Nhiều học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi: Cơ sở mắc hàng loạt vi phạm

30/11/2022 - 13:02

PNO - Hàng loạt vi phạm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm thức ăn nhanh KTT Fastfood… sau vụ nhiều học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Ngày 30/11, liên quan đến vụ hàng loạt học sinh nhập viện trong tình trạng nôn ói, sốt đau bụng sau khi ăn thực phẩm trước cổng trường ở Tây Ninh, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt vi phạm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm thức ăn nhanh KTT Fastfood, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh.

Cơ sở này do ông Dương Văn Khánh (sinh năm 1997) làm chủ. Sau khi xảy ra vụ nghi ngộ độc, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, làm rõ.

Cơ sở kinh doanh có nhiều vi phạm

Cơ sở kinh doanh có nhiều vi phạm

Theo Trung tâm Y tế TP. Tây Ninh, ngày 26/11, đơn vị phối hợp Công an TP. Tây Ninh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) kiểm tra tại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm KTT Fastfood.

Qua làm việc, ông Khánh cho biết nhận hàng từ cơ sở sản xuất bánh của bà Trần Thị Trân trên đường Tôn Đức Thắng, khu phố 1, thị trấn huyện Tân Châu, bao gồm sushi, hotdog, hamburger, sandwich.

Sau đó, ông Khánh phân phối cho các nhân viên đi bán trên xe lưu động ở các địa điểm trên địa bàn TP. Tây Ninh (Trường THCS Trần Hưng Đạo; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; Trường tiểu học Kim Đồng; ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Cách Mạng Tháng Tám; Trường tiểu học Trần Phú; Trường tiểu học Tôn Thất Tùng; khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám, đối diện UBND phường Hiệp Ninh) và Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Hoà Thành).

Mỗi nhân viên bán hàng được trả 20.000 đồng/giờ. Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lấy các mẫu sushi, hotdog, hamburger, sandwich gửi Viện Y tế công cộng TPHCM kiểm nghiệm; đồng thời niêm phong số hàng không nhãn mác của các xe bán hàng lưu động.

Học sinh thời điểm được cấp cứu

Học sinh thời điểm được cấp cứu

Quá trình kiểm tra, cơ sở kinh doanh KTT Fastfood không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm, như: điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ không bảo đảm (sản phẩm không được bảo quản trong tủ kính); người trực tiếp kinh doanh thực phẩm không mang khẩu trang, không trang bị tạp dề; không thực hiện chế độ lưu mẫu theo quy định; không có giấy phép kinh doanh; không có giấy đủ điều kiện ATVSTP; không có giấy khám sức khoẻ, giấy cam kết kiến thức ATVSTP cho chủ và nhân viên bán hàng.

Ngoài ra, cơ sở này kinh doanh những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng (lấy sản phẩm tại cơ sở của bà Trần Thị Trân không có hoá đơn, chứng từ).

Tại cơ sở sản xuất bánh của bà Trần Thị Trân, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra nhưng cơ sở này hiện đã đóng cửa nên chưa thể lấy mẫu đưa đi xét nghiệm.

Như đã thông tin, ngày 25/11, Khoa cấp cứu Trung tâm Y tế TP.Tây Ninh và BV Tây Ninh đã tiếp nhận 11 trường hợp là học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn ói…

Theo gia đình các học sinh, hầu hết các em đều được cha mẹ mua thức ăn sáng là sushi cơm cuộn bày bán trước cổng trường.

Tất cả học sinh đều có biểu hiện đau bụng dữ dội, nôn ói sau khoảng 30 phút, nghi ngộ độc do sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Minh Mẫn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI