|
Nhiều hợp đồng bị hủy, chủ doanh nghiệp Việt muốn kiện nhà nhập khẩu |
Tính chuyện kiện nhà nhập khẩu
Đại diện một doanh nghiệp (DN) may mặc tại TPHCM than, công ty đã bị thiệt hại hàng triệu USD do đối tác bên Mỹ không nhận hàng đã đặt theo đơn hàng thỏa thuận. “Họ đặt cọc 30%, công ty tôi sản xuất hàng xong rồi nhưng họ không chịu nhận hàng, thanh toán tiếp mà yêu cầu chúng tôi tạm ngưng sản xuất. Bao nhiêu chi phí đổ vào đơn hàng, giờ họ vi phạm hợp đồng với lý do dịch COVID-19” - vị này cho hay.
Không chỉ dệt may, da giày, ngành chế biến gỗ cũng đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Ông Bùi Hữu Thêm - Phó tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM - cho hay, hầu hết các DN có đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu đều gặp khó khăn. Khách hàng ở nước ngoài không nhận hàng, trong khi DN Việt Nam đã sản xuất hàng hóa, chuẩn bị các đơn hàng theo thỏa thuận của hai bên. Các DN Việt Nam đang xem xét khả năng khiếu nại, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Luật sư Lương Văn Lý - Cố vấn cao cấp Global Lawyers - cho biết, sau dịch COVID-19, số vụ tranh chấp giữa các DN tăng rất nhiều so với trước đó, phần lớn tranh chấp xoay quanh hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, nhiều trường hợp DN Việt Nam không xuất khẩu được hàng hóa theo cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc bên mua hàng ở nước ngoài không có điều kiện chi trả đúng hợp đồng...
Theo luật sư Lý, nếu hợp đồng hai bên được thực hiện theo pháp luật Việt Nam thì có những cơ chế để DN khởi kiện tại Việt Nam, nhưng trong những quy định cơ bản của Liên hiệp quốc về thương mại quốc tế, không có quy định rõ ràng về việc bên đặt hàng có trách nhiệm hỗ trợ cho DN sản xuất.
“Nghĩa vụ của bên bán, bên mua phải được cụ thể hóa và ghi rõ trong hợp đồng, trong đó ghi rõ khi một bên vi phạm hợp đồng thì nghĩa vụ như thế nào. Theo Luật Thương mại, bên vi phạm hợp đồng sẽ phải bồi thường tương xứng với thiệt hại cho bên còn lại, hoặc phạt 8%/giá trị vi phạm, nhưng luật chỉ chung chung, còn cụ thể như thế nào thì trong hợp đồng phải ghi rõ, mới có cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp” - luật sư Lý phân tích.
Theo luật sư Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn - Luật Thương mại có quy định, DN phải tìm cách khắc phục hậu quả. Trong trường hợp đối tác không nhận hàng theo đơn đặt hàng đã thỏa thuận, DN hỏi đối tác khi nào thực hiện được hợp đồng và có cam kết nếu không thực hiện thì sẽ bồi thường bao nhiêu phần trăm trên giá trị lô hàng, và phải có xác nhận trong hợp đồng.
Ngoài ra, một trong những vấn đề mà nhiều DN Việt Nam gặp phải khi giải quyết tranh chấp với đối tác nước ngoài là không chứng minh được thiệt hại, không thu thập đầy đủ chứng khi những giao dịch, thỏa thuận thông qua các hệ thống trực tuyến như Viber, Zalo, Whatsapp, Wechat, Facetime…
Luật sư Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho biết, giao dịch có thể bằng văn bản, hành vi, lời nói chứ không chỉ bằng văn bản. Có thể dùng các trao đổi qua các hệ thống đó làm bằng chứng nhưng phải lập vi bằng, phòng trường hợp một trong hai bên xóa nội dung giao dịch.
Doanh nghiệp xem nhẹ chi tiết hợp đồng
Theo các luật sư, các DN Việt Nam khi ký hợp đồng thường rất ít đi vào các chi tiết. Khi thực hiện các điều khoản, các bên mới thấy có sự bất lợi cho mình. Luật sư Lý cho rằng, sau dịch COVID-19, có nhiều yêu cầu sửa đổi, hoãn hợp đồng do khó khăn của DN khi không có nguồn thu trong khi vẫn phải trả các khoản chi phí cố định. Nhiều vụ tranh chấp được giải quyết bằng cách sửa đổi nội dung của hợp đồng phù hợp với hoàn cảnh đã thay đổi để tạo lại cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của hai bên hoặc chấm dứt hợp đồng.
Trong giải quyết tranh chấp, cách tốt nhất là hai bên thương lượng trực tiếp. Nếu vụ việc khó thương lượng thì tiến tới hòa giải, hai bên hoàn toàn tự nguyện và chủ động nhưng cần phải có sự hỗ trợ của bên thứ ba do hai bên chọn. Nếu không thành công, chỉ còn phương thức trọng tài và phương thức tòa án.
Bà Phạm Ngọc Hân - đại diện Công ty BMB & A.J.S.C - nêu khó khăn: DN chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhưng đối tác lại chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Theo luật sư Lý, hai bên phải có thỏa thuận trọng tài, ghi rõ trong hợp đồng. Nếu có thỏa thuận trọng tài thì tòa sẽ yêu cầu các bên giải quyết qua trọng tài trước khi giải quyết tại tòa. Nếu một trong hai bên không đồng ý giải quyết qua trọng tài thì bên đó vi phạm hợp đồng.
“Phần lớn tranh chấp xảy ra do tác động của dịch - là yếu tố khách quan và bất ngờ, không lường trước được. Việc bảo toàn quan hệ kinh doanh rất quan trọng nên DN cần cân nhắc, lựa chọn phương thức tranh chấp để khắc phục hậu quả mà hai bên vẫn có thể hợp tác với nhau” - luật sư Lý khuyến nghị.
Theo các luật sư, trong hợp đồng giao dịch, phải có điều khoản về bất khả kháng, vì luật có nhưng không đủ cơ sở, khi có tranh chấp, vẫn khó giải quyết. Những gì không ghi trong hợp đồng rất dễ bị phản bác. Vì vậy, trong bất kỳ hợp đồng nào, dù lớn hay nhỏ, nhất là những hợp đồng có thời gian kéo dài, phải có điều khoản về bất khả kháng với các chi tiết cụ thể mà cả hai bên cùng nhất trí chứ không nên chỉ căn cứ vào luật định một cách chung chung.
Luật sư Kính lưu ý, DN nên tìm kiếm các đối tác mới thay vì phụ thuộc một vài khách hàng nước ngoài lớn; rà soát tình trạng pháp lý hiện tại của DN đối tác; tạm ngừng hợp đồng hoặc chấp nhận hoãn thanh toán từ 1 - 3 tháng trên cơ sở quan hệ đối tác giữa các bên.
“Trong trường hợp các đối tác có đơn hàng lớn, quan hệ thương mại lâu dài thì việc đưa vụ việc thành một tranh chấp pháp lý hay hủy hợp đồng ở giai đoạn này có lẽ là quá sớm, ngoại trừ những vụ việc mà DN nước ngoài là bên mua, đã xác định rõ là mất khả năng chi trả và phá sản, hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong trường hợp bắt buộc phải hủy hợp đồng thì cần thiết phải vận dụng và viện dẫn các điều khoản bất khả kháng trong thương mại quốc tế một cách chuẩn xác để tránh rủi ro không đáng có” - luật sư Kính nói.
Nguyễn Cẩm