Nhiều "hạt sạn" về chuyên môn trong phim nội

25/05/2024 - 07:47

PNO - Đặt ra tình huống sai thực tế, thoại đưa thông tin sai lạc về lĩnh vực, nhân vật hành xử không đúng quy tắc về nghề hoặc có tác phong không chuẩn. Đó là những “hạt sạn” phim nội hay mắc khi xây dựng tình tiết đi sâu vào chuyên môn.

Sai lệch quá nhiều

Lỡ hẹn với ngày xanh Trạm cứu hộ trái tim là 2 bộ phim truyền hình đang được quan tâm hiện nay khi thường có mặt trong tốp 10 chương trình truyền hình ăn khách. Cũng vì vậy, phim được người xem soi kỹ và phát hiện những lỗi sai nghiêm trọng liên quan đến nghề nghiệp của nhân vật.

Như trong Lỡ hẹn với ngày xanh, nhân vật Duyên là một kiến trúc sư nhưng phát ngôn ngờ nghệch về chuyên môn. Cô chê một thiết kế là “vừa có gu lại vừa không có gu, thiếu đi một sự lựa chọn dứt khoát”. Trong khi đánh giá về một công trình, người trong nghề nhìn vào phong cách, tỉ lệ, ngôn ngữ thiết kế hoặc mối liên quan giữa công năng và hình thức chứ không phải khái niệm gu. Tình huống Duyên từ chối nhận tiền tạm ứng công trình sau khi đã tư vấn, chốt phương án thiết kế cho khách hàng là không đúng thực tế, vì ngoài đời dễ dẫn đến trường hợp bị khách lấy mất bản thiết kế.

Phim Nữ luật sư có luật sư thực sự tham gia những cảnh xử án
Phim Nữ luật sư có luật sư thực sự tham gia những cảnh xử án

Các nhân vật trong phim Trạm cứu hộ trái tim hành xử sai nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, bất chấp luật pháp. Nhân vật An Nhiên là chuyên gia tâm lý nhưng tung bí mật đời tư của khách hàng cho công chúng biết. Nhân vật nữ bác sĩ làm thụ tinh trong ống nghiệm cho Ngân Hà thông đồng với Nghĩa - chồng Hà - để nói dối về khả năng có thai của cô trong suốt mấy năm trời. Ngoài đời thực, việc này khó xảy ra, vì nữ bác sĩ có thể bị kiện dẫn tới bị tước giấy phép hành nghề. Cảnh phiên tòa xét xử vụ kiện đầm tôm ở tập 31 gần đây diễn ra không đúng thực tế. Bị đơn là Nghĩa đột ngột xin luật sư hoãn phiên tòa nhưng không nói lý do, sau đó rời tòa để tìm con trai đang bị bắt cóc. Việc bị đơn tự ý rời đi trong thời gian tòa xét xử là vi phạm pháp luật.

Đặt ra tình huống không có trong thực tế, cung cấp kiến thức sai lệch cũng là “lỗ nhỏ đắm thuyền” trong một số phim. Luật sư trong phim Hành trình công lý “phản bội” thân chủ trong vụ tranh chấp tài sản thừa kế chỉ vì thương cảm cho em gái thân chủ.

Cảnh sát trong phim Biệt dược đen thương xót, có ý định bao che, không báo cáo manh mối mới về thủ phạm.

Các thầy thuốc trong phim Bác sĩ hạnh phúc gắn ống nội khí quản quá dài, đặt dẫn lưu màng phổi bằng ống hút. Bác sĩ trong phim Lửa ấm thông báo với một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV việc anh đã bị phơi nhiễm HIV trong khi không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm là bị phơi nhiễm.

Những người lính trong phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt cãi cấp trên nhem nhẻm, tự ý ra ngoài đơn vị, cầm vũ khí đi ngoài đường, chĩa súng vào người dân đe dọa… Chưa kể, động tác nghiêm - nghỉ - chào của các nhân vật trong phim Việt không theo điều lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam mà là sao chép cách đứng “chắp tay, dang chân, ưỡn ngực” của Hàn Quốc. Biểu hiện liên tục ngoẹo cổ, đảo mắt của nhân vật bác sĩ tự kỷ thiên tài trong Bác sĩ hạnh phúc không đúng với một người mắc hội chứng Asperger (một dạng tự kỷ chức năng cao).

Nỗ lực cho sự chân thực

Lâu nay, những bộ phim đề cập sâu ngành nghề của nhân vật luôn là hàng hiếm của phim Việt vì khó làm, dễ sai. Dù các đoàn phim luôn cho biết họ có tham khảo, tham vấn nhà chuyên môn, nhưng lên phim vẫn khó tránh sai sót. Như phim Lửa ấm được VTV phản hồi rằng đã được các bác sĩ, chuyên gia y tế tư vấn chuyên môn. Tuy nhiên theo tiến sĩ Lã Thị Lan - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội - việc cho nhân vật có dấu hiệu bị phơi nhiễm HIV đi cách ly như trong phim là lỗi sai rất nghiêm trọng. Sai sót về phần lễ tiết, tác phong, quân phục trong Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt nghiêm trọng đến mức Bộ Quốc phòng phải yêu cầu chỉnh sửa.

Các cảnh cháy trong phim Đi về phía lửa đều đề cao sự chân thật
Các cảnh cháy trong phim Đi về phía lửa đều đề cao sự chân thật

Không thể phủ nhận khán giả rất thích thú, tò mò với những phim mô tả đặc trưng một ngành nghề nào đó. Các nhà làm phim cũng nỗ lực nhiều để phim “thực” và “đời”. Một số đoàn phim có điều kiện dùng luôn “người thật việc thật”. Ở phim Đi về phía lửa, dàn diễn viên được đào tạo cách sinh hoạt, tác phong làm việc và làm quen với trang thiết bị, vật dụng, kỹ năng chuyên nghiệp của một lính cứu hỏa trong thời gian dài để tiếp xúc với lửa thật khi quay.

Phim Nữ luật sư mời luật sư thật vào các cảnh quay xử án. Nhà sản xuất Phương Thảo cho biết: “Chúng tôi lo diễn viên đóng vai luật sư ngồi xử, khán giả thấy quen mặt, sẽ khó tin, nên mời luật sư thật. Cảnh quay phiên sơ thẩm có 5 luật sư, phúc thẩm có 3 luật sư đều từ TPHCM. Thuyết phục họ chịu lên hình cũng là một vấn đề, vì ít phân đoạn nào quay 1-2 đúp là xong, nhất là phân cảnh xử có đông người. Tất cả đều nhờ vào đạo diễn Trọng Trinh. Anh cũng cẩn thận nhờ các luật sư sửa từng câu chữ chuyên môn”.

Phim truyền hình nội ngày càng nở rộ về số lượng lẫn chất lượng. Có điều, công việc, nghề nghiệp nhân vật trên phim hiện nay chỉ tồn tại như lớp áo trang trí bên ngoài. Trên phim, khán giả thấy nhân vật đi làm nhưng chưa thực sự thấy họ sống trong không gian nghề nghiệp đó. Công việc của nhân vật cũng chưa truyền cảm hứng hay khơi gợi định hướng nghề nghiệp.

Các diễn viên khi được hỏi về quá trình nhập vai, đa số chỉ nói về chuyện tạo hình nhân vật là chính, tập luyện có ngoại hình phù hợp, chuẩn bị mua sắm quần áo ra sao chứ hiếm khi kể tường tận việc đi sâu tìm hiểu nghề nghiệp nhân vật như thế nào. Những hạn chế trên khá đáng tiếc vì cuộc sống có vô vàn ngành nghề thú vị, đủ là chất liệu cho các nhà làm phim khai thác để tạo cho phim nét riêng.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI