Nhiều hoạt động sôi nổi tôn vinh sách và văn hóa đọc

17/04/2024 - 07:46

PNO - Tuần lễ hoạt động chính thức của ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba - 2024 diễn ra từ ngày 17 - 21/4. Nhưng các sự kiện dành cho sách đã sôi nổi từ đầu tháng Tư và dự kiến kéo dài đến ngày 1/5. Những hoạt động tôn vinh sách và lan tỏa văn hóa đọc ngày càng có ý nghĩa thiết thực và tích cực đến thế hệ trẻ.

Kết nối và sẻ chia giá trị

Không chỉ tổ chức ở các thành phố lớn, nhiều địa phương, trường học vùng sâu vùng xa cũng hưởng ứng tinh thần ngày hội sách. Hình thức tổ chức và hướng tiếp cận bạn đọc đa dạng - từ việc trưng bày sách hay, giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả - tác phẩm đến kể chuyện, đố vui, thi cảm nhận sách…

Sự lan tỏa và hiệu quả tích cực đã được cộng hưởng từ rất nhiều năm, kể từ khi ngày Sách Việt Nam 21/4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2014. Câu chuyện tôn vinh văn hóa đọc không chỉ dừng lại ở việc truyền cảm hứng đọc sách mà còn có ý nghĩa kết nối thế hệ, chia sẻ và trao truyền giá trị. Đường sách TPHCM thường xuyên tổ chức chương trình “Du hành vui cùng sách”, Nhà xuất bản Kim Đồng có chuỗi sự kiện đến các trường học “Từ cuốn sách nhỏ đến thế giới lớn”…

Tiết đọc sách, các cuộc thi thuyết trình tác phẩm trong nhà trường cũng như những buổi ngoại khóa giao lưu với nhà văn/nhà làm sách đã luôn được các trường tiểu học và trung học quan tâm suốt thời gian qua. Nhiều đơn vị làm sách cũng tổ chức các workshop, sự kiện thu hút phụ huynh và các em thiếu nhi. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức/cá nhân đưa sách về vùng sâu vùng xa, cùng các hoạt động ý nghĩa: hội sách, giao lưu trò chuyện cùng sách… Đó là điều rất đáng mừng, đáng khích lệ của văn hóa đọc hiện nay.

Nhiều năm qua, các nhà văn, chuyên gia văn hóa đọc đã cùng truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ thơ - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM
Nhiều năm qua, các nhà văn, chuyên gia văn hóa đọc đã cùng truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ thơ - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM

Sách là cầu nối để người lớn gặp gỡ, sẻ chia giá trị cùng trẻ thơ. Ngược lại, thông qua trang sách, trẻ nhỏ cũng được dịp bày tỏ tâm tư, khát vọng và những vấn đề của tuổi mình. Những cuộc thi cảm nhận sách tại các trường học còn cho thấy nhu cầu đọc của một bộ phận bạn trẻ hiện nay. Bên cạnh danh tác văn học là những cuốn sách truyền cảm hứng về khát vọng tuổi trẻ, kỹ năng sống và chữa lành.

Trong ngày hội Sách và Văn hóa đọc chủ đề Từ trang sách bước ra cuộc sống (vừa tổ chức tại Trường Pathway Tuệ Đức, quận Tân Bình, TPHCM), em Nguyễn Thị Đoan Trinh - giải Nhất cuộc thi - đã nói thay thế hệ mình câu chuyện trầm cảm và những vấn đề tâm lý nghiêm trọng mà tuổi mới lớn ngày nay phải đối mặt. Tại các buổi giao lưu, trò chuyện cùng sách, nhiều vấn đề lớn hơn được trao gửi đến các em: tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc cũng như câu chuyện về bảo vệ rừng, ý thức giữ gìn môi trường sống, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã…

Sách mở ra cánh cửa tri thức nhưng đồng thời cũng là điểm tựa để bạn đọc, đặc biệt là học sinh - sinh viên có thể bày tỏ suy nghĩ về cuộc sống và tự tin hơn với giấc mơ, khát vọng. Đó chính là giá trị vô hình mà lớn lao của sách, góp phần bồi đắp tâm hồn và hình thành nhân cách cho cả một thế hệ.

Live stream giới thiệu sách

Các đơn vị làm sách sẽ tổ chức các phiên live stream giới thiệu sách/giao lưu cùng bạn đọc trên nền tảng TikTok trong khuôn khổ tuần lễ ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây cũng là một trong những điểm mới của ngày hội sách năm nay. Buổi giao lưu chủ đề “Sách nói - Âm thanh tri thức” (diễn ra lúc 19g, ngày 22/4), với sự tham gia của đại diện các đơn vị làm sách nói và TikTok sẽ là sự kiện khép lại tuần lễ tôn vinh sách và văn hóa đọc.

Sự kiện văn hóa - du lịch

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba - 2024 được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, với các thông điệp chính: sách hay cần bạn đọc, sách quý tặng bạn, tặng sách hay - mua sách thật, sách hay: mắt đọc - tai nghe… Bên cạnh việc lan tỏa giá trị từ trang sách, nội hàm thông điệp còn hướng đến câu chuyện nhận diện sách lậu/sách giả, cũng như tiếp cận với sách nói/sách tương tác trong thời đại số.

Trưng bày sách hay, giao lưu tác giả - tác phẩm, kể chuyện cùng sách, gieo mầm tri thức, hội thi cảm nhận sách… là những hoạt động phổ biến tại ngày Sách và Văn hóa đọc ở nhiều tỉnh, thành. Để thu hút bạn đọc, nhiều nơi còn tổ chức các hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học (thông qua hình thức diễn kịch, hoạt cảnh, đố vui…). Đây cũng là những phương thức sáng tạo đưa sách đến gần gũi và giàu cảm xúc hơn cho học sinh - sinh viên. Từ những hoạt động mang tính thử nghiệm của nhiều năm trước, các hoạt động dành cho sách và tôn vinh văn hóa đọc đã ngày càng lan tỏa, sôi nổi với hiệu quả tích cực và thiết thực.

Các hoạt động về sách đã rộn ràng, sôi nổi từ đầu tháng Tư - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM
Các hoạt động về sách đã rộn ràng, sôi nổi từ đầu tháng Tư - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM

Tại TPHCM, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay được triển khai hơn 300 hoạt động, tăng 50% so với năm ngoái. Trong đó, hơn 100 hoạt động quy mô diễn ra tại Đường sách TPHCM, kết hợp giữa những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM mong muốn các sự kiện không chỉ hướng đến bạn đọc trong nước mà còn có thể thu hút du khách nước ngoài.

Ngoài các chương trình về sách, trong suốt tuần lễ tôn vinh văn hóa đọc, tại sân khấu Đường sách TPHCM thường xuyên có các chương trình nghệ thuật, sân chơi tương tác dành cho nhiều độ tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Ngày hội sách được kỳ vọng trở thành sự kiện văn hóa - du lịch của thành phố, vừa có giá trị kiến tạo không gian tri thức vừa là điểm đến vui chơi, giải trí cho công chúng; đồng thời hướng đến mục tiêu “mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc”.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI