Nhiều giáo viên chuốc phiền phức vì máy khử độc ozone

05/02/2015 - 08:00

PNO - PN - Hàng chục giáo viên tại Q.Bình Tân, TP.HCM gặp không ít phiền phức khi mua sản phẩm máy khử độc ozone của một công ty được Phòng Giáo dục-đào tạo quận giới thiệu về trường.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhầm tưởng công ty của Bộ Quốc phòng

Theo phản ánh của các giáo viên (GV) Trường THCS Lê Tấn Bê (P.An Lạc, Q.Bình Tân), ngày 31/1, có hai nhân viên thuộc Tập đoàn thiết bị y tế BQP (Nguyễn Tư Doãn, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đến trường giới thiệu bán loại máy khử độc Ozone Wonder - 88 với giá ưu đãi dành cho GV là 2.850.000 đồng/máy. Lúc đầu họ tư vấn về những vấn đề thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), một số cách phòng tránh, trong đó có việc sử dụng loại máy khử độc ozone.

Nhầm tưởng đây là công ty thuộc Bộ Quốc phòng, lại có văn bản của Phòng GD-ĐT quận, Sở GD-ĐT như một lời bảo chứng cho chất lượng, hơn 20 GV đã đăng ký mua, hẹn đầu tuần (2/2) đến thu tiền. “Khi lên internet tìm hiểu thông tin, đồng thời dò giá, được biết loại máy tương tự bán ngoài thị trường có giá rẻ hơn nên tôi quyết định trả lại máy”, một GV nói.

Bà Huỳnh Thúy Giang, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện văn bản của Phòng GD-ĐT quận về việc tập huấn công tác VSATTP cho cán bộ-GV, trường đã liên lạc với công ty được nêu trong văn bản để họ đến tuyên truyền. Họ cũng nói về VSATTP, sau đó giới thiệu những giải pháp, các dòng máy rửa rau. Trong trường học không cho việc quảng cáo mua bán sản phẩm nhưng họ giới thiệu là công ty của Bộ Quốc phòng nên nhiều GV tin mua. Hầu hết GV sau khi tìm hiểu đã đòi trả lại máy, phía công ty cũng chịu nhận lại…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 16/1, Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân ra văn bản số 44 về phổ biến các quy định về VSATTP. Văn bản này nêu rõ: Nhằm trang bị các kiến thức pháp luật về VSATTP cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, GV và nhân viên các đơn vị trường học, Sở GD-ĐT có đề nghị Phòng GD-ĐT phối hợp với Tập đoàn thiết bị y tế BQP tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về VSATTP trong trường học.

Các đơn vị mầm non, tiểu học, THCS (công lập, tư thục) tự sắp xếp thời gian phù hợp để làm việc với Tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn (từ 20/1/2015 đến 14/2/2015). Đơn vị trực tiếp báo cáo là Tập đoàn thiết bị y tế BQP. Các đơn vị trực tiếp liên hệ Phòng Kế hoạch Tập đoàn này.

Khoảng 20 chiếc máy khử độc ozone đã được bán cho nhiều GV của trường THCS Trần Quốc Toản (Q.Bình Tân) ngay trong đợt tư vấn. Nhiều GV trường này bức xúc: “Công ty có tên BQP, logo công ty cũng không khác với logo các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Hơn nữa, văn bản của lãnh đạo Phòng GD-ĐT cũng nói đây là công ty của Bộ Quốc phòng nên chúng tôi tin tưởng mua máy, có người trả tiền ngay để được khuyến mãi thêm bộ dây cắm vào máy. Hôm 2/2, những GV chưa trả tiền bị nhân viên công ty gọi điện đòi. Đến sáng 3/2, khi nhân viên của họ đến trường thu tiền, các GV đồng loạt đòi trả lại máy. Tuy nhiên, phía công ty không đồng ý hoàn 100%, GV phải chịu mất 25%/tổng số tiền”.

Nhieu giao vien chuoc phien phuc vi may khu doc ozone

Máy Wonder - 88 được Tập đoàn thiết bị y tế BQP bán trong một số trường học

Ông Phan Quang Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản cho biết: “Trường chỉ thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, liên hệ với đơn vị này để triển khai tuyên truyền VSATTP đến GV, cán bộ công nhân viên. Sau khi tuyên truyền, họ có giới thiệu sản phẩm máy ozone. GV tự nguyện mua, sau đó đọc thông tin trên mạng nên đòi trả lại. Phía công ty cho biết chỉ hoàn trả lại 75% số tiền. Đang trong quá trình thỏa thuận thì không biết GV nào đã tự ý gọi công an phường tới trường khi chưa được sự đồng ý của tôi. Những nhân viên công ty đã được mời về phường làm việc”.

Tối 3/2, một GV của trường THCS Trần Quốc Toản nghẹn ngào nói: Chiều nay, bên công ty quay lại trường yêu cầu cả 12 GV đã nhận máy dù đã trả tiền hay chưa đều phải chịu phí 15% (buổi sáng đòi 25%) để trả lại máy.

Nguy cơ mất tiền?

Trước hàng loạt lời quảng cáo về máy khử độc Ozone Wonder - 88 có tác dụng khử độc làm sạch rau củ quả, diệt trứng giun sán, diệt 99,95% vi khuẩn gây bệnh, khử thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; làm sạch nước ăn uống, sinh hoạt; làm sạch không khí; làm nước ngậm ozone dùng súc miệng, rửa mặt phòng ngừa hôi miệng, mụn trứng cá; tăng thời gian bảo quản thực phẩm…, chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Văn Thiện, Trưởng phòng Kế hoạch của Tập đoàn theo số điện thoại ghi trên văn bản để tìm hiểu thực hư, ông cho biết: “Công nghệ ozone này được Bộ Y tế, Bộ KH-CN kiểm định, được ứng dụng rộng rãi trên  cả nước”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc GV phản ánh, ông Thiện cho rằng: “Thầy cô thấy giải pháp đó thiết thực thì đăng ký mua, cũng như mua thiết bị ở các cửa hàng, khi mua rồi trả lại thì phải chịu phần trăm máy cũ, đây là quy định chung chứ không phải riêng bên mình. Nếu sử dụng có trục trặc được đổi mới trong vòng một năm, nhưng trả hẳn máy thì phải chịu phần trăm, đã là quy định, nếu nhân viên không làm sẽ bị trừ lương".

Việc nhiều GV bức xúc dù chưa từng dùng thử, máy còn mới nguyên hộp mà vẫn bị yêu cầu mất phí 25% giá trị máy, ông Thiện khẳng định: “Việc này là có quy định của công ty, sau khi nhận thiết bị từ ba ngày trở lên phải chịu cước phí đã qua sử dụng. Ngay trong chương trình đã thông báo rằng nếu thầy cô nào còn băn khoăn chưa muốn sử dụng giải pháp có thể trả ngay trong buổi giới thiệu, đó là quyền quyết định của thầy cô…”.

Chúng tôi hỏi: Ngoài việc đến trường để tuyên truyền, công ty còn bán sản phẩm. Việc này đã được sự đồng ý của Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT chưa, ông Thiện khẳng định: “Đã nói với thầy Tuyên rồi (ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân) khi đơn vị xuống triển khai chương trình có giới thiệu giải pháp này, thầy cô nào muốn ứng dụng thì sử dụng. Giá của thiết bị thống nhất trên toàn quốc là 3.135.000đ. Trong chương trình tập huấn, thầy cô được giảm còn 2.850.000đ”.

Mặc dù đơn vị giới thiệu, bán máy ozone không liên quan gì đến Bộ Quốc phòng nhưng trong văn bản của Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân đã khiến nhiều trường, GV ngộ nhận, tin tưởng mua máy. Bên cạnh đó, vì cấp trên có văn bản chỉ đạo nên các trường lần lượt “mở cửa” đón đơn vị này đến tập huấn và GV cũng nghiễm nhiên xem đó như lời bảo chứng cho chất lượng sản phẩm. Ngay cả ban giám hiệu của trường cũng không được biết sau buổi tập huấn, đơn vị “khuyến mãi” thêm quảng cáo sản phẩm và bán hàng.

Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở Q.Bình Tân, bởi đại diện công ty bán máy cho biết hiện đang triển khai tại một số quận và sắp tới sẽ triển khai toàn TP.

Chiều 3/2, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Sở không hề có đề nghị Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân phối hợp với công ty này. Nếu có đơn vị xin phép, Sở phải kiểm tra, xem xét kế hoạch rồi có văn bản trả lời cụ thể cho phép hoặc không cho phép. Hiện, Sở GD-ĐT kiểm soát rất chặt, không cho quảng cáo tràn lan trong trường học. Chúng tôi sẽ làm việc với Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân về vấn đề này”.

TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI