|
Nhiều học sinh vẫn chưa tuân thủ quy định về an toàn khi tham gia giao thông - Ảnh minh họa: PNO |
Dập gan, đa chấn thương
Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - cho biết, từ giữa tháng Chín tới nay đơn vị đã ghi nhận 4-5 trường hợp phải nhập viện vì tai nạn giao thông. Các bệnh nhi này đều ở độ tuổi 14-16 và tự điều khiển xe máy.
Nghiêm trọng nhất là trường hợp bệnh nhi 15 tuổi N.V.Đ. (ngụ huyện Củ Chi, TPHCM). Cách đây khoảng 2 tuần, trong lúc Đ. đang chạy xe máy trên đường thì xảy ra va chạm. Sau cú ngã xe, ngoài trầy xước phần mềm, Đ. bị đau bụng dữ dội nên được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Kết quả kiểm tra xác định bệnh nhi chấn thương kín ổ bụng, chảy máu trong ổ bụng do gan bị dập. Bệnh viện địa phương đã mổ 2 lần nhưng vẫn không thể cầm máu bởi tình trạng dập gan quá phức tạp. Vì thế, Đ. đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.
Không riêng Bệnh viện Nhi Đồng 1, theo bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ ngày tựu trường tới nay, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 30 trường hợp liên quan tai nạn giao thông là học sinh. May mắn, đa số bị vết thương nông, sau khi xử trí có thể về theo dõi tại nhà. Thế nhưng, vẫn có trường hợp bị thương rất nặng, suýt bị đe dọa đến tính mạng, phải nhập viện phẫu thuật.
Đó là nữ sinh L.T.K. (16 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM). Cách đây 10 ngày, trên đường đi học về bằng xe đạp, K. đã bị xe máy đụng trúng. Em được đưa tới bệnh viện, phát hiện bị dập gan độ 2. Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để chủ động phẫu thuật cho bệnh nhi. Nhờ đáp ứng với điều trị nội khoa, bệnh nhi không cần trải qua cuộc mổ. K. phải nghỉ học, nằm viện điều trị hơn 1 tuần. Em vừa xuất viện nhưng sức khỏe chưa hoàn toàn hồi phục. Chấn thương do tai nạn giao thông gây ra tuy chưa đe dọa tính mạng nhưng gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và việc học hành của bệnh nhi.
Các bác sĩ ghi nhận rằng hầu hết tai nạn giao thông xảy ra với học sinh khi các em tự điều khiển xe máy, xe đạp. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bị tai nạn khi được phụ huynh chở sau xe. Ngoài ra, còn có cả tình huống học sinh đi xe buýt bị té ngã gây chấn thương. Chị N.T.N. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) phản ánh rằng, do tuyến xe buýt từ nhà tới trường khá thuận tiện nên hằng ngày, con trai chị (em S., 15 tuổi) vẫn tự bắt xe đi học.
Mới đây, S. té rách quần, trầy xước, chảy máu đầu gối. Không chỉ thế, lúc chống tay xuống đường, bàn tay của em bị bầm tím, sưng đau. Rất may mắn tổn thương nhẹ, sau khi xử trí làm sạch vết thương, S. vẫn tiếp tục đi học được. S. kể rằng lúc xe buýt ghé trạm, em mới bước được 1 chân xuống đường nhưng xe đã chuyển bánh. Kể từ hôm đó, dù quãng đường di chuyển chỉ 2km, chị N. không dám để S. tự đi xe buýt nữa mà cố gắng thu xếp đưa đón con mỗi ngày.
|
Dù đi xe đạp hay xe máy, trẻ đều cần đội nón bảo hiểm đúng chuẩn - Nguồn ảnh: Internet |
Trẻ cần học luật giao thông trước khi điều khiển phương tiện
Vấn đề tai nạn giao thông ở độ tuổi học sinh đã được các bác sĩ cảnh báo rất nhiều lần nhưng đôi khi do chúng ta chủ quan, không cẩn thận nên nhiều hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra. Trước đó, bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận tới 10 trường hợp liên quan đến tai nạn giao thông. Thậm chí, một số thanh thiếu niên còn được phát hiện trước khi điều khiển xe máy có sử dụng rượu bia. Cũng có tình huống phụ huynh uống rượu bia nhưng vẫn chở con, không làm chủ được tay lái nên gây ra tai nạn.
“Nếu may mắn chỉ chấn thương phần mềm, gãy tay chân thì còn hồi phục được. Đáng tiếc nhất là các cháu bị va chạm vùng đầu, dù cứu sống vẫn có nguy cơ để lại di chứng về thần kinh và vận động sau này” - bác sĩ Phát nhấn mạnh. Qua đó, có thể thấy tai nạn giao thông ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến tương lai những đứa trẻ. Chỉ một phút chủ quan, sơ sẩy đôi khi phải trả giá bằng tính mạng, sức khỏe, thời gian, tiền bạc, tương lai. Sau tai nạn giao thông, trẻ có thể đánh mất cơ hội được học tập, lao động, sinh hoạt như một người bình thường. Dù vậy không phải trường hợp nào cũng may mắn cứu được, mất mát xảy ra không gì bù đắp nổi.
Từ những hậu quả trên, bác sĩ Đinh Tấn Phương khuyên rằng, nếu trong trường hợp bất khả kháng khiến phụ huynh không thể đưa đón con thì nên trang bị xe đạp hoặc xe đạp điện cho trẻ. Xe đạp và xe đạp điện giới hạn về tốc độ, lỡ không may xảy ra va chạm cũng không tới nỗi nặng nề như lúc đang chạy nhanh bằng xe máy. Ngoài ra, trẻ đi xe máy cần tuân thủ quy định của pháp luật, chỉ được điều khiển loại xe 50cc. Tuy loại xe này phân khối thấp, không cần bằng lái nhưng trẻ vẫn cần học về luật giao thông, các nguyên tắc khi lưu thông trên đường. Học sinh cần biết đâu là làn đường dành cho xe máy, khi sang đường, chuyển làn thì phải bật đèn tín hiệu để các phương tiện phía sau nhận biết được…
Dù đi xe đạp hay xe máy, trẻ đều cần đội nón bảo hiểm đúng, không phóng nhanh và vượt ẩu. Trên thực tế, rất nhiều học sinh THPT chạy xe máy trên 50cc. Phụ huynh cần kiểm soát con cái, đừng chủ quan, chiều con, giao xe khi trẻ chưa đủ tuổi. Không phải lúc nào tai nạn giao thông cũng xảy ra trên đường trẻ tới trường. Một số học sinh bỏ học, trốn học, điều khiển xe máy đi chơi, đua xe, lạng lách, chở 3 rồi dẫn tới va chạm. Bác sĩ Phương cũng lưu ý phụ huynh hãy nghiêm túc làm gương cho con, đã uống rượu bia thì không chạy xe. Lúc tham gia giao thông, phụ huynh cần kiềm chế, tránh nôn nóng, hơn thua kẻo xảy ra tai nạn.
Sơ cứu khi bị tai nạn giao thông Khi gặp trường hợp bị tai nạn giao thông, trước tiên, chúng ta cần gọi cấp cứu 115. Trong lúc chờ xe cấp cứu, hãy xử trí ban đầu, cố gắng giữ cho tình trạng nạn nhân không xấu đi quá nhanh. Hãy kiểm tra xem nạn nhân có tỉnh táo, còn thở không. Nếu không thở thì hà hơi thổi ngạt, dùng tay ép ngực. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra bệnh nhân có vết thương hở đang chảy máu không. Nếu có, lấy vải sạch xếp lại, đè chặt lên vết thương để giúp họ không bị mất máu quá nhiều. Quan trọng nhất là phải cầm máu cho nạn nhân. Nhiều trường hợp tử vong do mất máu trên đường tới bệnh viện. Nếu miệng nạn nhân có dịch, máu, đặt đầu họ nghiêng qua một bên phòng ngừa bị sặc. Trong trường hợp bất khả kháng mới di chuyển nạn nhân nhưng cố gắng không thay đổi tư thế kẻo làm tổn thương nặng thêm. Ngoài ra, không được rút vật nhọn cắm trên cơ thể nạn nhân (nếu có). Trong quá trình sơ cứu, nên tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân (cần đeo găng tay ni lông, bọc tay bằng túi ni lông hoặc những vật dụng không thấm nước). |
Thanh Huyền