Nhiều giám đốc chi nhánh SCB tự xin nghỉ việc vì phát hiện sai phạm, luật sư mong HĐXX khoan hồng hơn

28/03/2024 - 15:59

PNO - Một số bị cáo thuộc Ngân hàng SCB đã kiên quyết dừng hành vi sai phạm, quyết định nghỉ việc, mong hội đồng xét xử khoan hồng giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 28/3, trong phần bào chữa cho một số bị cáo thuộc Ngân hàng SCB vi phạm “quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” trong vụ án Vạn Thịnh Phát, các luật sư cho biết, một số bị cáo là giám đốc chi nhánh Ngân hàng SCB đã kiên quyết dừng hành vi sai phạm, quyết định nghỉ việc, mong hội đồng xét xử khoan hồng giảm nhẹ hình phạt.

Nhóm này gồm ông Hồ Bảo Ngọc - cựu Giám đốc SCB Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch bị Viện kiểm sát đề nghị mức 5-6 năm tù; ông Huỳnh Thiên Văn - cựu Giám đốc kênh "Kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp SCB" bị đề nghị 3-4 năm tù; ông Nguyễn Anh Thép - cựu Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn.

Theo cáo trạng, việc Ngân hàng SCB thành lập 3 kênh cho vay, trong đó có kênh "Kinh doanh trực tiếp ngân hàng doanh nghiệp SCB" là một “sáng kiến” của bà Trương Mỹ Lan mà không ngân hàng nào có. Việc thành lập kênh này, về bản chất là nhằm thực hiện thủ đoạn chia bớt hạn mức tín dụng để che đậy hành vi sai phạm nhằm không bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện.

Trong thời gian với vai trò là giám đốc kênh, ông Huỳnh Thiên Văn đã ký tờ trình thẩm định đồng ý cho 75 khách hàng là các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vay 156 khoản tại Ngân hàng SCB, với tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 4.036 tỉ đồng. Hành vì của ông Huỳnh Thiên Văn đã gây thiệt hại cho SCB số tiền 1.701 tỉ đồng.

Ông Hồ Bảo Ngọc đã ký 21 tờ trình thẩm định cho vay với 21 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 21.264 tỉ đồng. Hành vi của ông Hồ Bảo Ngọc đã gây thiệt hại cho SCB số tiền 15.875 tỉ đồng.

Một số bị cáo thuộc ngân hàng SCB đã dừng hành vi sai phạm bằng cách nghỉ việc
Một số bị cáo thuộc Ngân hàng SCB đã dừng hành vi sai phạm bằng cách nghỉ việc

Còn ông Nguyễn Anh Thép với các vai trò là Phó Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Cống Quỳnh, Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn đã ký 17 tờ trình thẩm định đồng ý cho 17 khách hàng là các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 19 khoản tại Ngân hàng SCB, với tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 17.313 tỉ đồng. Hành vi của ông Nguyễn Anh Thép đã gây thiệt hại cho SCB số tiền 15.272 tỉ đồng

Theo các luật sư bào chữa, thực tế việc thẩm định hồ sơ vay của khách thuộc quyền Khối tái thẩm định hội sở SCB thực hiện trước, sau đó mới gửi hồ sơ về các chi nhánh. Các giám đốc chi nhánh như ông Văn, ông Ngọc, ông Thép… chỉ thực hiện nhiệm vụ ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp mà không có quyền thẩm định lại các hồ sơ này nên không biết đây là các hồ sơ vay do người khác đứng tên hộ. Phê duyệt cuối cùng để giải ngân vẫn là HĐQT.

“Các bị cáo này không nhận lợi ích vật chất gì, chỉ làm theo chỉ đạo, vai trò giúp sức của các bị cáo này không đáng kể, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ thêm hình phạt, cho các bị cáo này được hưởng án tù treo”- luật sư Nguyễn Thị Thu nói.

Tự bào chữa cho mình, ông Huỳnh Thiên Văn cho biết, do kênh "Kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp SCB" không có con dấu riêng nên khi thực hiện hợp đồng tín dụng cho khách, ông phải dùng con dấu tại chi nhánh Phạm Ngọc Thạch do ông Hồ Bảo Ngọc và chi nhánh Sài Gòn do ông Nguyễn Anh Thép làm giám đốc.

Ông chỉ thực hiện theo nhiệm vụ được giao, không nhận thức được hành vi ký vào các tờ trình thẩm định này là tiếp tay rút tiền SCB. Hiện ông Văn đã thu hồi công nợ được 300 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Ông mong HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án để ông có thể thu hồi công nợ số tiền hơn 3.000 tỉ đồng còn lại.

Còn ông Hồ Bảo Ngọc thì mong HĐXX xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Cụ thể, khi ông phát hiện ra các tờ trình thẩm định có vấn đề đã quyết định dừng không ký nữa.

“Trong giai đoạn SCB xảy ra khủng hoảng, người dân ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống thì bị cáo đã điều phối để đảm bảo chi trả đủ tiền cho khách, giảm bớt áp lực lên các chi nhánh khác. Bị cáo còn được phân công phối hợp với lãnh đạo đơn vị kinh doanh để định giá tài sản thế chấp, làm cơ sở cho Công ty thẩm định giá Hoàng Quân thực hiện định giá tài sản để làm rõ vụ án. Bị cáo rất đau lòng khi nghĩ về gia đình, về mẹ. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm về với gia đình” – ông Hồ Bảo Ngọc vừa khóc vừa nói tại tòa.

Ông Nguyễn Anh Thép cho biết ông đã làm việc tại SCB từ khi chưa tốt nghiệp đại học. Sau nhiều năm phấn đấu, được làm Phó giám đốc SCB chi nhánh Cống Quỳnh. Khoảng thời gian này, ông phát hiện nhiều khoản vay tại chi nhánh sai quy định nên đã nghỉ việc.

Năm 2021, ông Thép về làm Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn. Thời điểm đó ông không phát hiện chi nhánh có khoản vay nào giải ngân trước, bồ sung hồ sơ sau, các tài sản trong hồ sơ vay đều có giá trị thật sự. Với hồ sơ vay có tài sản đảm bảo là tòa nhà Union Square (quận 1) – thuộc quyền sở hữu của bà Trương Mỹ Lan thực tế là khách hàng hiện hữu, có nhu cầu vay hơn 40 tỉ đồng để sữa chữa đấu nối vào tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên nên ông Thép đã ký hồ sơ duyệt cho vay. Hay một số hồ sơ vay khác đều vay với mục đích bổ sung vốn lưu động theo hạn mức tín dụng được cấp trước đó nên ông Thép mới ký đề xuất cho vay. Theo quy định, những hồ sơ này sau giải ngân 1-2 ngày sẽ được chuyển đến tổ giám sát.

“Nhưng sau đó bị cáo đã đã rời khỏi SCB nên không theo dõi số tiền giải ngân thực tế là bao nhiêu, các hồ sơ vay có được chuyển đến tổ giám sát đúng quy định hay không. Mong HĐXX đánh giá lại vai trò của bị cáo để cho bị cáo mức án phù hợp” – ông Thép trình bày.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI