình cho rằng đây là vấn đề phát sinh trong giai đoạn đầu triển khai mô hình trạm cân, khiến một số đơn vị thu gom còn lúng túng. Tuy nhiên, sau quá trình tuyên truyền và điều chỉnh, tình trạng này đã được khắc phục, đảm bảo việc thu gom diễn ra ổn định.
Đối với kiến nghị trả lại việc thu phí vận chuyển rác về cho công ty công ích, ông Phan Trung Bình khẳng định huyện thống nhất phương án thu phí 1 lần để tránh gây phiền hà cho người dân, phù hợp với quy định tại điều 14, Quyết định số 63/2024 của UBND TPHCM. “Đối với những trường hợp không đóng phí thu gom, vận chuyển mà xả rác bừa bãi, huyện sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Hằng tuần, lực lượng chức năng sẽ tiến hành khảo sát ngẫu nhiên để phát hiện và xử phạt các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Phan Trung Bình nói.
Về lo ngại của các hộ dân phát sinh thêm lượng rác từ 8 - 10kg/ngày, gây áp lực lên đơn vị thu gom, ông Phan Trung Bình cho biết việc thu phí vẫn đang tính theo cách cũ (theo mức bình quân). Tuy nhiên, huyện sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu từ các trạm trung chuyển để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam - trong bối cảnh lượng rác thải ngày càng gia tăng, việc áp dụng định mức rác thải theo đầu người là một giải pháp hợp lý. Nếu hộ gia đình xả rác vượt mức quy định, họ sẽ phải trả phí cao hơn, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhưng để đảm bảo công bằng, cần có cách tính phí phù hợp đối với những hộ đông người hoặc có nhu cầu xả rác nhiều hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh, không nên giới hạn cứng mức 4kg/ngày, thay vào đó, việc áp dụng mức phí dịch vụ theo lượng rác thải thực tế. Nhân viên thu gom và cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo khách quan, tránh gây bất tiện cho người dân.
Với các hộ thu gom rác, ông Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ để họ không gặp khó khi lượng rác thu gom thực tế quá chênh lệch so quy định. Việc giám sát công bằng và động viên lực lượng này là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả của chính sách thu phí rác thải mới.
Theo Quyết định số 7099 ngày 24/12/2024 của UBND huyện Hóc Môn, mỗi hộ dân chỉ được phép thải tối đa 4kg rác/ngày. Nếu vượt, lượng rác phát sinh sẽ được tính phí 244 đồng/kg. Trên thực tế, không ít hộ có lượng rác thải từ 8 - 10kg/ngày, khiến phí thu gom rác tăng lên đáng kể. Trước đây, mỗi hộ dân phải đóng 75.000 đồng/tháng, trong đó có 45.500 đồng phí thu gom và 29.500 đồng phí vận chuyển. Theo quy định mới, nếu lượng rác thải phát sinh mỗi ngày thêm 10kg, thì mỗi tháng, hộ dân sẽ phải trả thêm 73.000 đồng (10kg x 244 đồng x 30 ngày = 73.000 đồng) tiền vận chuyển (không tính phí thu gom). Nhưng bất cập là người thu gom rác không được cân rác tại chỗ, không thể biết số rác vượt định mức của mỗi hộ, nên không có cơ sở để thu phí cho từng hộ. Đó là chưa kể việc thu khoản phí vượt định mức cũng rất áp lực. Trước bất cập này, các đơn vị thu gom rác dân lập kiến nghị giao lại toàn bộ phần thu phí vận chuyển cho công ty công ích tự quản lý. |
Thanh Tâm