Nhiều học sinh, sinh viên nói bậy như một thói quen

27/08/2024 - 06:24

PNO - Các em có thể nói tục, chửi thề vì bất kỳ lý do gì như bị điểm kém, bị thầy cô phê bình, ghét bạn cùng lớp, bị cha mẹ mắng hoặc cả những lúc vui chơi.

Ảnh mang tính minh họa - Krakenimages.com
Ảnh mang tính minh họa - Krakenimages.com

Chưa bao giờ tôi chứng kiến nhiều tình huống ứng xử thiếu văn hóa trong nhà trường cũng như ngoài xã hội như hiện nay. Nhiều bạn trẻ nói tục chửi bậy như chuyện tự nhiên cơm ăn, nước uống, hít thở. Rất nhiều lần, trong quán ăn, giải khát gần trường, tôi nghe các em nói bậy không ngượng miệng.

Các em có thể nói tục, chửi thề vì bất kỳ lý do gì như bị điểm kém, bị thầy cô phê bình, ghét bạn cùng lớp, bị cha mẹ mắng hoặc cả những lúc vui chơi. Nói thật là khi nghe các em nói bậy, tôi cảm thấy xấu hổ, nhưng các em thì vẫn hồn nhiên coi đó là chuyện bình thường. Nói bậy đã trở thành thói quen của nhiều em và được coi như câu cửa miệng.

Nói bậy ở ngoài đời thực chưa đủ, nhiều bạn trẻ còn chửi bới, hạ nhục thầy cô trên mạng, trên các diễn đàn. Còn xuất hiện cả những hội nhóm căm ghét thầy cô với số lượng thành viên khá đông. Nói bậy đôi khi là “cái mốt”, là để giải tỏa căng thẳng, là cách để “hòa nhập” với một nhóm bạn.

Thật đáng buồn khi nhiều em không nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa và tiếng nói đúng đắn. Về phía nhà trường, bao giờ nội quy cũng có điều khoản cấm học sinh nói tục, chửi thề, nhưng các biện pháp quản lý, giám sát lại kém hiệu quả, hình thức chứ không thực chất, nên không đủ sức ngăn chặn hiện tượng này.

Tôi nghĩ, nói bậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do bắt chước từ cộng đồng, gia đình. Cha mẹ nói bậy thì trẻ học theo. Ra xã hội, trẻ thấy nhiều người nói bậy thì coi đó là điều bình thường. Vì thế, “lệnh cấm” trong nhà trường chỉ là cưỡng bức đối với học sinh. Cho nên, gia đình, nhà trường và cả xã hội cần nhận thức và có ý thức thiết lập lại văn hóa ứng xử nói chung và cho học sinh nói riêng từ khi các em còn nhỏ.

Theo đó, từng lời ăn tiếng nói và cách giao tiếp có văn hóa phải là những bài học đầu tiên mà đứa trẻ được trang bị để trở thành con người văn minh. Cha mẹ đừng chỉ chăm chú vào việc lo cho con mình học thật giỏi mà quên rèn luyện những hành vi ứng xử có văn hóa. Điều quan trọng nữa là các bậc cha mẹ phải thực sự là những tấm gương sáng về ứng xử có văn hóa để con noi theo.

Nhà trường cũng cần phải chú ý giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên trong từng bài học. Việc giáo dục ứng xử cần quan tâm tới những điều nhỏ nhất, tác động đến nhận thức của các em để các em cảm thấy xấu hổ, thấy mình đã xúc phạm những người xung quanh khi dùng những lời nói thiếu văn hóa. Thầy cô giáo khi giao tiếp với học sinh, phụ huynh phải chuẩn mực để nêu gương, để giữ lề thói, phong cách, đạo đức người thầy.

Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử cũng cần được giáo dục, tuyên truyền đến tận khu dân cư, nhằm tác động và làm thay đổi trong nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình, giúp họ chủ động ngăn chặn văn hóa độc hại.

Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI