Nhiều hy vọng cho ngành F&B tại Việt Nam

19/03/2018 - 11:00

PNO - Nhiều năm trở lại đây lĩnh vực F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) tại Việt Nam không còn quá xa lạ, doanh nghiệp Việt lần lượt “kéo” các thương hiệu ngoại về nước thông qua hình thức nhượng quyền.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt thành công đã đưa thương hiệu ra nước ngoài cũng bằng hình thức này.

Nhìn F&B từ lăng kính của… trà sữa

Năm 2017, có lẽ là thời điểm ghi nhận tăng trưởng kỷ lục của thị trường trà sữa với sự bùng nổ hàng loạt thương hiệu quốc tế.

Ding Tea là thương hiệu dẫn đầu với hơn 100 điểm bán; TocoToco với hơn 60 cửa hàng; Goky có gần 20 cửa hàng và chỉ tính riêng ở Hà Nội; Mr. Good Tea có trên 20 điểm bán…

Riêng Gong Cha, thương hiệu được lòng hầu hết giới trẻ chỉ sở hữu 20 cửa hàng nhượng quyền nhưng lại là cái tên nổi bật trong suốt thời gian qua. 

Nhieu hy vong cho nganh F&B tai Viet Nam
Ngành F&B luôn ẩn chứa những điều bí ẩn thu hút nhiều "ông lớn" Việt và thế giới - Ảnh minh họa

“Tân binh” mới nhất và cũng được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện chính là thương hiệu The Coffee House. Vào tháng 10/2017, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hải Ninh - CEO The Coffee House - cho biết, thương hiệu này quyết định lấn sân kinh doanh trà sữa, thông qua nhượng quyền thương hiệu trà sữa Ten Ren (một “ông lớn” tại Đài Loan).

Tuy khá khiêm tốn với 40 điểm bán “rải đều” trong năm 2018, nhiều dự đoán cho thấy con số này sẽ không dừng lại trong tương lai. Tính sơ, chỉ riêng phân khúc thương hiệu trà sữa nhượng quyền, các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội sở hữu đến vài trăm cửa hàng.

Dẫn chứng từ báo cáo của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD vào năm 2016. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm, tương ứng với việc trong vòng vài năm nữa, con số 282 triệu đô sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Ngành F&B tại Việt Nam hiện nay được đánh giá là đang ở bước đầu trong một thời kỳ phát triển bùng nổ. Với đặc thù như vậy, không khó để nhận thấy đây là ngành “thay máu” liên tục và tất nhiên, những “tay chơi” lâu năm mới đủ sức trụ hạng. 

Đó cũng chính là một trong những lý do Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho hàng loạt thương hiệu quốc tế, thông qua mô hình phát triển chuỗi và nhượng quyền thương hiệu đang được áp dụng phổ biến. 

Nhượng quyền - sự “chín muồi” của thương hiệu

Hẳn mọi người không còn lạ lẫm với thương hiệu Phở 24. Ông Lý Quý Trung sáng lập chuỗi tiệm Phở 24 vào năm 2003. Là người đầu tiên đưa tô phở Việt từ quán bình dân vào nhà hàng máy lạnh một cách bài bản, sau 9 năm phát triển, ông Trung quyết định chuyển giao ''đứa con'' của mình cho chủ chuỗi cà phê Highlands vào năm 2012. 

“Cha đẻ” của chuỗi cửa hàng - doanh nhân Lý Quý Trung - đã có kinh nghiệm khá thú vị về việc lúc nào nên và không nên nhượng quyền.

Tại một cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ khởi nghiệp tại TP.HCM vào cuối năm 2017, ông Trung chia sẻ: “Các cửa hàng phải kiếm rất nhiều tiền, phải hoạt động bài bản thì mới nhượng quyền vì nhượng quyền là chuyển nhượng thành công cho người khác. Nhượng quyền sớm sẽ phá banh hệ thống nhà hàng”.

Tuy nhiên, không phải lúc nào nhượng quyền cũng là lối ra duy nhất để giúp doanh nghiệp “bành trướng”. Nhất là khi, thị trường hiện đang chứng kiến những chuỗi thương hiệu quy mô được vận hành bởi một lứa doanh nhân táo bạo, dám nghĩ dám làm và đang nhen lên những ngọn lửa tươi mới trong ngành F&B tại Việt Nam.

Bằng chứng là câu chuyện kinh doanh của doanh nhân Huy Nhật, sáng lập Huy Việt Nam - “ông lớn” quy tụ bảy thương hiệu cửa hàng gồm: Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Great Bánh mì & Café, Octospice và Iki Sushi. 

Nhieu hy vong cho nganh F&B tai Viet Nam
Khách rồng rắn xếp hàng chờ mua trà sữa là hình ảnh quen thuộc tại TP.HCM - Ảnh: Thái Nguyễn

Hiện tại, việc người Việt được ăn món Việt tại nước ngoài không còn là một ước mơ xa xỉ. Rất nhiều thương hiệu Việt đã thành công - “bước đều bước” ra nước ngoài và định vị tại các quốc gia có nền ẩm thực tương đương. Điều đó cho thấy việc kinh doanh F&B của Việt Nam cũng bắt đầu định vị được cái tầm của mình so với quốc tế.

Mặc dù vậy, Huy Việt Nam vẫn chưa và cũng không bao giờ có ý định nhượng quyền bất kỳ thương hiệu nào của mình. Theo ông Huy Nhật, đặc thù ngành F&B, sự đồng nhất là yếu tố cực kỳ quan trọng và nhượng quyền có thể là một trong những con đường ngắn nhất phá vỡ yêu cầu đó nếu không được thực hiện chuyên nghiệp. 

Tuy không nhượng quyền nhưng bằng chính nguồn vốn hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B vẫn tự mang nguyên liệu, thuê mặt bằng, nhân công để kinh doanh tốt tại nước ngoài. Đây cũng là hướng đi mà ông Huy Nhật áp dụng cho những thương hiệu của mình.

Điển hình, đầu tháng 11/2017, cửa hàng Phở Ông Hùng đầu tiên được mở tại Hồng Kông (Trung Quốc), dấu mốc đầu tiên kinh doanh “vượt biên giới” của Huy Việt Nam. 

Với tốc độ mở trung bình 8 cửa hàng/tháng, đến cuối năm 2018 sẽ có 100 cửa hàng mang thương hiệu này tại Trung Quốc, với mức giá hiện tại là 8,5 USD/tô phở. Và Hàn Quốc, Nhật Bản... hay những quốc gia có nền văn hóa ẩm thực phát triển khác của thế giới cũng nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp này.

Về chiến thuật của mình đối với việc đưa tô phở Việt ra nước ngoài, doanh nhân Huy Nhật cho hay, ngoài việc dựa vào nguồn nguyên liệu sạch thì còn hàng loạt những chiến lược để thuyết phục được sự lựa chọn khó tính của người nước ngoài. Đặc biệt, quá trình hoàn vốn và có lãi chưa bao giờ là ngắn…

Những câu chuyện kinh doanh này không chỉ nói về hướng đi cho mô hình nhượng quyền mà còn gợi mở một tương lai không xa cho ngành F&B Việt - sẽ là một cuộc chiến thú vị giữa các chuỗi F&B nội với các thương hiệu ngoại nhập.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI