Nhiều hiệp hội bảo vệ, nghệ sĩ vẫn "than trời"

05/03/2016 - 07:59

PNO - Sau các tổ chức đại diện quyền trong lĩnh vực nghệ thuật.  Đây là thông tin vui đối với người biểu diễn, nhưng lại ít nhiều mang sự... nghi hoặc.

Nhieu hiep hoi bao ve, nghe si van
Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn bị sử dụng phần biểu diễn để thu lợi, nhưng anh không được chi trả như đúng những gì luật đã quy định

Sau các tổ chức đại diện quyền trong lĩnh vực nghệ thuật như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV), Trung tâm Quyền tác giả văn học VN (VLCC), Hiệp hội Quyền sao chép (VIETRRO), Việt Nam vừa có thêm một tổ chức nữa là Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (gọi tắt là APPA). Đây đúng ra là thông tin vui đối với người biểu diễn, nhưng lại ít nhiều mang sự... nghi hoặc bởi trong nhiều năm qua, nhiều hiệp hội ra đời mà quyền lợi của các thành viên vẫn chưa được đảm bảo.

Theo quyết định của Bộ Nội vụ, APPA do NSND Thanh Hoa làm chủ tịch, hai phó chủ tịch là nhạc sĩ Lê Quang và NSƯT Hà Thủy. Mục đích chính của APPA là bảo vệ quyền tác giả cho các nhạc sĩ - ca sĩ, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội.

APPA có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Nói về đối tượng của APPA, nhạc sĩ Lê Quang cho biết, ngoài ca sĩ, nhạc công, APPA còn bảo vệ các nhạc sĩ, chủ yếu là nhạc sĩ biểu diễn, ví dụ như nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn, không phải là tác giả bài hát. Cũng theo ông, ở một khía cạnh khác, chức năng của APPA giống như của VCPMC hay RIAV. Nếu RIAV bảo vệ quyền sở hữu bản ghi, VCPMC bảo vệ quyền sở hữu tác phẩm thì APPA sẽ bảo vệ quyền liên quan mà người biểu diễn đúng ra phải được hưởng theo quy định của pháp luật nhưng trước nay vẫn bị “bỏ quên”.

Ca sĩ Trang Pháp cho biết, quyền liên quan vốn là điều rất “ấm ức” đối với ca sĩ: “Trước nay tôi đa phần biểu diễn bài hát do chính mình sáng tác, nhưng chỉ có quyền tác giả bài hát là tôi nhận được, còn quyền liên quan thì không. Trong khi đó, các bài hát mà tôi biểu diễn thì tràn lan trên nhạc chuông, nhạc chờ. Không chỉ tôi, tất cả ca sĩ đều bị như vậy nhưng không biết kêu ai”.

Đồng tâm trạng này, nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn cho biết, xét về quyền sở hữu trong nghệ thuật, trước nay không ai thiệt thòi như người biểu diễn. “Về luật, khi họ sử dụng tiết mục mà chúng tôi biểu diễn, ngoài việc phải trả tiền cho người có quyền sở hữu bài hát hay người sở hữu bản ghi âm/ ghi hình, họ còn phải trả tiền cho những người có quyền liên quan là nhạc sĩ hòa âm phối khí, ca sĩ… thế nhưng trước nay đâu có ai trả”, anh nói.

Cũng theo nhạc sĩ này, dù đây là quyền được quy định rất rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ và hầu hết người biểu diễn đều hiểu được quyền đó của mình nhưng vẫn không thể làm gì được, một phần vì không biết gõ cửa ở đâu, và cũng không có thời gian để tự mình đi đòi công bằng. “Hơn nữa, nói thật là nghệ sĩ chúng tôi đều không muốn xuất hiện ở nơi kiện cáo”.

Sự ra đời của APPA không phải là một điều cá biệt so với các nước. Việc các tổ chức bảo vệ các quyền riêng biệt tồn tại song hành cùng nhau đã có ở các nước phát triển, trong đó người biểu diễn là một đối tượng không thể thiếu, và điều này càng đảm bảo luật pháp được thực thi một cách kín kẽ hơn. Tuy nhiên, không thể không đặt ra những câu hỏi dành cho APPA về tính khả thi, về hiệu quả, nhất là khi trong nhiều năm qua, có rất nhiều quyền khác vẫn luôn bị vi phạm dù đã có các tổ chức bảo vệ.

VCPMC, dù ra đời cách đây 14 năm, được xem là có cách làm khá chuyên nghiệp, nhưng vẫn chưa thể thuyết phục được hết các tác giả. Nhạc sĩ Phú Quang cho biết, ông chỉ làm việc trực tiếp với những đơn vị sử dụng ca khúc của ông mà không ủy quyền cho VCPMC, bởi theo ông, VCPMC chưa làm ông tin tưởng về tính minh bạch của mình. Hoặc, qua sự kiện ồn ào tác quyền ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn với ban tổ chức liveshow ca sĩ Khánh Ly, VCPMC đã khiến nhiều người ví von trung tâm này đối xử với tác phẩm như một “bó rau” mà nếu người mua nào khéo trả sẽ được giá hời, còn không thì ngược lại.

RIAV vốn là một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho các hãng ghi âm, sau nhiều năm ra đời, số lượng thành viên không những không tăng lên theo đà phát triển thị trường giải trí mà ngày càng giảm đi. Nhiều đơn vị rút ra khỏi RIAV, một số còn tố cáo RIAV, cụ thể là vài thành viên điều hành, không minh bạch trong thu - chi…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI